Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 56947 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá bằng công nghệ “sông trong ao” tại Hải Phòng (21/08/2024)
Với mục tiêu xây dựng mô hình nuôi cá bằng công nghệ “sông trong ao” thâm canh nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã phê duyệt triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố "Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá bằng công nghệ "sông trong ao" tại Hải Phòng", đề tài do Trung tâm Giống và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao chủ trì, nghiệm thu năm 2021.
Theo kết quả nghiên cứu, hệ thống "sông trong ao" được triển khai xây dựng theo hồ sơ thiết kế, ao xây dựng có diện tích là 5.000 m2, độ sâu đảm bảo mực nước 2,0m, pH = 7-8,5. Trong ao được xây dựng 02 sông song song, chung tường ngăn giữa. Kích thước của sông là dài 25m x rộng 5m x sâu 2,3m (diện tích nuôi cá là: 20m x 5m x 2m = 200 m3). Hàm lượng ô-xy hòa tan luôn duy trì ở mức 4,5-6,5 mg/lít, lắp đặt 02 máy thổi khí có công suất 2,2 kW/máy và hệ thống phụ trợ tăng cường cung cấp ô-xy cho cá. Trong ao xây dựng 02 sông song song, chung tường ngăn giữa. Bên cạnh đó, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu vận hành hệ thống tạo dòng chảy lưu thông nước, hoạt động 24/24 giờ, đảm bảo tốc độ dòng chảy 0,2-0,4m/s; hệ thống tự động hóa các công đoạn cho ăn, cấp khí và xử lý sự cố; hệ thống thu gom, xử lý chất thải, phân cá; xử lý nước ao bên ngoài sông và thông số tương thích giữa các hệ thống cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cho cá sinh trưởng tốt.
Nghiên cứu quy trình nuôi cá bằng công nghệ "sông trong ao" được thực hiện gồm các bước: Nghiên cứu, lựa chọn chế độ cấp khí, tạo dòng theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cá; nghiên cứu chế độ cho ăn qua các giai đoạn (loại, lượng thức ăn; tần suất cho ăn); đánh giá tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống, hệ số chuyển hóa thức ăn của cá; đánh giá chất lượng môi trường nước toàn hệ thống trong và ngoài sông; đánh giá tình hình bệnh của cá trong hệ thống.
Các nghiên cứu trên là tiền đề để triển khai thực nghiệm mô hình nuôi cá trong 02 hệ thống: Hệ thống 1 - nuôi thương phẩm cá trắm cỏ, hệ thống 2 - nuôi thương phẩm cá chép. Sau 8,5 tháng nuôi, mô hình nuôi cá trắm cỏ đạt trọng lượng cá trung bình 3,945 kg/con, lợi nhuận 145,119 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận 24,1%. Mô hình nuôi cá chép cho trọng lượng cá trung bình đạt 1,955 kg/con, lợi nhuận 89,183 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận 14,8%. Trong suốt quá trình nuôi, nhóm nghiên cứu thực hiện quản lý tốt môi trường nuôi, phòng trừ dịch bệnh giúp đàn cá khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, màu sắc tươi sáng. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả, nuôi cá thương phẩm bằng công nghệ "sông trong ao" cho năng suất cao gấp 1,5-2 lần so với 01 ha ao nuôi theo phương pháp truyền thống và lợi nhuận mang lại cũng cao gấp 1,5-2 lần.
Từ kết quả triển khai thực nghiệm, nhóm nghiên cứu hoàn thiện được mô hình nuôi cá, đồng thời xây dựng được quy trình nuôi cá bằng công nghệ “sông trong ao”, này áp dụng cho các cơ sở nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn thành phố Hải Phòng, với diện tích ao nuôi tối thiểu phải đạt từ 4.500 - 5.000 m2, cụ thể như sau:
* Lựa chọn ao, xây dựng hệ thống “sông trong ao”:
- Điều kiện ao: Ao không bị cớm rợp, vét sạch bùn đáy, bờ ao chắc chắn cao hơn mức nước cao nhất 50 cm; Diện tích ao nuôi tối thiểu: 4.500 - 5.000 m2, thể tích nước đạt 10.000 m3; Độ sâu ao: 2,3 - 2,5 m; Đáy ao bằng phẳng, vét sạch bùn đáy, độ dày không quá 15 cm; Ao có hệ thống cống cấp và thoát nước hoàn chỉnh; Một số yếu tố môi trường thích hợp trong ao nuôi: Nhiệt độ nước khoảng 20 - 330C, pH từ 6,5 - 8,5, hàm lượng ôxy hòa tan 4,5 - 6,5 mg/lít, độ trong 25 - 35 cm.
- Điều kiện “sông trong ao”: Ao được xây dựng 02 hệ thống sông song song, chung tường ngăn giữa. Hệ thống “sông trong ao” có kích thước là dài 25m x rộng 5m x sâu 2,3m (Thể tích thực nuôi cá 20m x 5m x 2m = 200m3); Hệ thống “sông trong ao” được thiết kế, lắp đặt đầy đủ trang thiết bị như: Hệ thống cấp khí ôxy cho cá, hệ thống tạo dòng chảy lưu thông nước, hệ thống cho cá ăn tự động, hệ thống cảnh báo khi mất điện lưới, hệ thống hút chất thải và phân cá, đăng chắn cá.
- Chuẩn bị lấy nước vào ao: Sau khi xây dựng xong 02 hệ thống “sông trong ao” tiến hành lấy nước đủ mực nước vào ao, mực nước đạt tối thiểu 2m. Ngâm hệ thống “sông trong ao” trong thời gian khoảng 20 - 30 ngày. Sau đó bơm bỏ hết toàn bộ nước trong ao, tẩy trùng bằng vôi bột với liều lượng 7 - 10 kg/100 m2. Phơi ao từ 3 - 5 ngày, sau đó lấy đủ lượng nước vào ao, khi lấy nước dùng lưới lọc có độ dày 1mm để loại trừ cá tạp, địch hại vào ao.
* Thả giống:
- Nuôi thương phẩm cá trắm cỏ: Tiêu chuẩn cá giống: Cá giống khỏe mạnh, không bệnh tật, không dị hình, có màu sắc tươi sáng; Cỡ cá giống khi thả có trọng lượng từ 500 – 700 gam/con, chiều dài cá từ 27 – 35 cm/con; Mùa vụ thả giống: Thả nuôi từ tháng 2 – 3 hoặc tháng 8 – 11 hàng năm; Mật độ thả: Mật độ thả cá trắm cỏ là: 20 con/m3;
- Nuôi thương phẩm cá chép: Tiêu chuẩn cá giống: Cá giống khỏe mạnh, không bệnh tật, không dị hình, có màu sắc tươi sáng; Cỡ cá giống khi thả có trọng lượng từ 300 – 500 gam/con, chiều dài cá từ 20 – 28 cm/con; Mùa vụ thả: Thả nuôi từ tháng 2 – 3 hoặc tháng 8 - 11 hàng năm; Mật độ thả: Mật độ thả cá chép là: 40 con/m3.
Diện tích bên ngoài hệ thống “sông” thả ghép cá mè trắng, mè hoa. Đây là 2 loài cá ăn lọc sẽ giúp cải thiện chất lượng nước với mật độ thả 10 con/100 m2, trọng lượng khi thả 300 – 500 gam/con.
* Chăm sóc, quản lý:
- Chăm sóc cho cá trắm cỏ:
+ Loại thức ăn: Thức ăn sử dụng cho cá trắm cỏ là thức ăn tổng hợp dạng viên nổi có hàm lượng protein là 20%; Liều lượng cho ăn: Lượng thức ăn hàng ngày tính theo khối lượng cá dự kiến có trong “sông”, liều lượng cho ăn từ 5 – 2% trọng lượng cá/ngày.
+ Cách cho ăn: Cá được cho ăn bằng hệ thống máy cho cá ăn tự động, khi lượng thức ăn trong máy đã hết máy sẽ tự động tắt sau khoảng thời gian 30 giây hoặc cho ăn trực tiếp bằng cách té thức ăn cho cá ăn. Tổng lượng thức ăn hàng ngày được chia làm 3 phần, cho ăn vào lúc 8 giờ, 11 giờ và 16 giờ.
- Chăm sóc cho cá chép:
+ Loại thức ăn: Thức ăn sử dụng cho cá chép là thức ăn tổng hợp dạng viên nổi có hàm lượng protein là 25%; Liều lượng cho ăn: Lượng thức ăn hàng ngày tính theo khối lượng cá dự kiến có trong “sông”, liều lượng cho ăn từ 2 - 5% trọng lượng cá/ngày.
+ Cách cho ăn: Cá được cho ăn bằng hệ thống máy cho cá ăn tự động, khi lượng thức ăn trong máy đã hết máy sẽ tự động tắt sau khoảng thời gian 30 giây hoặc cho ăn trực tiếp bằng cách té thức ăn cho cá ăn. Lượng thức ăn hàng ngày được chia làm 3 phần, cho ăn vào lúc 8 giờ, 11 giờ và 16 giờ.
* Quản lý hệ thống “sông trong ao”, môi trường nước bên ngoài sông:
- Quản lý hệ thống “sông trong ao”:
+ Hệ thống máy thổi cấp khí, hệ thống tạo dòng chảy lưu thông nước cho cá được hoạt động 24/24 giờ luôn đảm bảo đủ lượng ô xy cung cấp cho cá, lượng ôxy đạt từ 4,5 – 6,5mg/lít, tốc độ dòng chảy đạt từ 0,2 – 0,4 m/s (điều chỉnh tùy theo giai đoạn phát triển của cá; giai đoạn đầu từ 1 – 3 tháng tốc độ dòng chảy đạt khoảng 0,2 – 0,3 m/s, giai đoạn từ 4 – 6 tháng nuôi tốc độ dòng chảy đạt khoảng 0,3 – 0,35 m/s, giai đoạn từ 7 - 9 tháng nuôi tốc độ dòng chảy đạt khoảng 0,4 m/s); Hệ thống cảnh báo điện khi mất điện lưới luôn trong trạng thái hoạt động tốt: Khi mất điện lưới sẽ có còi kêu báo mất điện, ở khoảng cách 200 – 300 m có thể nghe được tiếng còi báo động.
+ Hệ thống hút chất thải và phân cá: Phía cuối hệ thống sông có diện tích để chứa đựng chất thải và phân cá là ngang bể là 10 m, chiều dài dọc theo hệ thống sông là 3 m (tổng 30 m2). Chất thải và phân cá được dòng chảy đẩy về phía cuối của sông, từ đây hệ thống hút sẽ chuyển chất thải và phân cá ra bên ngoài. Tần suất hút chất thải và phân cá có thể từ 1 - 2 lần (tùy theo giai đoạn), hút vào buổi sáng khoảng 9 giờ, buổi chiều khoảng 3 giờ, mỗi lần từ 15 – 20 phút.
- Quản lý môi trường nước bên ngoài sông:
+ Quản lý tốt nguồn nước bên ngoài hệ thống “sông” hay còn gọi là vùng nước trắng. Đảm bảo nước luôn trong sạch, không bị ô nhiễm; Định kỳ 5 - 7 ngày/lần sử dụng men vi sinh làm sạch môi trường nước ao.
+ Bổ sung nước vào ao để luôn đạt mực nước yêu cầu là 2,0m.
+ Định kỳ 1 tháng/lần kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá để xác định lượng thức ăn cho phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường.
* Phòng và trị bệnh cho cá:
- Cho cá ăn đủ lượng, đúng thành phần dinh dưỡng, bổ sung thêm vitamin C để tăng sức đề kháng của cá, liều lượng 2 - 5 gam/kg thức ăn. Tần suất cho ăn 7 - 10 ngày/lần, mỗi lần cho ăn liên tục trong 3 ngày.
- Cho cá ăn tỏi xay nhuyển trộn với thức ăn tổng hợp rồi cho ăn. Liều lượng cho ăn 1 kg tỏi/tấn cá, tần suất cho ăn 30 ngày/lần, mỗi lần cho ăn liên tục trong 3 ngày hoặc sử dụng thuốc Thuốc tỏi Tiên Đắc phòng bệnh với liều lượng theo hướng dẫn cụ thể trên bao bì.
* Thu hoạch:
Sau thời gian nuôi 8 - 9 tháng, cá trắm cỏ đạt cỡ 3,0 – 4,0 kg/con, cá chép đạt 1,5 – 2,0 kg/con, tiến hành thu hoạch. Trước khi thu ngừng cho cá ăn 1 ngày để cá đói bụng, có độ dẻo; không bị bại, chết cá trong quá trình vận chuyển.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)