Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 18358 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu môi trường và đa dạng sinh học trong các hang ngầm và hồ nước mặn khu vực Cát Bà nhằm bảo tồn và phát triển du lịch (02/02/2024)
Theo thống kê chưa đầy đủ, Cát Bà có khoảng trên 26 hồ nước mặn lớn nhỏ nằm rải rác trên các đảo, cụm đảo, trong đó hồ có diện tích lớn nhất khoảng 28ha (Nguyễn Chu Hồi, 1999). Các hồ này là những tiểu hệ sinh thái bị cô lập, cách ly với môi trường bên ngoài. Môi trường trong các hồ có sự khác biệt rất lớn với môi trường ngoài như có độ mặn thấp, lớp thảm mục trong hồ nhiều hoặc biến đổi thường xuyên do nước mưa trên lưu vực đổ xuống… Do vậy các loài sống được trong môi trường này thường có sự thích ứng cao hoặc tự biến đổi để thích nghi với môi trường. Vì vậy, chúng có thể chứa ẩn nhiều loài có giá trị về mặt khoa học, kinh tế và sinh thái.
Các nghiên cứu về đa dạng sinh học trong các hang ngầm và hồ nước mặn khu vực Cát Bà còn rất hạn chế, do vậy TS Nguyễn Đăng Ngải - Trưởng phòng Phòng Sinh thái và Tài nguyên động vật biển, Viện Tài nguyên và Môi trường biển cùng các cộng sự thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố “Nghiên cứu môi trường và đa dạng sinh học trong các hang ngầm và hồ nước mặn khu vực Cát Bà nhằm bảo tồn và phát triển du lịch”, hoàn thành và được nghiệm thu vào năm 2020 tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng.
Sơ đồ các hồ nước mặn được khảo sát.
Sơ đồ các hang ngầm được khảo sát.
Mục tiêu khoa học của đề tài là đánh giá được hiện trạng và các đặc trưng về môi trường nước trong các hang ngầm và hồ nước mặn khu vực Cát Bà; nghiên cứu được đa dạng sinh học và các đặc điểm phân bố của các loài sinh vật trong một số hang ngầm và hồ nước mặn tiến hành nghiên cứu; xác định được các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế và sinh thái trong các hang, hồ tiến hành nghiên cứu và đề xuất lựa chọn một số hang ngầm, hồ nước mặn tiêu biểu phục vụ bảo tồn và phát triển du lịch giải trí.
Theo nghiên cứu, trong số 27 hồ nước mặn được khảo sát có 10 hồ kín, 17 hồ thông với biển. Diện tích hồ trung bình 4,8ha, dao động từ 0,2 -30ha, hồ lớn nhất là Áng Vẹm (diện tích 30ha) và nhỏ nhất là hồ Ông Quang và Vạn Hà (diện tích 0,2ha). Đối với hang ngầm, tất cả 6 hang đều có 2 cửa (hang thông), chiều dài trung bình 130m, lớn nhất là Hang Tối (dài 270m), ngắn nhất là Hang Áng Hà (dài 70m). Phần lớn các hang đều ngập nước khi thủy triều lên và để lộ trần hang khi thủy triều thấp. Riêng Hang Quả Vàng ngập nước hoàn toàn khi thủy triều thấp. Một số thông số về chất lượng môi trường nước trong các hang ngầm và hồ nước mặn đã có biểu hiện vượt giới hạn cho phép ở một số điểm như ôxy hòa tan thấp; hàm lượng nitrat, phosphat, H2S, NH3 cao. Độ muối thấp đến 10‰ ở một số hồ kín vào mùa mưa. Đây là các đặc trưng của môi trường nước trong các hang ngầm và hồ nước mặn, đặc biệt có sự phân tầng nghịch của nhiệt độ trong các hồ kín, tầng đáy cao hơn tầng mặt từ 2-30C. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 226 loài thực vật phù du, 85 loài động vật phù du, 53 loài cá, 44 loài rong biển, 37 loài hải miên, 48 loài san hô, 148 loài động vật đáy. Trong đó có 23 loài rong, 52 loài cá, 34 loài động vật đáy có giá trị kinh tế và loài hải miên có hoạt tính sinh học cao.
Nghiên cứu này đã phát hiện được 4 loài quý hiếm nằm trong Danh lục đỏ Việt Nam là: san hô khối Porites lobata (mức độ VU), bàn mai đen Atrinavexillum (mức độ EN), cá Mòi không răng Anodontostama chacunda (mức độ VU)), cá Ngựa đen Hippocampus kuda (mức độ EN) và 46 loài san hô cứng nằm trong danh lục đỏ của IUCN ở các mức độ LC (ít lo ngại) đến mức VU. Lần đầu tiên phát hiện ra sự phân bố của loài cá Trê trắng Galeichthys feliceps ở các hồ thuộc quẩn đảo Cát Bà (chúng thường phân bố ở châu Phi) và hai loài cá bống Istigobius ornatus và Istigobius decorates là ghi nhận mới cho danh mục cá biển Việt Nam. Nghiên cứu cũng phát hiện một số hồ nước mặn và hang ngầm có các đặc trưng về cảnh quan, sinh vật có thể sử dụng để phát triển du lịch lặn ngầm như Hang Sáng, Hồ Hang Sáng, Hồ Lờm Bưng hoặc leo núi ngắm cảnh như hồ Trát Sào, Lờm Bưng, Cá Hồng Nhỏ, Cá Vược. Tuy nhiên cần quản lý tốt và giới hạn số lượng người để tránh gây tổn hại đến các quần xã sinh vật trong hang, hồ.
Trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứucũng đề xuất một số biện pháp bảo tồn và quản lý các hang ngầm và hồ nước mặn để phát triển du lịch như: Kiểm kê dầy đủ số số lượng hang ngầm và hồ nước mặn; Thành lập các chốt cố định tại các khu vực đông khách du lịch hoặc những nơi người dân thường xuyên vào khai thác; Khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường; Nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch; Nghiêm cấm nuôi trồng thủy sản trong hồ.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)