Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 18920
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Xây dựng mô hình kinh tế xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ theo định hướng phát triển của thành phố Hải Phòng (09/11/2023)

Mô hình kinh tế xanh được xem là một mô hình phát triển bền vững, giúp tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng đời sống người dân, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Hiệu quả của mô hình kinh tế xanh được đánh giá thông qua hiệu quả kinh tế (đối với chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng người dân tham gia mô hình), khả năng tạo ra việc làm và nâng cao đời sống của người dân địa phương, mức độ sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, mức độ bảo tồn sinh thái và bảo vệ môi trường địa phương…

Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ theo định hướng phát triển của thành phố Hải Phòng đã được nhóm nghiên cứu thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển chủ trì thực hiện TS Lê Xuân Sinh là Chủ nhiệm đề tài, được Hội đồng tư vấn, đánh giá kết quả thực hiện sáng cuối tháng 6/2023 tại Sở Khoa học và Công nghệ.

 

Đại diện Ban chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện trước Hội đồng.

Bên cạnh nghiên cứu những vấn đề lý luận và kinh nghiệm có liên quan, Ban chủ nhiệm đề tài phân tích các yếu tố đầu vào của mô hình kinh tế xanh (vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; hệ thống chính sách định hướng phát triển mô hình kinh tế xanh; hệ thống cơ sở hạ tầng và nguồn năng lượng, tính liên kết đảo - đất liền; hiện trạng xã hội; vốn tự nhiên; hiện trạng môi trường và hiện trạng mô hình kinh tế), từ đó đề xuất mô hình kinh tế xanh tại huyên đảo Bạch Long Vĩ với việc tập trung phát triển 03 hoạt động kinh tế (dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch trải nghiệm và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao) nhằm đưa Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và phát triển du lịch trải nghiệm. 03 hoạt động kinh tế trên đều được nghiên cứu theo 04 nội dung: định hướng hoạt động dựa trên các yếu tố đầu vào và định hướng kinh tế xanh, phân vùng không gian phát triển, đề xuất quy mô và loại hình phát triển và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá gồm 10 tiêu chí nằm trong 03 nhóm tiêu chí (kinh tế, xã hội và môi trường) ứng với từng loại hình. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trong mô hình kinh tế xanh của nghiên cứu này, nguồn năng lượng để vận hành mô hình hướng đến các nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch. Mô hình kinh tế xanh hướng đến mục tiêu tạo ra các sinh kế bền vững, giúp sử dụng vốn tự nhiên hợp lý bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn các mô hình kinh tế truyền thống (kinh tế nâu) để giảm nghèo, tạo việc làm và cải thiện công bằng xã hội, tăng gắn kết của cộng đồng dân cư địa phương với huyện đảo, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những suy giảm sinh thái của địa phương.

 

Hệ thống năng lượng tái tạo tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Cán bộ đề tài trao đổi với cán bộ địa phương về công nghệ nuôi trồng thủy sản trên huyện đảo.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các nhóm giải pháp xây dựng mô hình kinh tế xanh, bao gồm: nhóm giải pháp chung và nhóm giải pháp đặc thù gắn với 03 hoạt động kinh tế cùng lộ trình thực hiện đến năm 2050. Đây là những giải pháp cơ bản và sáng tạo của nhóm nghiên cứu để giải quyết những bài toán đang đặt ra tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, hỗ trợ tăng cường phát triển kinh tế của địa phương theo hướng xanh và bền vững. Trong đó, nhóm giải pháp chung gồm: các đề xuất cơ chế chính sách (cơ chế chính sách phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh; cơ chế chính sách phát triển dịch vụ viễn thông, ngân hàng và y tế; cơ chế đầu tư phương tiện thiết bị vận chuyển hành khách và hàng hóa); các giải pháp quản lý (nâng cao vai trò quản lý trong phát triển kinh tế xanh; giải pháp quản lý dựa vào cộng đồng/ mô hình quản lý; giải pháp quản lý dựa vào hệ sinh thái); các giải pháp môi trường (giải pháp kỹ thuật để tiến tới tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo; giải pháp tuyên truyền và giáo dục môi trường; tăng cường giải pháp quản lý về tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải pháp về kỹ thuật môi trường); các giải pháp về nguồn nhân lực (đối với hoạt động hậu cần nghề cá, hoạt động du lịch và phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, giải pháp đặc thù cho huyện đảo như đào tạo, khai thác lực lượng thanh niên xung phong phát triển kinh tế xanh); các giải pháp về huy động vốn.

Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học để thành phố Hải Phòng, Viện Tài nguyên và Môi trường biển và các sở, ngành có liên quan sử dụng trong thực tế nhằm xây dựng mô hình kinh tế xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ theo định hướng phát triển kinh tế của thành phố Hải Phòng.   

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.