Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 4082
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu mô hình bệnh tật và đề xuất giải pháp phòng chống bệnh tật cho lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo thành phố Hải Phòng (06/11/2023)

Viện Y học Biển, đứng đầu là PGS.TS Trần Thị Quỳnh Chi - Viện trưởng hoàn thành đề tài "Nghiên cứu mô hình bệnh tật và đề xuất giải pháp phòng chống bệnh tật cho lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo thành phố Hải Phòng", trình Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện vào tháng 6/2023 tại Sở Khoa học và Công nghệ.

Quang cảnh Hội nghị tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài.

Bên cạnh việc nghiên cứu tổng quan một số vấn đề lý thuyết và các vấn đề có liên quan; thực trạng các yếu tố liên quan đến mô hình bệnh tật cho lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo Hải Phòng; Ban chủ nhiệm đề tài cũng tiến hành nghiên cứu mô hình bệnh tật của lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo Hải Phòng và Đề xuất các giải pháp phòng, chống bệnh tật cho lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo Hải Phòng.

Đánh giá thực trạng các điều kiện lao động cho lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo Hải Phòng, nghiên cứu chỉ ra hầu hết các yếu tố về điều kiện lao động đều không đạt chuẩn, ngoại trừ yếu tố dư lượng kháng sinh trong các mẫu thủy sản. Về mô hình bệnh tật của người lao động nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu trên 1.220 người lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo Hải Phòng cho thấy, một số nhóm bệnh có tính chất nghề nghiệp như: hô hấp; rối loạn tâm thần và hành vi; cơ, xương khớp và mô liên kết; da và tổ chức dưới da; nhiễm trùng và ký sinh trùng; hệ sinh dục, tiết niệu; chấn thương, ngộ độc. 

Từ các nghiên cứu trên, Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất 03 nhóm giải pháp phòng chống bệnh tật cho người lao động nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo thành phố Hải Phòng.

 

Người nuôi trồng thủy sản thường xuyên tiếp xúc với môi trường nước và bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, điều kiện vệ sinh an toàn lao động chưa đảm bảo.

Một là, nhóm giải pháp về chuyên môn, trong đó tăng cường thực hiện biện pháp phòng hộ cá nhân và quy trình làm việc an toàn thông qua việc trang bị đầy đủ, đảm bảo chất lượng, số lượng, chủng loại các trang thiết bị bảo hộ lao động cá nhân để bảo vệ cơ quan hô hấp, mắt, thân thể, tay chân; khuyến cáo người lao động nuôi trồng thủy sản thường xuyên sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân trong quá trình làm việc; thực hành quy trình làm việc an toàn. Tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh môi trường sống và lao động tại khu vực nuôi trồng thủy sản, an toàn lao động và phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh cho người lao động nuôi trồng thủy sản, hạn chế hoặc thay thế các hóa chất độc hại dùng trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Tổ chức tốt công tác khám, quản lý sức khỏe cho người lao động nuôi trồng thủy sản theo định kỳ để phát hiện sớm các bệnh có tính chất nghề nghiệp; thực hiện cơ chế phối hợp tốt giữa tuyến y tế cơ sở với các bệnh viện tuyến trên trong địa bàn thành phố và các bệnh viện chuyên ngành trong việc khám, quản lý sức khỏe cho người lao động nuôi trồng thủy sản. Nâng cao năng lực khám, điều trị cho cán bộ y tế tuyến cơ sở...

Hai là, nhóm giải pháp chính sách, trong đó đề nghị ngành y tế, bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh định kỳ cho người lao động nuôi trồng thủy sản; các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động và đảm bảo các chế độ chính sách có liên quan tại các tổ chức hoặc hộ gia đình có tham gia nuôi trồng thủy sản nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng cho người lao động; xây dựng tiêu chuẩn quy định về tủ thuốc, dụng cụ y tế thiết yếu cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Ba là, nhóm giải pháp về công nghệ kỹ thuật như: tăng cường sử dụng các máy móc có thể thay thế cho người lao động trong quy trình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong giai đoạn cải tạo ao đầm; ứng dụng mô hình chuyển đổi số, công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản (tự động hóa trong quá trình sản xuất, sử dụng thuốc và hóa chất; ứng dụng công nghệ sinh học, nuôi tuần hoàn, sử dụng máy cho ăn tự động, kiểm soát các nguồn đầu vào tự động); ứng dụng mô hình xử lý chế phẩm enzymes trong nuôi trồng thủy sản; ứng dụng công nghệ quản lý các chất thải độc hại phát sinh trong quá trình nuôi trồng thủy sản trước khi thải ra môi trường.

Việc thực hiện đề tài giúp thành phố và ngành y tế xây dựng chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ lao động biển nói chung và lao động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, hải đảo nói riêng. Trong đó, việc xác định mô hình bệnh tật sẽ giúp ngành y tế xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách toàn diện, đầu tư cho công tác phòng chống bệnh có chiều sâu và trọng điểm, từng bước hạ thấp tối đa tần suất mắc bệnh cho cộng đồng, nâng cao sức khỏe nhân dân. Từ mô hình bệnh tật có thể xác định được các bệnh phổ biến nhất, giúp định hướng lâu dài về kế hoạch phòng chống bệnh tật trong từng thời điểm cụ thể. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.