Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 29905
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học xã hội và Nhân văn

Phát hiện móng vuốt 3.300 năm của loài chim tiền sử không cánh (10/12/2021)

Kết quả phân tích cho thấy chiếc móng vuốt bí ẩn là phần cơ thể còn lưu lại từ xác khô có niên đại 3.300 năm của chim moa vùng cao, một loài chim tiền sử đã biến mất từ nhiều thế kỷ trước.

Chiếc móng vuốt của chim moa còn nguyên vẹn sau 3.300 năm. (Ảnh: Wikimedia Commons.)

Chim moa vùng cao (Megalapteryx didinus) là loài chim moa đặc thù của New Zealand. Phân tích DNA công bố trên trang Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ hôm 7/2/2014 chỉ ra chim moa xuất hiện lần đầu tiên cách đây 18,5 triệu năm và bao gồm ít nhất 10 loài.

Hình minh họa chim moa và dấu chân chim moa được bảo tồn. (Ảnh: Wikimedia Commons.)

Với chiều cao hơn ba mét, chim moa từng là loài chim lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, chim moa vùng cao lại là loài moa nhỏ nhất khi chỉ cao 1,3 m. Loài chim này có lông bao phủ toàn cơ thể, trừ mỏ và bàn chân. Chúng không có cánh hay đuôi. Đúng như tên gọi, chúng sống ở những vùng cao mát mẻ ở New Zealand.

Chim moa được phát hiện lần đầu vào năm 1839 bởi John W. Harris, một thương gia yêu thích lịch sử tự nhiên. Sau đấy, các nhà khoa học đã tìm thấy hàng nghìn mẫu vật thuộc về chim moa, trong đó có nhiều phần cơ thể còn nguyên mô mềm với cơ bắp, da và lông. Phần lớn hóa thạch nằm dưới những đụn cát, đầm lầy, hang động, nơi chim moa làm tổ hoặc tránh thời tiết xấu. Mẫu vật được bảo tồn nhờ quá trình làm khô khi chim moa chết ở một khu vực tự nhiên khô ráo.

Đại bàng Haast tấn công chim moa ở New Zealand. (Ảnh: Wikimedia Commons.)

Khi người Polynesia nhập cư vào New Zealand giữa thế kỷ 13, chim moa đang phát triển mạnh. Chúng là động vật ăn cỏ thống trị trong những cánh rừng, đồng cỏ và vùng phụ cận bên các dãy núi cao trong hàng nghìn năm và chỉ có một kẻ thù duy nhất là đại bàng Haast.

Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, Anh, do chim moa trưởng thành rất chậm, chúng không thể sinh sản đủ nhanh để duy trì nòi giống, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng cao hơn. Chim moa đã tuyệt chủng trước khi những người châu Âu đến New Zealand vào năm 1760.

Vì sao chim moa tuyệt chủng?

Tại sao quần thể chim moa xuống dốc như vậy trước khi có sự định cư của con người?

Ở đây, Neil Gemmell thuộc Đại học Canterbury của New Zealand đã đưa ra một cặp giả thuyết mới. Một trong số đó là sự phun trào núi lửa. Thảm họa tự nhiên này lặp lại và đã triệt hạ những con chim moa trong vùng, đặc biệt quanh hồ Taupo, trái tim của đảo Bắc New Zealand. Một giải thích khác thuyết phục hơn là số lượng chim moa sa sút nhanh chóng do những trận dịch bệnh, như cúm gia cầm, ỉa chảy hoặc bệnh lao phổi, do các loài chim di cư từ Australia và những nơi khác mang tới.

Cũng có khả năng các loài chim này sẽ phục hồi trở lại nếu như con người không can thiệp vào cuộc sống của chúng, phá huỷ lãnh thổ và suy giảm dân số của chúng bằng việc săn bắn. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, bằng chứng này cho thấy cái chết của chim moa là "phức tạp và bị che phủ theo thời gian", chứ không phải là kết cục một chiều, đơn giản.

"Nếu phỏng đoán mới của chúng tôi về số lượng chim moa là đúng, chúng ta cần phải xem xét lại những yếu tố có thể có ảnh hưởng đến những quần thể này trước khi con người xuất hiện, và có lẽ sẽ nhìn nhận được những vấn đề bảo tồn rõ ràng hơn từ các bài học trong quá khứ".

Nguồn: Vnexpress

Cập nhật: Cập nhật: 08/12/2021

https://vnexpress.net/mong-vuot-3-300-nam-cua-loai-chim-khong-canh-3271958.html