Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1014
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học xã hội và Nhân văn

Selfie trên đá: chân dung bị dấu kín trong nhà thờ Tây Ban Nha 900 năm tuổi (19/11/2020)

Một nghiên cứu đầy cẩn trọng của nhà lịch sử nghệ thuật Anh về nhà thờ Santiago de Compostela đã khám phá ra một trò nghịch ngợm thời Trung Cổ.

Nhà thờ thế kỷ 12 Santiago de Compostela ở Galicia thu hút hàng trăm người hành hương mỗi năm.

Nhà thờ thế kỷ 12 Santiago de Compostela ở Galicia thu hút hàng trăm người hành hương mỗi năm.

Đó là một hình khắc chân dung một người đàn ông vào thời điểm đầu thế kỷ 12 ở một trong những nhà thờ tôn nghiêm nhất thế giới nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có ai biết đến sự tồn tại của nó. Nhiều thế kỷ qua, hàng triệu người sùng đạo đã đổ về Santiago de Compostela ở Galicia, Tây bắc Tây Ban Nha hành hương nhưng không ai quan sát được hình ảnh đó. Nhân vật này nhìn xuống họ từ đỉnh một trong những cột đá lớn của nhà thờ. Mỗi cột được trang trí bằng hoa lá khắc vào cột, giữa tán hoa lá đó là khuôn mặt nhân vật bí ẩn này.

Hiện tại thì một học giả nghệ thuật Anh đã phát hiện ra anh ta. Bà tin là anh ta trên thực tế là một nhân vật vô danh, chưa từng được thấy bởi vì “anh ta” chính là bức điêu khắc tự họa của một người thợ đá từng làm việc trong nhà thờ vào thế kỷ 12.

"Chân dung được tìm thấy trong một công trình kiến trúc thời Trung cổ”, tiến sĩ Jennifer Alexander nói với Observer. “Những người thợ thường đứng trong bóng tối, nơi không ai có thể thấy họ. Việc trang trí này là một phần của việc xây dựng, do đó anh phải là một trong số những người thợ mới có thể quan sát được các hình vẽ. Nó nằm gọn trong một tập hợp toàn bộ các đầu cột.

Thực sự đây là một kết nối thú vị giữa chúng ta và người đã tạo ra nó. Có lẽ anh ta không biết rằng mình phải đợi quá lâu mới được người đời sau phát hiện”.

Dù nhiều thợ thủ công có tài nghệ khác thường nhưng họ lại hoàn toàn vô danh, tên của họ đã bị lịch sử lãng quên. Do đó, bức chân dung này là “chứng tích” mà người thợ đã dùng để ghi lại trong công trình của chính mình.

Alexander là một chuyên gia về lịch sử nghệ thuật tại trường đại học Warwick, đặc biệt là lịch sử kiến trúc của các nhà thờ và thánh đường cổ thời kỳ Trung cổ. Bà đã khám phá ra nhân vật này trong khi triển khai một cuộc nghiên cứu đầy phức tạp về Santiago de Compostela, một di sản văn hóa Unesco.

Điều làm nên sự quan trọng của Santiago de Compostela là nó liên quan đến Camino, con đường hành hương băng qua hàng trăm dặm đế đến mộ của thánh James, một trong số12 tông đồ của Chúa Giêsu, vốn được đặt trong khuôn viên thánh đường. Sức hút của nó không giảm theo thời gian. Chỉ tính riêng năm 2019, con số chính thức của những người hành hương đến với thành phố này đã là 350.000 người.

Hình khắc chân dung người đàn ông tại nhà thờ Santiago de Compostela ở Galicia, Tây Ba Nha.

Hình khắc chân dung người đàn ông tại nhà thờ Santiago de Compostela ở Galicia, Tây Ba Nha.

Thánh đường này bắt đầu được xây dựng vào cuối thế kỷ 11 và trở thành một trong số những kiệt tác của kiến trúc La mã. Alexander đã thực hiện một phân tích về đá để hiểu về chuỗi cấu trúc của nó trong một dự án do chính quyền vùng Galician tài trợ. Khi nghiên cứu các đầu cột, nơi cách mặt sàn 13 mét, thì “thấy khuôn mặt này hiện ra”, bà kể lại.

“Một hình ảnh đáng yêu của một thằng cha treo ở giữa đầu cột như thể cuộc đời anh ta gắn liền với nó. Đây là một dạng đầu cột được đặt hàng sẵn theo kiểu ‘chúng tôi cần 15 cột được thiết kế’, và đột nhiên có một cột lại hoàn toàn khác biệt. Vì vậy tôi nghĩ, người thợ đã tự khắc hình ảnh chính mình.

Anh ta xuất hiện trên đầu cột và ‘đu bám’ trên đó. Hầu như đầu cột đã nuốt chửng anh ta”.

Hình điêu khắc đá này cao 30cm, miêu tả anh ta từ đầu đến thắt lưng. Alexander nói: “Anh ta có một nụ cười mỉm dễ thương. Anh ta hài lòng với chính mình. Anh ta đã điêu khắc một cách tuyệt vời một gương mặt hết sức biểu cảm.”

Tiến sĩ Jennifer Alexander thực hiện phân tích đá trong thánh đường Santiago de Compostela.

Tiến sĩ Jennifer Alexander thực hiện phân tích đá trong thánh đường Santiago de Compostela.

Những người thợ đá thời kỳ Trung cổ có được tay nghề này thông qua thời gian học nghề, quãng thời gian họ rèn luyện gian khổ việc cắt đá hoặc sử dụng các khuôn để tạo ra những đường gờ phức tạp xung quanh ô cửa và những khung cửa khác. Những người thợ đá tài năng nhất đều đã học hình học để có thể thiết kế và quản lý các công trình kiến trúc. Alexander cho biết: “Những bậc thầy này phải có nhiều kỹ năng để họ có thể đảm trách phần kỹ thuật, cung cấp vật liệu, thuê nhân công và thỏa thuận với các nhà bảo trợ, những người có thể là một thành viên quan trọng của tăng đoàn hoặc giới quý tộc.”

Bà cho biết thêm là nhiều thợ thủ công vẫn còn vô danh trong hàng thế kỷ, ngay cả thời điểm gần đây “Khi xây dựng tòa thánh đường ở Liverpool vào thế kỷ 20, danh sách những người thợ làm việc đã được công khai nhưng những người thợ đá thì chưa bao giờ được đề cập đến. Vì vậy họ vẫn là ‘những kẻ vĩ đại vô danh’”.

Nguồn: Tô Vân/tiasang.com.vn

Ngày cập nhật: 14/11/2020

https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Selfie-tren-da-chan-dung-bi-dau-kin-trong-nha-tho-Tay-Ban-Nha-900-nam-tuoi-26631