Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 18268 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá vược xã Lập Lễ huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng (21/02/2024)
Xã Lập Lễ huyện Thủy Nguyên là một địa phương nổi bật của cả nước về phát triển kinh tế thủy sản, vùng nuôi thủy sản rất phù hợp với cá vược. Cá vược nuôi tại xã Lập Lễ sử dụng thức ăn là cá tươi từ biển, không dùng cám công nghiệp, sử dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nên ít bệnh, cho chất lượng thịt thơm ngon. Khu vực nuôi cá vược của hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Mắt Rồng có nguồn nước sạch quanh năm được cung cấp bởi 3 con sông (Ruột Lợn, Bạch Đằng, sông Cấm) và chịu ảnh hưởng tích cực bởi thủy triều vùng cửa sông nên chất lượng nước phù hợp cho cá vược sinh trưởng và phát triển. Hầu hết các hộ xã viên áp dụng quy trình nuôi VietGAP. Nguồn thức ăn nuôi cá, nguồn nước thường xuyên được Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng kiểm tra, lấy mẫu thường xuyên và có hướng dẫn xử lý kịp thời để bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các cơ sở nuôi thủy sản nói chung, các cơ sở nuôi cá vược nói riêng đang xảy ra tình trạng giá thị trường tăng nhưng giá cá vược mua tại ao không tăng, gây thiệt thòi và ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất. Nguyên nhân là do các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá vược có nhiều tác nhân trung gian, liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi còn lỏng lẻo. Do các chuỗi liên kết thiếu chặt chẽ nên khi một mắt xích vận hành không trơn tru hoặc đứt đoạn thì khiến cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bị đình trệ và phần thiệt hại thuộc về người sản xuất. Để chuỗi liên kết phát triển cần có sự hỗ trợ cũng như hợp tác của các tác nhân trong chuỗi từ người sản xuất đến người tiêu dùng, đảm bảo liên kết giữa các khâu, phân phối lợi ích hợp lý giữa các tác nhân đem lại sự phát triển bền vững của ngành hàng cá vược. Xuất phát từ thực trạng trên, Viện Quy hoạch và thiết kế Nông nghiệp đã triển khai đề tài cấp thành phố: Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá vược xã Lập Lễ huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng, do ThS Trần Thị Loan làm chủ nhiệm. Đề tài được Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố ngày 13/8/2020 tại Sở Khoa học và Công nghệ.
Thành phố Hải Phòng có tổng sản lượng thủy sản đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, sản lượng nuôi trồng, xuất khẩu thuỷ sản của Hải Phòng thuộc vào tốp đầu các tỉnh phía Bắc, trong đó xã Lập Lễ là nơi có diện tích và sản lượng nuôi cá vược lớn nhất thành phố Hải Phòng. Toàn bộ sản lượng cá vược nuôi tại xã Lập Lễ chưa có chế biến, có 02 kênh tiêu thụ chính đó là bán cho các thương lái thu gom và chợ bán lẻ, ngoài ra còn cung cấp cho một số nhà hàng lớn khu vực thành phố Hải Phòng, chưa có hợp đồng liên kết.
Đối với cá vược tại Lập Lễ hiện nay có 2 hình thức liên kết: Đối với liên kết ngang trong nuôi và tiêu thụ cá vược đã thực hiện chủ yếu trong công đoạn sản xuất (liên kết giữa các hộ nuôi với nhau trong việc mua con giống, thức ăn, thuốc thú y…) việc liên kết này đã đem lại hiệu quả tương đối rõ rệt cho các hộ nuôi như giảm chi phí đầu vào, tiêu thụ ổn định hơn, còn các công đoạn khác như thu gom, tiêu thụ mối liên kết ngang gần như chưa thực hiện. Đối với liên kết dọc, chưa có liên kết chặt chẽ với chế biến và tiêu thụ.
Đề tài đã đề xuất và hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá vược: nhóm nghiên cứu chọn mô hình liên kết tại Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng Thủy sản Mắt Rồng địa chỉ tại Thôn Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. HTX được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10/2015, vốn điều lệ 1 tỷ đồng với 65 hộ thành viên, tổng diện tích nuôi cá vược 150ha, diện tích ao nuôi bình quân mỗihộ 2,3ha nuôi cá vược và cá trắm đen, bình quân mỗi năm, HTX có khả năng cung ứng ra thị trường trên 3.000 - 3.500 tấn cá vược.
HTX đang nuôi cá vược theo quy trình VietGAP, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng chứng nhận, về hoạt động liên kết trong sản xuất kinh doanh của HTX: hiện tại HTX đang thực hiện liên kết ngang giữa các hộ nuôi với nhau về mua con giống, thức ăn và thuốc thú y, sản phẩm cá vược của HTX hiện nay chưa có liên kết với tổ chức thu gom và tổ chức tiêu thụ nào. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi mặc dù đã thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả, sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến và tiêu thụ, vì vậy mỗi khi giá thị trường thấp thì giá bán sản phẩm của HTX cũng bị ảnh hưởng. Công tác xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, sản phẩm sản xuất ra chưa có thương hiệu mạnh, chưa được quảng bá rộng rãi nên sản lượng tiêu thụ chưa ổn định, đầu ra còn nhiều khó khăn.
Đề tài đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủy Nguyên, phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Lập Lễ lựa chọn trực tiếp các hộ, cơ sở nuôi cá vược, sơ chế, bán lẻ và triển khai mô hình trên địa bàn xã. Địa điểm xây dựng mô hình phù hợp, thuận lợi để nhân rộng, dễ dàng cho việc tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn tại mô hình, đồng thời có thể thu hút nhiều người đến tham quan, học tập.
Đề tài đã đánh giá được thực trạng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá vược hiện nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên, xác định được các yếu tố tác động trực tiếp và gián tiếp đến chuỗi liên kết. Đề tài đã kết hợp các phương pháp định tính và định lượng nghiên cứu đầy đủ các khâu và các công đoạn của chuỗi liên kết để tìm ra các nguyên nhân liên kết lỏng lẻo giữa các tác nhân tham gia chuỗi. Trên cơ sở đó đề tài đã đưa ra định hướng để phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá vược bền vững, toàn diện (theo cả liên kết ngang và liên kết dọc), bên cạnh đó bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế và liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân tham gia chuỗi liên kết nhằm nâng cao thu nhập cho người sản xuất và cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao.
Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá vược để thực hiện mô hình là: Nuôi – thu gom - tiêu thụ tại các chợ lớn và siêu thị. Thực hiện mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt so với đối chứng: Lợi nhuận trung bình của 1ha ao nuôi cá vược đối với hộ nuôi tham gia mô hình liên kết cao hơn hộ nuôi mô hình đối chứng là 201,64 triệu đồng; lợi nhuận trung bình của 1ha ao nuôi cá vược đối với hộ thu gom tham gia mô hình liên kết cao hơn hộ nuôi mô hình đối chứng là 235,08 triệu đồng; lợi nhuận trung bình của 1ha ao nuôi cá vược đối với hộ kinh doanh tham gia mô hình liên kết cao hơn hộ nuôi mô hình đối chứng là 323,94 triệu đồng.
Nâng cao hiệu quả nuôi, năng suất tăng gấp 2 lần, hàng năm cung ứng ra thị trường 3.000 - 3.500 tấn cá thương phẩm chất lượng cao. Ngoài ra còn đem lại hiệu quả về xã hội và môi trường. Đồng thời, Đề tài đề xuất thêm chuỗi liên kết cá vược là: Nuôi và sơ chế tại HTX - bán lẻ - tiêu thụ tại các chợ lớn và siêu thị.
Từ kết quả điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng chuỗi liên kết cá vược và xây dựng mô hình, đề xuất một số giải pháp chủ yếu phát triển bền vững chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá vược đề tài đưa ra những nhóm giải pháp như sau:
Một là, Nhóm giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách vận hành mô hình: Chính sách phát triển nuôi cá vược, Chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đề xuất hỗ trợ HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng.
Hai là, Nhóm giải pháp liên quan đến các tổ chức, cá nhân tham gia vận hành mô hình: Kết nối và phát triển mối liên kết ngang và liên kết dọc (sản xuất, tiêu thụ cá vược), nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia chuỗi liên kết.
Ba là, Nhóm giải pháp liên quan đến phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm: Xây dựng nhãn hiệu và xúc tiến thương mại.
Bốn là, Giải pháp về công tác quản lý an toàn trong chuỗi liên kết cá vược. Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo mối liên kết bền vững với các đơn vị tiêu thụ.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)