Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1409
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO trong điều trị sốc nặng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (07/08/2024)

Rối loạn huyết động và suy giảm chức năng cơ tim trong sốc có các biểu hiện như: mạch nhanh, huyết áp giảm, tím, giảm ô-xy, tiểu ít, vô niệu, lactat máu tăng. Tình trạng sốc sẽ tiến triển nặng lên nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, để phát hiện sớm và chính xác hơn thì các kỹ thuật thăm dò huyết động xâm nhập đã được nhiều tác giả ứng dụng như đặt catheter tĩnh mạch trung tâm theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP), catheter động mạch theo dõi huyết áp trung bình (MAP), catheter Swan-Ganz đo áp lực mao mạch phổi bít, cung lượng tim (CO) và độ bão hòa ô-xy máu tĩnh mạch trộn.

Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các phương pháp thăm dò huyết động khác ít xâm nhập hơn được sử dụng ở nhiều trung tâm hồi sức, thay thế cho catheter Swan - Ganz, USCOM, doppler thực quản, PiCCO (Pulse induced ContourCardiac Output). Trong đó PiCCO là phương pháp mới có tính ứng dụng cao, nhanh, ít biến chứng, có thể áp dụng tại các khoa hồi sức, cấp cứu. Mặt khác, phương pháp PiCCO phản ánh được tất cả các thông số huyết động như: cung lượng tim, chỉ số tim, thể tích nhát bóp, biến thiên thể tích nhát bóp, lượng nước ngoài phổi… từ đó hướng dẫn một cách chính xác và cụ thể cho thầy thuốc trong điều trị sốc nặng, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân.

Thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO đã được áp dụng hiệu quả tại các trung tâm hồi sức trung ương tại Việt Nam như ứng dụng PiCCO theo dõi huyết động ở bệnh nhân mổ tim mở tại bệnh viện Trung ương quân đội 108, hoặc sử dụng PiCCO trong hồi sức ngoại khoa tại bệnh viện Việt Đức, trong hồi sức bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn tại bệnh viện Bạch Mai. Tại Hải Phòng, mặc dù bệnh nhân sốc nặng nhập viện tại bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp còn khá cao nhưng các bệnh nhân này chỉ được áp dụng bằng các phương pháp hồi sức thăm dò huyết động thường quy (đo huyết áp động mạch, huyết áp tĩnh mạch trung tâm...) không đo được các thông số huyết động quan trọng khác để có hướng điều trị kịp thời. Do vậy kết quả điều trị bị ảnh hưởng không nhỏ, thời điểm nằm viện tại khoa hồi sức kéo dài, tỷ lệ tử vong còn cao. Do vậy, TS.BSCKII. Nguyễn Thắng Toản cùng các cộng sự thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã triển khai dự án ứng dụng Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO trong điều trị sốc nặng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp trên cơ sở tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO từ Bệnh viện Việt Đức và ứng dụng kết quả PiCCO để điều trị cho 30 bệnh nhân sốc nặng tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng. Dự án đã cử 01 kíp gồm 02 bác sỹ học chuyển giao kỹ thuật thăm dò huyết động PiCCO tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Nội dung đào tạo gồm: Đào tạo chuyển giao kỹ thuật thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO; Xử lý tai biến trên bệnh nhân, các tình huống liên quan đến kỹ thuật, máy, thiết bị; Ứng dụng các kết quả đo từ kỹ thuật thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO, điều chỉnh lượng dịch truyền, liều thuốc vận mạch cho bệnh nhân sốc nặng. Sau đào tạo, 02 bác sỹ đã thực hiện thành thạo kỹ thuật đặt thiết bị thăm dò, sử dụng máy PiCCO, xử lý các tình huống, ứng dụng được kết quả thăm dò huyết động PiCCO để điều trị cho bệnh nhân sốc nặng, có đủ khả năng đào tạo lại cho đối tượng bác sỹ và điều dưỡng. Trong quá trình triển khai, dự án cũng đào tạo, tập huấn và cấp chứng chỉ cho 6 kíp gồm 12 bác sỹ và 12 điều dưỡng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp nắm vững và ứng dụng thành thạo các kỹ thuật chuyển giao.

Sơ đồ đo cung lượng tim theo phương pháp PiCCO.

Việc ứng dụng kỹ thuật thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO trong điều trị 30 bệnh nhân sốc nặng (thuộc 3 nhóm: sốc nhiễm khuẩn, sốc tim, sốc giảm thể tích), trong đó có 18 bệnh nhân nam, chiếm 60%; 12 bệnh nhân nữ, chiếm 40%.  Bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn gặp nhiều nhất với tỷ lệ 50%. Tuổi trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu khá cao: 66 tuổi, trẻ nhất là 29 tuổi, cao nhất là 95 tuổi. Thời gian từ khi bệnh nhân bị sốc đến khi vào khoa trung bình 6,4 giờ, có cả bệnh nhân khi vào khoa chưa được chẩn đoán sốc. Chỉ số mạch của bệnh nhân khi vào khoa cao ở cả 3 nhóm, trung bình 131 lần/phút. Huyết áp trung bình của bệnh nhân khi vào khoa thấp, ở mức 47mmHg. Áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP) trung bình khi vào khoa là 6mmHg, cao nhất 25mmHg. Tần số thở của bệnh nhân khi vào khoa nhanh, trung bình 28 lần/phút. Chỉ số thể tích cuối tâm trương toàn bộ (GEDV) lúc tiến hành thăm dò huyết động ở 3 nhóm có sự khác nhau (p<0,05), cao nhất ở nhóm sốc tim 1072 ± 148ml, thấp nhất ở nhóm sốc giảm thể tích 508 ± 89ml. Tuy nhiên sau 6 giờ, nhờ điều chỉnh theo PiCCO, GEDV đã dần về giới hạn bình thường, không có sự khác biệt giữa 3 nhóm. Chỉ số biến thiên thể tích tống máu (SVV) lúc tiến hành thăm dò huyết động ở 3 nhóm có sự khác nhau (p>0,05), cao nhất ở nhóm sốc giảm thể tích 28 ± 8,9%, thấp nhất ở nhóm sốc tim 9,0 ± 1,8%. Tuy nhiên sau 6 giờ, nhờ điều chỉnh theo PiCCO, ở hai nhóm sốc nhiễm khuẩn và sốc giảm thể tích, SVV đã dần về giới hạn bình thường, không có sự khác biệt giữa 3 nhóm. Chỉ số nước ngoài mạch phổi tại thời điểm T0h cao nhất ở nhóm sốc tim: 11,4 ± 1,6ml/kg. Tại các thời điểm T72h, nhóm này vẫn còn cao nhất: 7,35 ± 2,7. Lượng dịch truyền ở nhóm sốc giảm thể tích sau 6 giờ là 39,9 ± 17,3 ml/kg/h, nhiều hơn so với 2 nhóm sốc nhiễm khuẩn và sốc tim (p<0,05). Chỉ số tim (CI) tại thời điểm T0 của nhóm sốc tim rất thấp là: 2,06 ± 0,9 l/phút/m2. Tại thời điểm 6 giờ và 72 giờ sau hồi sức, CI tăng là 3,2 ± 0,75 l/phút/m2; trong khi nhóm sốc nhiễm khuẩn và sốc giảm thể tích luôn đạt được từ 4 đến 5 l/phút/m2. Chỉ số sức cản mạch hệ thống (SVRI) lúc đặt PiCCO ở nhóm sốc nhiễm khuẩn là thấp nhất: 1400 ± 267; nhóm sốc giảm thể tích cao nhất 2173 ± 315 dyne.s.cm-5m2. Sau T72h thì SVRI của nhóm sốc tim vẫn còn cao 1780±236 dyne.s.cm-5m2. Liều thuốc co bóp cơ tim Dobutamin của 3 nhóm, ở thời điểm T0 và trong quá trình điều trị có sự khác rõ. Thời điểm T0, nhóm giảm thể tích liều thuốc co mạch Noradrenalin cao nhưng nhanh chóng giảm khi bù đủ dịch. Nghiên cứu cũng cho thấy, mạch tại thời điểm T0 cao nhất ở nhóm sốc giảm thể tích 136 ± 8 lần/phút, từ T12 giờ tới 72 giờ điều trị, mạch đã thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực, tuy nhiên nhóm sốc tim thay đổi ít nhất. Mức CVP tại thời điểm T0 trong nghiên cứu cao nhất ở nhóm sốc tim 17,0 ± 4,1 mmHg, thấp nhất ở nhóm sốc giảm thể tích: 4,0 ±1,6 mmHg (khác biệt có ý nghĩa thống kê). Huyết áp trung bình tại thời điểm T0 ở cả 3 nhóm thấp; sau 6 giờ, huyết áp trung bình ở nhóm sốc giảm thể tích đã đạt 70mmHg. Nồng độ ScvO2 tại thời điểm T0 rất thấp ở cả 3 nhóm (không có sự khác biệt). Tại thời điểm T12, nồng độ ScvO2 tăng rõ rệt và duy trì ở mức mục tiêu ở 2 nhóm sốc nhiễm khuẩn và sốc giảm thể tích. Nồng độ lactate tại thời điểm T0 rất cao, trung bình 5,7 ± 3,3 mmol/l, sau can thiệp điều trị, nồng độ giảm nhanh; đến thời điểm T72 còn 1,4 ± 1,1 mmol/l. Thời điểm T0, cả 3 nhóm đều vô niệu, tuy nhiên đến thời điểm 12h thì lượng nước tiểu trung bình ở cả 3 nhóm đều đạt được mức mục tiêu 0,5ml/kg/h.

Với những kết quả triển khai, Ban chủ nhiệm dự án đã ứng dụng thành công kỹ thuật thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO trong điều trị sốc nặng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Các bác sỹ đã đặt thuận lợi và thành công thiết bị thăm dò PiCCO trên 30 bệnh nhân; tín hiệu trên monitoring ổn định trong suốt quá trình thăm dò huyết động bằng PiCCO; không bệnh nhân nào bị tuột catheter trong suốt quá trình thăm dò huyết động; không có bệnh nhân nào gặp biến chứng chảy máu, nhiễm trùng chân catheter.

Với những kết quả đạt được của dự án, kỹ thuật thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO có thể được áp dụng tại tất cả các khoa Hồi sức tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cũng như các bệnh viện tuyến 4 của thành phố.

Thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO trong điều trị bệnh nhân sốc nặng giúp theo dõi chính xác các thông số: CI, SVRI, EVLWI, GEDV, SVV… Từ đó quyết định lượng dịch bù, liều thuốc vận mạch, các phương thức thở máy, cai máy thở… giúp giảm thời gian nằm viện và chi phí điều trị. Với việc triển khai thành công dự án, bệnh nhân sốc nặng được hưởng kỹ thuật tiên tiến trong điều trị ngay tại Hải Phòng, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm chi phí điều trị, đi lại, góp phần nâng cao uy tín của ngành Hồi sức cấp cứu Hải Phòng. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ./.