Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 55588 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Xây dựng mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu tại Hải Phòng (09/10/2023)
Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Trung cấp Nông nghiệp thủy sản do ThS Nguyễn Thúy Hằng làm chủ nhiệm cùng các cộng sự đã hoàn thành dự án ứng dụng “Xây dựng mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu tại Hải Phòng”, được Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện dự án nghiệm thu tháng 12/2022. Trên cơ sở tiếp thu những kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo cá Chạch Lấu tại An Giang” do trường Đại học An Giang chủ trì thực hiện, dự án đã ứng dụng công nghệ, điều chỉnh bổ sung quy trình sản xuất và nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu phù hợp với điều kiện thực tế của Hải Phòng.
Dự án đã tiếp nhận chuyển giao 03 mô hình: Mô hình sản xuất giống và ương giống cá Chạch Lấu trong điều kiện Hải Phòng; Mô hình nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu trong ao đất và Mô hình nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu trong bể xi măng.
Cá Chạch Lấu.
Địa điểm triển khai mô hình sản xuất giống nhân tạo cá Chạch Lấu được lựa chọn là Đảo Bầu, Mỹ Đức, An Lão, Hải Phòng. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng bể xi măng có thể tích 100 - 120m3, độ sâu 1,4 -1,5m, mực nước > 1,2m. 300 cặp cá bố mẹ được tuyển chọn từ An Giang đảm bảo khỏe mạnh, không bị xây xát, không dị hình, có trọng lượng từ 200 gr trở lên và trên 1 năm tuổi, kích cỡ cá 200 - 300 g/con, tỷ lệ đực/cái là 1:1, mật độ nuôi vỗ 1,4 kg/m3. Nhóm nghiên cứu sử dụng thức ăn phối trộn cho cá. Với 2 đợt thả cá bố mẹ trong vòng 01 tháng, cá thích nghi nhanh với môi trường bể nuôi, ít dịch bệnh khi nhiệt độ nước >240C, cá bắt mồi tốt, phản ứng nhanh nhẹn với tỷ lệ sống >94%. Cá giống được nuôi vỗ thành thục trước khi cho sinh sản với lượng 24 cá cái có buồng trứng và 23 cá đực có tinh màu trắng sữa hơi đặc sánh. Nhóm nghiên cứu sử dụng hormone kích thích cá sinh sản gồm não thùy và HCG tiêm 2 lần đối với cá cái. Cá đực tiêm bằng 1/3 liều cá cái và tiêm cùng thời điểm liều quyết định ở cá cái. Tổng số cá bột sau khi đẻ ở cả hai đợt là 284.907 con.
Với mật độ 1.000 - 2.000 con/m3, sau 40 ngày ương cá bột, nghiên cứu thu được 167.215 cá hương vớikích cỡ 3 - 5cm/con. Trong thời gian 20 ngày với 2 đợt ương nuôi cá hương thu được 60.950 cá giống đạt cỡ 8 - 10cm/con. Cá khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, màu sắc tươi sáng, đạt tiêu chuẩn thả nuôi thương phẩm.
Thả cá giống Chạch Lấu.
Mô hình nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu trong bể xi măng tại Hải Phòng được thực hiện trong bể nuôicó thể tích 500m3. Số lượng thả 6.000 con, kích cỡ từ 8 - 10cm/con, khoẻ mạnh, màu sắc tươi sáng, các vân hoa rõ nét, trên thân không có các đốm và dấu hiệu bệnh lý. Thức ăn cho cá bao gồm các loại: cá mè, giun quế, thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm > 40% (có thể sử dụng thức ăn CP và Sketting) với công thức phối trộn theo từng giai đoạn. Biện pháp chăm sóc, quản lý được thực hiện với việc bổ sung men tiêu hóa Premix hoặc Zymetin để tăng khả năng hấp thụ và phòng bệnh đường ruột cho cá, thực hiện thay nước và kiểm tra các yếu tố môi trường. Khi cá đạt khối lượng từ 280g - 350g/con tiến hành thu hoạch và bán thương phẩm. Sản lượng cá thu được từ mô hình là 1.070kg, với giá từ 300-320 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt 342.400.000 đồng.
Mô hình nuôi cá Chạch Lấu thương phẩm trong ao đất tại Hải Phòng được thực hiện tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Diện tích ao nuôi cá thương phẩm là 3.200m2, được diệt tạp, diệt khuẩn và cải thiện pH. 25.600 cá giống được thả với mật độ 8 con/m3. Công thức phối trộn thức ăn cho cá theo từng giai đoạn được tiến hành với hàm lượng như mô hình nuôi trong bể xi măng.Tại thời điểm nghiệm thu dự án, sản lượng cá thu được là 3.280kg, kích cỡ 250g - 350g/con; sản lượng dự kiến còn lại trong ao > 816kg sẽ được tiếp tục thu đến cuối năm.
Từ những kết quả thu được của mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu, nhóm nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất nhân tạo và quy trình nuôi cá Chạch Lấu thương phẩm trong bể xi măng và trong ao đất phù hợp với điều kiện Hải Phòng từ việc chuẩn bị bể, ao nuôi đến thả giống, xác định thức ăn và phương pháp cho ăn, quản lý và chăm sóc, phòng và trị bệnh cho cá, thu hoạch. Dựa trên những điều kiện cụ thể tại Hải Phòng, nhóm nghiên cứu đã có những cải tiến trong quy trình nuôi Chạch Lấu thương phẩm so với mô hình gốc tại An Giang: Mô hình ao đất, ao trải bạt cao su xanh với diện tích từ 1.000m2 tại An Giang sang mô hình ao đất, bể xi măng diện tích 500m2 đến 2.000m2; kích cỡ cá thả 8-10cm/con (thay vì 14,7-15,0cm/con); mật độ thả <15 con/m2 (thay vì <30 con/m2); thức ăn phối trộn thay bằng thức ăn hoàn toàn bằng cá tạp hoặc cá tạp + thức ăn công nghiệp…
Mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu do nhóm nghiên cứu thực hiện hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Hải Phòng, giúp chủ động nguồn giống, tạo đà cho nghề nuôi cá Chạch Lấu thương phẩm phát triển mở rộng và bền vững hơn, đồng thời có thể cung cấp con giống cho các tỉnh lân cận.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)