Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 4110
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Sản xuất viên nén rơm rạ thân thiện với môi trường (25/10/2024)

Công ty Cổ phần khoa học công nghệ Phú Lâm vừa hoàn thành đề tài "Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất viên nén rơm rạ thân thiện với môi trường", được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu trong tháng 5/2023 tại Sở Khoa học và Công nghệ. Đề tài do TS Đỗ Xuân Trường làm chủ nhiệm. Đề tài nhằm giải quyết thực trạng lượng rơm rạ tươi trên địa bàn thành phố hàng năm không được tái chế sử dụng mà đốt trực tiếp ngoài đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường.

Mẫu viên rơm ép bằng máy ép con lăn, đường kính lỗ 8mm.

Điểm mới của đề tài là lần đầu tiên tại Việt Nam, viên nén rơm rạ trộn phụ gia được sản xuất thử nghiệm thành công với năng suất 500 kg/ngày; viên nén thân thiện với môi trường, có độ bền cao, hình thức đẹp, độ ẩm thấp và nhiệt trị cao; đã làm chủ được công nghệ sản xuất viên nén rơm rạ trộn phụ gia bao gồm công thức trộn như tỷ lệ phụ gia, độ ẩm, kích thước nguyên liệu cùng bản vẽ thiết kế chế tạo các máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất viên nén (máy băm rơm, máy nghiền rơm, máy ép viên nén rơm và máy làm nguội sản phẩm). Việc nghiên cứu tìm ra loại phụ gia thích hợp để sản xuất viên nén rơm rạ, tăng cường hiệu quả sử dụng nhiên liệu và giảm phát thải khí SOx và bụi mịn từ việc đốt rơm rạ truyền thống gây ra, đồng thời có ý nghĩa trong việc thương mại hóa sản phẩm và công nghệ sản xuất nhiên liệu đốt thân thiện với môi trường. 

Bên cạnh những nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn trong nước và nước ngoài có liên quan, báo cáo khoa học thể hiện các nội dung chính: Dự thảo quy trình công nghệ sản xuất viên nén rơm rạ thân thiện với môi trường; Nghiên cứu các thành phần nguyên liệu, phụ gia và hệ thống thiết bị sản xuất viên nén rơm rạ (máy cắt; máy nghiền; hệ thống tải cấp liệu; máy ép nén, thiết kế; máy sấy nhiệt) và tiến hành sản xuất thử nghiệm. Trong đó, Ban chủ nhiệm đề tài tập trung vào nghiên cứu nguyên liệu sản xuất, lựa chọn phụ gia sản xuất, thiết kế hệ thống thiết bị và thử nghiệm chế tạo hệ thống thiết bị sản xuất viên nén rơm rạ năng suất 500 kg/ngày. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện được máy cắt rơm rạ có công suất 7,5 kW với năng suất 300 kg/ngày; hoàn thiện được máy nghiền rơm rạ có công suất 7,5 kW với năng suất 500kg/ngày; chế tạo và lắp ráp hoàn chỉnh hệ thống băng tải cấp liệu công suất 1,5 kW, năng suất 0 - 1.000 kg/ngày; chế tạo và lắp ráp hoàn chỉnh máy sấy nhiệt công suất 0,75 - 2,2 kW, năng suất 250 - 350 kg/ngày. Nghiên cứu cũng tiến hành thử nghiệm hệ thống thiết bị sản xuất viên nén rơm rạ từ vận hành hệ thống không tải và hiệu chỉnh đến thử nghiệm sản xuất viên nén rơm rạ trên các dây chuyền sản xuất 100 kg/ngày, 300 kg/ngày và 500 kg/ngày, đánh giá và hoàn thiện quy trình.

 

Dây chuyền sản xuất viên nén rơm rạ 500 kg/ngày.

Trong quá trình nghiên cứu thực nghiệm, Ban chủ nhiệm nhận thấy, độ ẩm nguyên liệu sau khi được xử lý chiếm 13-14% khối lượng, kích thước nguyên liệu sau nghiền 3-5mm, lượng phụ gia dịch đen chiếm 4% khối lượng, tỷ lệ rơm rạ và mùn cưa là 7:3 cho viên nén có chất lượng tốt, độ bền cao. Hiệu quả kinh tế của nhà máy sản xuất viên nén 3 tấn/giờ cho lợi nhuận hàng tháng gần 1,5 triệu đồng.

Kết quả của đề tài có thể được dùng để chuyển quy mô sản xuất lên sản xuất công nghiệp, ứng dụng trực tiếp cho các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất lúa gạo và các cơ sở thu gom rơm rạ. Viên nén rơm rạ trộn phụ gia có thể được dùng để đốt trong lò hơi công nghiệp, đốt kèm than trong các nhà máy nhiệt điện, hay đốt lấy nhiệt để đun nấu.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.