Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 4030
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể "Liên Khê" cho sản phẩm quả na (03/11/2023)

Năm 2019, sản phẩm na bở Liên Khê đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Liên Khê” cho chủ sở hữu nhãn hiệu là Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê (HTX Liên Khê). Sau hơn 3 năm quản lý và phát triển NHTT “Liên Khê” đã cho thấy một số tác động tích cực của nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm quả na bở của xã Liên Khê như giúp tăng diện tích sản xuất na bở, tăng giá trị sản phẩm từ 15-20%, nâng cao danh tiếng sản phẩm na bở Liên Khê trên thị trường, kênh tiêu thụ sản phẩm đã đa dạng và chuyên nghiệp hóa hơn, góp phần giúp sản phẩm na bở Liên Khê đạt OCOP 3 sao của thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, thực trạng quản lý, khai thác và phát triển NHTT “Liên Khê” cũng còn những hạn chế, bất cập cần giải quyết, khắc phục. Trước thực trạng đó, TS Phạm Công Nghiệp cùng các cộng sự Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp đã triển khai nhiệm vụ Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Liên Khê” cho sản phẩm quả na, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, được Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện vào tháng 6/2023.

Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS Đan Đức Hiệp trao đổi về bao bì sản phẩm na Liên Khê.

Triển khai nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và quản lý, sử dụng NHTT “Liên Khê”. Theo đó, năm 2021, diện tích na của toàn xã là 100ha (100% na bở) với 500 hộ trồng, trong đó có 30ha sản xuất theo quy trình VietGAP và 70ha vẫn đang sản xuất theo quy trình truyền thống. Sản lượng na đạt khoảng 900 tấn/ năm, trong đó sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn VietGAP là 270 tấn. Có khoảng 500 hộ trồng na bở trên toàn xã, trong đó trung bình mỗi hộ có 5,5 sào trồng na, năng suất đạt 88 tạ/ha và sản lượng trung bình na bở của mỗi hộ trong 01 năm là 1.747 kg na.

Quá trình thu hoạch, chỉ có khoảng 5% sản lượng na của xã tiêu thụ qua Hợp tác xã Liên Khê và được đóng bao bì, nhãn mác rõ ràng. Ban chủ nhiệm nhiệm vụ đề xuất mô hình quản lý, khai thác và phát triển NHTT “Liên Khê” gồm 03 cấp quản lý: Hộ trồng na tham gia với vai trò tự quản lý, giám sát kỹ thuật sản xuất, chất lượng sản phẩm, sử dụng bao bì, nhãn mác ở cấp hộ; Hợp tác xã Liên Khê có vai trò tổ chức thực hiện hoạt động giám sát nội bộ; Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát bên ngoài việc khai thác và phát triển NHTT. Vận hành mô hình quản lý, khai thác và phát triển NHTT "Liên Khê" với việc: cấp quyền sử dụng NHTT “Liên Khê” cho hộ trồng na bở Liên Khê; tự kiểm soát quy trình kỹ thuật và chất lượng sản phẩm; kiểm soát nội bộ; kiểm soát bên ngoài.

Đối với hoạt động phát triển thị trường cho sản phẩm na, nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng công nghệ bảo quản lạnh bằng kho lạnh 10m3. Qua nghiên cứu và đánh giá thị trường, nhóm nghiên cứu thử nghiệm kênh phân phối tại Hà Nội và Hải Phòng, cho thấy, 82% người dùng mua và sử dụng na loại 1, 18% tiêu dùng na loại 2. Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá, nhận diện sản phẩm, tăng cường năng lực cho các tác nhân tham gia mô hình... cũng được đề cập cụ thể và rõ ràng trong báo cáo.

Kết quả chất lượng sản phẩm na bở Liên Khê mang NHTT đảm bảo an toàn thực phẩm, quả to, thơm ngon, có vị ngọt thanh và được người tiêu dùng ưa chuộng. Quả na bở Liên Khê mang NHTT đã được thử nghiệm tiêu thụ 2 kênh chính là kênh hàng qua siêu thị, kênh cửa hàng thực phẩm sạch; trong đó khối lượng na bở Liên Khê tiêu thụ qua kênh hàng cửa hàng thực phẩm sạch là lớn nhất, 2.500 kg na, chiếm 83% lượng na bở thử nghiệm, kênh qua siêu thị tiêu thụ được 500 kg, chiếm 17%. Ban chủ nhiệm nhiệm vụ cũng xây dựng chiến lược phát triển thị trường na bở Liên Khê mang NHTT gồm: duy trì và phát triển vùng sản xuất na bở Liên Khê; xây dựng và hoàn thiện mô hình quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Liên Khê”; hỗ trợ phát triển kênh phân phối và công tác xúc tiến thương mại và công tác thị trường.

Nhiệm vụ đã xây dựng và vận hành thành công mô hình sản xuất, quản lý, khai thác và phát triển NHTT “Liên Khê” cho sản phẩm quả na với sự tham gia của HTX Liên Khê, hộ trồng na bở Liên Khê, Ủy ban nhân dân xã Liên Khê, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, tác nhân thương mại và người tiêu dùng nhằm kiểm soát, duy trì chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu và quyền sử dụng NHTT “Liên Khê” và khai thác, phát triển giá trị nhãn hiệu sau khi bảo hộ. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.