Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 16570 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đốt các tổn thương ác tính ở gan bằng vi sóng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng (19/08/2024)
PGS.TS. Lê Minh Quang cùng các cộng sự tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã hoàn thành dự án ứng dụng Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đốt các tổn thương ác tính ở gan bằng vi sóng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng. Dự án tiếp nhận kỹ thuật từ Bệnh viện Chợ Rẫy, đào tạo được 7 bác sỹ và 6 điều dưỡng làm chủ kỹ thuật, bố trí thường trực 02 kíp thực hiện kỹ thuật (01 kíp bao gồm 01 bác sỹ và 01 điều dưỡng).
Theo ghi nhận ung thư quần thể 10 năm tại Hải Phòng của Nguyễn Lam Hòa và cộng sự, trong giai đoạn từ 2001 đến 2010, tỉ lệ mắc ung thư gan theo tuổi là 15,12/100.000 dân. Ước tính có khoảng 1.000 bệnh nhân ung thư gan tại Hải Phòng. Tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, ở thời điểm nghiên cứu có khoảng 300 bệnh nhân ung thư đại trực tràng được theo dõi và điều trị, trong đó khoảng 10% (30 bệnh nhân) có tổn thương di căn gan.
Kỹ thuật đốt các tổn thương ác tính ở gan bằng vi sóng được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng.
Nghiên cứu về các phương pháp điều trị bệnh gan cho thấy, phẫu thuật cắt phần gan mang u hoặc ghép gan được ghi nhận là phương pháp điều trị triệt để, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Tuy nhiên lựa chọn bệnh nhân cho phẫu thuật phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về tình trạng toàn thân cũng như các tổn thương tại chỗ, do đó ít bệnh nhân được áp dụng điều trị. Bên cạnh đó, những trường hợp ung thư đại trực tràng di căn gan, người bệnh đã trải qua một lần phẫu thuật cắt ung thư đại trực tràng và điều trị hóa xạ, tình trạng toàn thân kém, đồng thời người bệnh cũng e ngại khi tiến hành cuộc phẫu thuật tiếp theo. Phương pháp điều trị can thiệp mạch gan là một điều trị không triệt để được chỉ định trong những trường hợp không có chỉ định phẫu thuật hoặc phá hủy u tại chỗ. Điều trị nhắm trúng đích được áp dụng trên bệnh nhân ở giai đoạn không còn chỉ định can thiệp điều trị triệt để hoặc can thiệp mạch gan, tuy nhiên hiệu quả điều trị còn hạn chế và chi phí cho điều trị cao.
Còn với MWA (phá hủy bằng vi sóng) là kỹ thuật sử dụng năng lượng phát ra từ máy phát vi sóng, năng lượng này được truyền qua hệ thống dây dẫn tới kim đốt, kim đốt được đưa tới vị trí u cần phá hủy dưới hướng dẫn của siêu âm. Năng lượng tạo thành là nhiệt năng sẽ phá hủy khối u dựa trên cơ chế làm chết các tế bào bằng nhiệt. Đây là phương pháp điều trị triệt để với ưu điểm: kỹ thuật thực hiện thuận lợi, an toàn, chỉ định rộng, áp dụng được cho bệnh nhân có bệnh lý phối hợp, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị cho các cơ sở y tế cũng như bệnh nhân và gia đình người bệnh. Kỹ thuật này có thể giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được điều trị tại Hải Phòng. Bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, giảm chi phí và công sức cho người bệnh và gia đình.
Để triển khai dự án, Ban chủ nhiệm thực hiện tổ chức, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị (cải tạo sửa chữa phòng thủ thuật; trang bị đủ hệ thống máy, thiết bị, vật tư phục vụ dự án), đồng thời tiến hành lựa chọn 21 bệnh nhân áp dụng kỹ thuật. Trong số này, bệnh nhân nam giới chiếm tỉ lệ 76%, tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân trong nghiên cứu là 61,29 tuổi, bệnh nhân cao tuổi nhất là 84 tuổi, thấp nhất 43 tuổi. Có 6 trường hợp ung thư đại trực tràng di căn gan, 15 trường hợp ung thư gan nguyên phát, trong đó có 9/15 bệnh nhân mắc viêm gan virus B hoặc viêm gan virus C, 1 bệnh nhân đồng nhiễm viêm gan C và AIDS. Phần lớn bệnh nhân phát hiện bệnh tình cờ và khám định kỳ, các triệu chứng thường gặp bao gồm rối loạn tiêu hóa, ăn uống kém, đầy bụng, sụt cân.
Tổng số u gan được tiến hành can thiệp là 27 u, với kích thước u trung bình 3,75 ± 1,25cm, trong đó u lớn nhất 6cm. Nghiên cứu cho thấy, thời gian trung bình phá hủy một khối u là 21,3 ± 8,8 phút, ngắn nhất là 7 phút, dài nhất là 40 phút. Bệnh nhân được giảm đau trong quá trình tiến hành thủ thuật bằng Fentanyl, không có trường hợp nào phải dừng không tiếp tục kỹ thuật do đau. Về thời gian hồi phục của bệnh nhân sau đốt, thời gian nằm viện trung bình 3,95 ± 0,8 ngày, ngắn nhất 3 ngày và dài nhất 5 ngày. Kết quả triển khai dự án cũng cho thấy, tỉ lệ phá hủy u hoàn toàn sau một lần đốt đạt 89, 9% là mức cao, có thể áp dụng và nhân rộng trong các cơ sở y tế. Có 3/27 khối u phá hủy không hoàn toàn, trong đó có một bệnh nhân được tiến hành phá hủy khối u lần 2 theo dõi sau 03 tháng tỷ lệ AFP (là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát và đây cũng là chỉ số theo dõi đánh giá đáp ứng điều trị) giảm 85% so với trước khi tiến hành MWA. Một bệnh nhân được phẫu thuật, đánh giá trong phẫu thuật khối u khoảng 4cm ở hạ phân thùy VII-VIII sát tĩnh mạch chủ và tĩnh mạch trên gan phải. Một bệnh nhân bệnh tiến triển không còn chỉ định phẫu thuật và MWA được tiến hành can thiệp mạch có hóa chất.
Theo dõi bệnh nhân sau đốt, không có trường hợp nào xuất hiện u mới tại vùng u đã phá hủy, không phát hiện tổn thương di căn ngoài gan hoặc huyết khối tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan và tĩnh mạch chủ trên những bệnh nhân ung thư gan nguyên phát. Có 01 trường hợp bệnh nhân có khối u gan hạ phân thùy VI-VII kích thước khoảng 4cm được phá hủy hoàn toàn, phát hiện tái phát tại gan hạ phân thùy VII sau 03 tháng, bệnh nhân được chỉ định điều trị tiếp. Một trường hợp bệnh nhân ung thư trực tràng di căn gan có 03 khối u gan được phá hủy hoàn toàn, bệnh nhân được tiến hành đồng thời hóa chất toàn thân bước 2 nhưng đáp ứng điều trị kém, bệnh tiến triển trong bệnh cảnh chung của ung thư trực tràng. Trong nghiên cứu, tỉ lệ biến chứng nhẹ là 19%, được điều trị nội khoa ổn định. Các biến chứng nhẹ hay gặp là bỏng da tại vị trí đưa kim đốt và được khắc phục bằng cài đặt hệ thống với mức năng lượng thấp và phủ bông tẩm cồn quanh chân điện cực. Tất cả bệnh nhân trong nghiên cứu sau khi tiến hành kỹ thuật được theo dõi tại giường bệnh 120 phút và xuất viện sau khoảng 3 đến 5 ngày điều trị (trung bình là 3,95 ngày).
Như vậy, kỹ thuật đốt u gan bằng vi sóng được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm hạn chế tối đa việc can thiệp tới bệnh nhân so với phương pháp cũ là phẫu thuật nặng nề. Kỹ thuật này không cắt bỏ khối u như phẫu thuật mà dùng vi sóng truyền qua kim điện cực để phá hủy hoại tử khối u đưa đến hiệu quả điều trị tương đương phẫu thuật cắt u. Dự án thành công đã giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội áp dụng một kỹ thuật hiện đại trong điều trị tổn thương ác tính ở gan tại Hải Phòng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, giảm chi phí đi lại và công sức cho bệnh nhân và gia đình người bệnh.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ./.
- Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris tại Hải Phòng (14/08/2024)
- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO trong điều... (07/08/2024)
- Xây dựng mô hình sản xuất giống invitro cây Sâm cau (Curculigo orchioides Gaetn.)... (05/08/2024)
- Xây dựng mô hình sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen (Mylopharyngodon piceus) tại... (01/08/2024)
- Xây dựng mô hình ứng dụng thiết bị cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng nấm ăn tại phường... (29/07/2024)