Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 47677
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN

Xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi gà Liên Minh thương phẩm an toàn sinh học quy mô nông hộ gắn với truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Xuân Đám, huyện Cát Hải, Hải Phòng (08/03/2024)

Gà Liên Minh có nguồn gốc từ thôn Liên Minh, xã Trân Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng; là giống gà quý của huyện đảo Cát Hải nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung. Từ năm 2008, trong Chương trình bảo tồn quỹ gen vật nuôi Quốc gia, Viện chăn nuôi đã đưa giống gà Liên Minh vào danh mục vật nuôi cần được nghiên cứu, bảo tồn. Gà Liên Minh là một trong những sản phẩm đặc trưng của đảo Cát Bà bởi lớp mỡ dưới da mỏng, da giòn, thịt gà chắc, dai, có vị ngọt, đậm và mùi thơm đặc trưng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Gà có ngoại hình đẹp, chịu đựng tốt điều kiện thức ăn nghèo dinh dưỡng, thích hợp với nuôi chăn thả. Đặc biệt, gà được nuôi tại Cát Bà có hương vị thơm ngon hơn nuôi tại các vùng khác nên giá bán gà thịt ở đây khá cao, trung bình 180.000-200.000 đồng/kg; những thời điểm như cận Tết Nguyên Đán hoặc vào mùa du lịch giá gà thịt dao động 220.000 - 240.000 đồng/kg.

Gà Liên Minh được nuôi sinh sản.

Tại các địa phương có chăn nuôi gà Liên Minh của Cát Hải nói chung và tại Xuân Đám nói riêng, người dân chủ yếu vẫn chăn nuôi gà Liên Minh ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ 50-70 con mái/hộ, 100-500 gà thương phẩm/hộ, tự ấp nở con giống. Trong quá trình chăn nuôi, người dân chủ yếu vẫn dựa theo kinh nghiệm truyền thống hoặc tự học hỏi lẫn nhau, không theo quy trình chăm sóc, phòng trị bệnh cho giống gà Liên Minh, không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên hiệu quả sản xuất con giống và nuôi gà thương phẩm chưa cao.

Trước thực tế đó, để phát triển, nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà Liên Minh thông qua ứng dụng các quy trình kỹ thuật chăn nuôi phù hợp và quản lý đàn gà theo quy trình an toàn sinh học, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cho huyện đảo du lịch, Ủy ban nhân dân xã Xuân Đám đã chủ trì thực hiện dự án "Xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi gà Liên Minh thương phẩm an toàn sinh học quy mô nông hộ gắn với truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Xuân Đám, huyện Cát Hải, Hải Phòng" từ năm 2019-2020. Dự án do Trung tâm Phát triển Khoa học - Công nghệ và Đổi mới sáng tạo chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Dự án đã tiếp nhận chuyển giao 03 quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi gà Liên Minh: Quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng gà Liên Minh sinh sản; Quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng gà Liên Minh thương phẩm và Quy trình vệ sinh thú y trong chăn nuôi gà Liên Minh. Đồng thời tiến hành đào tạo cho 05 kỹ thuật viên cơ sở về các kỹ thuật chăn nuôi gà Liên Minh sinh sản, thương phẩm; tập huấn cho 200 lượt người chăn nuôi trên địa bàn xã Xuân Đám các kỹ thuật chăn nuôi gà và quy trình quản lý sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Với việc triển khai mô hình sản xuất giống và nuôi gà Liên Minh thương phẩm an toàn sinh học quy mô nông hộ, dự án tiến hành chăm sóc, nuôi dưỡng gà Liên Minh sinh sản theo quy trình kỹ thuật được chuyển giao. Từ 50 gà mái và 7 gà trống Liên Minh tiến hành sinh sản. Qua ghi chép trên sổ nhật ký theo dõi, đàn gà sinh sản của mô hình có tuổi đạt tỷ lệ đẻ 5% khoảng 23 tuần tuổi, tuổi đẻ đỉnh cao ở 32 tuần tuổi, khối lượng trứng trung bình khi ở tỷ lệ đẻ đạt 5% là 32g, khối lượng trứng trung bình khi đạt tỷ lệ đẻ đỉnh cao là 46,5g, năng suất trứng đến 68 tuần tuổi của đàn sinh sản là 90 quả/mái, tỷ lệ trứng có phôi là 90%, tỷ lệ gà 01 ngày tuổi loại 1 trên tổng trứng vào ấp là 84% (cao hơn so với tiêu chuẩn của đàn gà Liên Minh hạt nhân là 14%).

Thực nghiệm nuôi gà Liên Minh thương phẩm từ nguồn giống tự sản xuất, tiến hành chọn 300 gà loại 1, 01 ngày tuổi có thân màu vàng nhạt hoặc toàn thân màu vàng, lưng có màu xám đen, mỏ hồng nhạt, chân vàng, mắt sáng, nhanh nhẹn, mỏ thẳng, trọng lượng 28-34g làm con giống cho mô hình và tiến hành nuôi úm. Qua theo dõi, gà Liên Minh có nguy cơ chết cao nhất ở các tuần tuổi đầu tiên. Sau 9 tuần, sức sống của gà tương đối cao. Về tỷ lệ nuôi sống, giai đoạn 0-8 tuần tuổi đạt 96,3%, giai đoạn 9-20 tuần tuổi đạt 96,5%, trung bình cả 2 giai đoạn, tỷ lệ này đạt 93%.

Về lượng thức ăn tiêu thụ, giai đoạn gà 0-8 tuần tuổi tiêu tốn 1.780 g/con; giai đoạn 9-20 tuần tuổi tiêu tốn 6.520 g/con. Tính chung cho cả giai đoạn 0 - 20 tuần tuổi, tổng lượng thức ăn tiêu tốn là 8.300 g/con. Về khối lượng đàn gà Liên Minh thương phẩm của mô hình, lúc 8 tuần tuổi đạt trung bình 812 g/con; lúc 12 tuần tuổi đạt từ 1.428 g/con; đến 18 tuần tuổi đạt 1.990 g/con.

Ban chủ nhiệm dự án tiến hành mổ khảo sát 10 con gà ở tuần thứ 18 (5 con trống, 5 con mái) nhằm thu thập một số chỉ tiêu như tỷ lệ thân thịt, tỷ lệ thịt đùi, tỷ lệ thịt lườn và tỷ lệ mỡ bụng... Kết quả cho thấy, với phương thức nuôi bán chăn thả chiếm phần lớn trong tổng thời gian nuôi, các chỉ tiêu năng suất thân thịt của gà trống và gà mái tương đương nhau, riêng phần tỷ lệ mỡ bụng ở gà mái cao hơn do ở giai đoạn này, gà mái đang trong thời kỳ chuẩn bị đẻ nên sự tích luỹ mỡ bụng nhiều hơn so với gà trống.

 Kết thúc mô hình, dự án thực hiện mổ khảo sát ngẫu nhiên 06 con (3 trống + 3 mái) đánh giá chất lượng thịt. Qua phân tích 03 mẫu thịt gà Liên Minh thương phẩm về một số chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm cho thấy, tất cả các chỉ tiêu kim loại nặng đều nằm trong giới hạn cho phép, không phát hiện kháng sinh tồn dư và vi sinh vật gây bệnh. Đánh giá cảm quan chất lượng thịt gà Liên Minh thương phẩm, gà có da giòn, thịt chắc, dai, có vị ngọt và thơm đậm đà.

 

Đánh giá hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất giống gà Liên Minh an toàn sinh học quy mô nông hộ tại xã Xuân Đám, huyện Cát Hải với số lượng đàn sản xuất 50 con mái và 7 trống giống mang lại lợi nhuận 25.904.000 đồng. Mô hình nuôi gà Liên Minh thương phẩm an toàn sinh học quy mô nông hộ tại xã Xuân Đám, huyện Cát Hải với số lượng 300 con gà Liên Minh từ 01 ngày tuổi chi phí cho 01 lứa nuôi trong thời gian 06 tháng là 76,49 triệu đồng, thu từ bán gà thịt với tổng lượng thịt 660kg là 132 triệu đồng, thu được lợi nhuận 55,51 triệu đồng.

Mô hình truy xuất nguồn gốc Gà Liên Minh.

Trong khuôn khổ dự án cũng tiến hành lựa chọn tổ chức quản lý nhãn hàng hóa “Gà Liên Minh” gắn với truy xuất nguồn gốc là Hội nông dân xã Xuân Đám, xây dựng các tiêu chí cho sản phẩm Gà Liên Minh và thực hiện kiểm soát các cơ sở/hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu “Gà Liên Minh”, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm “Gà Liên Minh” thông qua các hoạt động quảng cáo, liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại xã Xuân Đám và thị trấn Cát Bà.

Việc triển khai dự án đã tạo mô hình điểm trong lĩnh vực sản xuất chăn nuôi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm để người sản xuất chăn nuôi tại huyện Cát Hải và các địa phương tham quan, học tập, từng bước thúc đẩy các địa phương của thành phố nghiên cứu, áp dụng để nhân rộng mô hình. Đối với địa bàn huyện, sau khi dự án kết thúc thành công có thể nhân rộng mô hình sang địa bàn các xã có điều kiện tự nhiên, khí hậu tương đồng (Trân Châu, Hiền Hào, Gia Luận...), từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất chăn nuôi của Hải Phòng theo hướng an toàn sinh học theo chỉ đạo, quy hoạch chung của thành phố. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.