Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5596
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN

Sản xuất rau cải bắp an toàn theo hướng VietGAP tại xã An Hòa, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng (22/07/2024)

Xã An Hòa nằm ở phía Tây huyện An Dương có tổng diện tích đất tự nhiên là 941ha. Sản xuất nông nghiệp ở xã An Hòa hiện nay là ngành có giá trị sản xuất lớn nhất của xã và là ngành sử dụng nhiều đất đai và lao động nhất. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 630 ha; đất sản xuất trồng rau chuyên canh 110 ha; đất trồng lúa là 317 ha; đất quy hoạch vùng sản xuất tập trung 4 vùng là 100 ha. Mục tiêu xây dựng được vùng sản xuất tập trung rau màu, an toàn chất lượng cao tại xã An Hòa phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển những sản phẩm chủ lực có lợi thế canh tranh cao và phát triển bền vững. Đây là vùng có nhiều điều kiện để sản xuất rau màu nói chung và rau cải bắp hàng hóa tập trung, nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và địa phương.

Trước thực trạng quy trình kỹ thuật sản xuất rau cải bắp an toàn tại địa phương được người dân áp dụng theo kinh nghiệm, tự phát, không thể đem áp dụng để sản xuất rau cải bắp an toàn theo hướng VietGAP, Hợp tác xã Nông nghiệp và Xây dựng An Hòa, huyện An Dương đã tổ chức triển khai mô hình “Xây dựng mô hình sản xuất rau cải bắp an toàn theo hướng VietGAP tại xã An Hòa, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.Dự án đã tiếp nhận 02 quy trình kỹ thuật được chuyển giao từ Viện Sinh - Nông (Trường Đại học Hải Phòng) gồm: Trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại và thu hoạch rau cải bắp an toàn  theo hướng VietGAP vụ thu đông 2018 và vụ đông xuân 2018 - 2019 tại xã An Hòa, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

Kiểm tra thực địa việc triển khai mô hình.

Trong quá triển khai, dự án đào tạo, tập huấn được 05 cán bộ kỹ thuật cơ sở và tập huấn cho 100 lượt người dân huyện An Dương nắm được các quy trình kỹ thuật, đồng thời thực hiện và hoàn thành tốt việc xây dựng 02 mô hình sản xuất tại địa phương.

Theo đó, với mô hình trồng cải bắp an toàn theo hướng VietGAP vụ thu đông tại xã An Hòa, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng với quy mô 7.500 cây giống cải bắp KKCross, diện tích 1800 m2  tại 02 hộ nông dân, xét về thời gian của các giai đoạn sinh trưởng phát triển cải bắp, từ thời gian trồng đến thời kỳ trải bàng lá dao động trong khoảng 30 ngày, từ trồng đến thời kỳ cuốn bắp dao động trong khoảng 44 - 45 ngày và đến khi thu hoạch trong khoảng 72 ngày. Số lá trong thay đổi từ 43,2 - 43,0 lá; số lá ngoài từ 26,3 - 26,5 cm, đường kính tán 62,2 - 62,5 cm và đường kính bắp từ 24,2 - 24,6 cm. Về năng suất cải bắp, số cây cải bắp thực thu trung bình của 2 hộ đạt 8.430 cây/ha, so sánh với số cây trồng theo lý thuyết đạt được khoảng 92%; khối lượng bắp trung bình giữa các hộ dân trồng trong khoảng 1,5 - 1,55 kg/bắp. Năng suất thực thu của các hộ dân tham gia mô hình thay đổi từ 59,24 đến 57,96 tấn/ha, đạt trung bình 58,6 tấn/ha tương đương 10,55 tấn/0,18 ha. Năng suất này cao hơn so với thuyết minh, hợp đồng được phê duyệt là 4,55 tấn tương đương 73,7% và cao hơn so với năng suất thực thu của hộ nông dân không tham gia mô hình tại vùng sản xuất khoảng 32,5%. Như vậy, bằng việc sử dụng giống, quy trình canh tác hợp lý, kết hợp với sử dụng phân bón sinh học, sản xuất theo hướng VietGAP và có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp sẽ cho năng suất cải bắp giống KKCross đạt cao.

Mô hình trồng cải bắp an toàn theo hướng VietGAP vụ đông xuân tại xã An Hòa, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng với quy mô 7.500 cây giống, diện tích 1.800 m2 tại 03 hộ nông dân cho thấy, về thời gian của các giai đoạn sinh trưởng phát triển, từ thời gian trồng đến thời kỳ trải bàng lá dao động trong khoảng 31,7 ngày; từ trồng đến thời kỳ cuốn bắp dao động trong khoảng 47,3 ngày và đến khi thu hoạch trong khoảng 78,3 ngày. Số lá trong thay đổi từ 40,0 - 40,5 lá; số lá ngoài từ 24,3 - 24,5 cm, đường kính tán: 56,0 - 56,5 cm và đường kính bắp từ 22,0 - 22,5 cm. Về năng suất, số cây cải bắp thực thu của trung bình của 3 hộ đạt 35.275 cây/ha, so sánh với số cây trồng theo lý thuyết đạt được khoảng 85%. Khối lượng bắp trung bình giữa các hộ dân trồng trong khoảng 1,2 - 1,25 kg/bắp, đạt trung bình là 1,22 kg/bắp khối lượng bắp ở mức nhỏ. Năng suất thực thu của các hộ dân tham gia mô hình thay đổi từ 42,18 đến 44,09 tấn/ha, đạt trung bình 43,03 tấn/ha tương đương 7,75 tấn/0,18 ha. Năng suất này cao hơn so với thuyết minh, hợp đồng được phê duyệt là 1,75 tấn tương đương 29,1% và cao hơn so với năng suất thực thu của hộ nông dân không tham gia mô hình tại vùng sản xuất khoảng 45,5%. Như vậy, bằng việc sử dụng giống, quy trình canh tác hợp lý, kết hợp với sử dụng phân bón sinh học, sản xuất theo hướng VietGAP và có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp sẽ cho năng suất cải bắp giống PAKSE 287 đạt cao. Lãi thuần mô hình đạt 49.840,1 nghìn đồng/0,36 ha tương đương 5 triệu đồng/sào Bắc bộ. Đây là mức lãi thuần khá cao so với sản xuất nông nghiệp tại thời điểm triển khai dự án, gấp 10 lần so với trồng lúa, hiệu quả đầu tư đạt 1,95 lần với thời gian ngắn khoảng 70 - 75 ngày.

Trong khuôn khổ triển khai dự án, Ban chủ nhiệm cũng đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy trình và mô hình trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại và thu hoạch rau cải bắp an toàn theo hướng VietGAP 02 vụ thu đông và đông xuân phù hợp với điều kiện địa phương với các công đoạn: chọn giống; xác định thời vụ trồng; làm đất, bón phân lót; trồng; chăm sóc (tưới nước, bón thúc, vun xới, trồng dặm và tỉa bỏ lá vàng); phòng trừ sâu bệnh; thu hoạch và quản lý quá trình sản xuất theo hướng VietGAP (chọn đất trồng, nguồn nước tưới, giống, phân bón, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng một số biện pháp khác, thu hoạch, sơ chế và kiểm tra, vận chuyển, bảo quản và sử dụng, ghi chép sổ sách và biểu mẫu).
Dự án cũng đã đề xuất và hoàn thiện được các giải pháp quản lý, vận hành và nhân rộng mô hình sản xuất rau cải bắp an toàn theo hướng VietGAP phù hợp với điều kiện địa phương gồm: quy hoạch các hộ trồng rau cải bắp; tuyên truyền, quảng bá; hỗ trợ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và liên kết sản xuất.

Sự thành công của dự án tạo mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp, giúp người sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện và các địa phương khác tham quan, học tập và nhân rộng. Các mô hình được xây dựng phù hợp với điều kiện địa phương, có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị sinh thái. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả thực hiện dự án tại Trung tâm Thông tin, Thống kê Khoa học và Công nghệ./.