Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2257
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu mô hình bệnh tật người cao tuổi tại Hải Phòng (08/08/2023)

Trong Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2010: người cao tuổi là “tất cả công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên”. Người cao tuổi được coi là một nguồn lực quan trọng trong các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước. Người cao tuổi Việt Nam hiện nay có tỷ lệ ốm đau cao, tình trạng khỏe mạnh thấp. Trung bình mỗi người phải chịu 14 năm bệnh tật trong tổng số 73 năm trong cuộc sống. Ngành y tế cũng sẽ phải đương đầu với những thách thức mới. Cùng với sự gia tăng của tuổi thọ trung bình, mô hình bệnh tật của nước ta cũng đang thay đổi nhanh chóng. Chi phí y tế cho người cao tuổi sẽ tăng lên nhanh chóng, điều này đặc biệt quan trọng nếu chúng ta biết là bình quân chi phí y tế cho một người cao tuổi cao gấp 7 lần so với một người ở nhóm tuổi trẻ. Chi phí y tế cho nhóm người trên 75 tuổi chiếm tới 30% tổng ngân sách y tế của một quốc gia.

Việc xác định mô hình bệnh tật người cao tuổi tại một nơi cụ thể, một thời điểm cụ thể, nắm bắt được sự thay đổi của mô hình bệnh tật người cao tuổi sẽ là tiền đề. Xác định những yếu tố liên quan gây ảnh hưởng đến mô hình bệnh tật người cao tuổi là cơ sở khoa học để xây dựng các chiến lược y tế thiết thực cho công tác dự phòng các cấp độ, kế hoạch cấp cứu và điều trị hạ thấp tần số mắc bệnh, giảm thiểu các biến chứng có thể dự phòng nhằm nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.

Với mục tiêu đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã phê duyệt triển khai đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố “Nghiên cứu mô hình bệnh tật người cao tuổi tại Hải Phòng, các yếu tố liên quan và đề xuất các giải pháp can thiệp” do TS. BSCKII Phạm Thu Xanh - Nguyên Giám đốc Sở Y tế cùng các cộng sự thực hiện. Đề tài được đánh giá xếp loại xuất sắc tại hội nghị nghiệm thu ngày 24/2/2021 tại Sở Khoa học và Công nghệ.

Theo nghiên cứu, mô hình bệnh tật được hiểu là kết cấu phần trăm các nhóm bệnh và tử vong của các bệnh trong khu vực. Việc xây dựng mô hình bệnh tật sẽ xác định những bệnh phổ biến, các bệnh tử vong nhiều nhất, giúp cho định hướng lâu dài và kế hoạch phòng chống các bệnh tật trong giai đoạn tới và nghiên cứu khoa học cho từng đối tượng, khu vực cụ thể.

Trong phạm vi khám và điều tra mô hình bệnh tật cho 5.286 người cao tuổi trên phạm vi 30 xã, phường tại Hải Phòng, nhóm nghiên cứu phân nhóm người cao tuổi thành 4 nhóm: 60-69 tuổi, 70-79 tuổi, 80-89 tuổi và >90 tuổi. Mô hình bệnh tật ở người cao tuổi Hải Phòng cho thấy: Cân nặng trung bình của người cao tuổi là 52,83 ± 8,63 kg, nam giới 53,49kg, nữ giới 51,94kg; Chỉ số BMI trung bình là 21,95 ± 3,03; thiếu cân ở nam là 12,66%, nữ là 11,18%; thừa cân ở nam 35,88%, nữ là 33,07%; người cao tuổi tiền sử có bệnh tật là 57,15%; Nghiên cứu chẩn đoán phát hiện thêm 40,56% người cao tuổi có bệnh; Số người cao tuổi có kết quả xét nghiệm bất thường: siêu âm 42,63%, X-quang 76,58%, điện tâm đồ 10,1% và nước tiểu 45,63%; Tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh là 97,71%, không mắc bệnh là 2,29%; Tỷ lệ không mắc bệnh cao nhất ở nhóm huyện đảo 8,19%, ở huyện 2,91%, thấp nhất là nhóm 110 ở quận 0,99%; Số không mắc bệnh ở nhóm tuổi 60-69 chiếm tỷ lệ thấp nhất là 1,92%, nhóm trên 90 tuổi cao nhất là 2,63%; Số bệnh mắc trung bình ở người cao tuổi là 3,12 bệnh. Trong đó, nhóm 60-69 là 3,11 bệnh, nhóm 70-79 là 3,12 bệnh, nhóm 80-89 là 3,21 bệnh, nhóm >90 là 3,07 bệnh. Nhóm tuổi 80-89 tuổi có số bệnh mắc nhiều nhất; Người có số bệnh nhiều nhất là 12 bệnh; Bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất, có liên quan dến lão hóa: thoái hóa khớp (56,71%) và đau lưng (47,75%); Theo phân loại ICD10, người cao tuổi mắc nhóm bệnh nhiễm trùng là 3,35%; mắc bệnh ung thư chiếm 5,81%; mắc bệnh nội tiết chuyển hóa 35,19%; mắc bệnh về mắt 24,37%; mắc bệnh hệ hô hấp với 15,83%; mắc bệnh về hệ tiêu hóa 45,57%; mắc bệnh hệ cơ xương khớp và mô liên kết là 25,84%. Số mắc bệnh hệ tuần hoàn rất cao 53,46%, nhóm 60-69 (49,17%); nhóm 70-79 là 59,09%; nhóm 80-89 (54,63%) và nhóm tuổi >90 là 55%; người cao tuổi nữ giới mắc bệnh cao hơn nam ở các bệnh: bệnh nội tiếp chuyển hóa (38,33% và 28,09%). bệnh đục thủy tinh thể (20,33% và 18,38%); sâu răng, mất răng (23,12% và 21,06%); thoái hóa gối (7,13% và 5,87%), thoái hóa cột sống (6,48% và 5,87%), đau lưng (2,51% và 0,92%); người cao tuổi nam giới mắc bệnh cao hơn nữ ở các bệnh: bệnh hệ tuần hoàn (57,1% và 51,85%); bệnh về hệ tiêu hóa (47,16% và 44,87%). bệnh tăng huyết áp (44,16% và 38,58%); bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (3,79% và 1,97%), bệnh tuyến giáp (8,52% và 0,46%), thiếu máu dinh dưỡng (2,28% và 1,99%); u lành tính (6,73% và 4,75%); bệnh Gút (4,04% và 1,22%), sỏi thận (7,54% và 5,87%), nang thận mắc phải (5,93% và 3,24%).

Theo đó, nghiên cứu chỉ ra một số yếu tố liên quan đến mô hình bệnh tật ở người cao tuổi, đó là: nữ giới có khả năng không mắc bệnh cao gấp 2 lần nam giới; khả năng mắc bệnh theo độ tuổi không chênh lệch nhiều; người cao tuổi có kết hôn có khả năng không mắc bệnh cao gấp 3,65 lần so với nhóm còn lại; người cao tuổi ở thành thị dễ mắc bệnh hơn 1,66 lần so với ở nông thôn, hải đảo; người cao tuổi có hoạt động thể lực có khả năng không mắc bệnh cao gấp 2,27 lần so với người cao tuổi không hoạt động thể lực; người cao tuổi ở nhà cấp III có khả năng không mắc bệnh cao gấp 1,88 lần; người cao tuổi sử dụng nước mưa có khả năng không mắc bệnh cao gấp 1,73 lần so với người cao tuôisử dụng các loại nước còn lại. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng thống kê cụ thể tỉ lệ mắc bệnh của từng loại bệnh (tăng huyết áp, đái tháo đường, đục thủy tinh thể, viêm loét dạ dày, thoái hóa khớp).

Từ kết quả nghiên cứu thực tế, nhóm tác giả đề ra giải pháp chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi thông qua các hoạt động như: khám sức khỏe định kỳ, phát triển các dịch vụ y tế đặc thù cho người cao tuổi, hỗ trợ bảo hiểm y tế, khuyến khích cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại tuyến y tế, xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc điều dưỡng và chăm sóc người bệnh cao tuổi… Việc xác định một số yếu tố liên quan đây là cơ sở cung cấp các bằng chứng khoa học rất có giá trị hỗ trợ để Thành phố Hải Phòng có thể xây dựng được các chính sách và can thiệp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, thông qua mô hình bệnh tật điển hình ở những nhóm bệnh người cao tuổi mắc chính. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.