Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 47300
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN

Xây dựng mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGap liên kết bao tiêu sản phẩm tại xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng (30/03/2024)

Người dân xã Vinh Quang có truyền thống, có kinh nghiệm cấy lúa nếp cái hoa vàng trên 05 năm với điều kiện cơ sở hạ tầng sẵn có của địa phương, của các hộ nông dân cấy lúa có diện tích được dồn điền đổi thửa mỗi hộ có từ 1-5 sào Bắc Bộ, quy hoạch vùng sản xuất tập trung với quy mô từ 30 - 50 ha; có hệ thống mương tưới, tiêu và đường nội đồng đảm bảo yêu cầu sản xuất; đồng thời vùng được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm các sản phẩm lúa nếp an toàn trên diện tích 30 - 50 ha… Ðối với lúa nếp cái hoa vàng xã đã sản xuất 5 vụ tại cánh đồng Vối cụm 2 Nhân Mễ từ năm 2014 cho đến nay, năng suất lúa luôn đạt từ 54 – 58 tạ/ha. Giống lúa nếp cái hoa vàng có thời gian sinh trưởng 145-150 ngày trong vụ Mùa, lúa sinh trưởng, phái triển tốt, kháng sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng ngọn tốt, hạt gạo tròn, đục, chín có thơm mùi đặc trưng của giống. Với kinh nghiệm gieo cấy và chăm sóc giống lúa nếp cái hoa vàng trên 05 năm, gạo nếp cái hoa vàng sản xuất tại xã Vinh Quang đã trở thành sản phẩm thân thuộc, không thể thiếu của người dân xã Vinh Quang và những xã lân cận trong dịp lễ tết. 

Tuy nhiên, phương thức quản lý, tập quán canh tác lúa của nông dân xã Vinh Quang vẫn còn nhỏ lẻ, lạc hậu, chưa đồng bộ; chưa có các biện pháp quản lý tổng hợp, chưa có hệ thống quản lý đầu vào và đầu ra sản phẩm, chưa có nhật ký ghi chép, quản lý nội bộ để truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm; môi trường sản xuất bị ô nhiễm, đất bị thoái hoá, giảm tiềm năng năng suất, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Gạo và các sản phẩm khác được chế biến từ gạo nếp cái hoa vàng của địa phương có chất lượng cao, nhưng chưa có chứng nhận VietGAP nên việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn. Chưa thiết lập được chuỗi liên kết kinh doanh từ các nhà cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu, nông dân sản xuất, nhà chế biến và hệ thống thị trường buôn bán, tiêu thụ để sản phẩm được sản xuất ra có sự đảm bảo, ổn định chất lượng và mức tiêu thụ chủ động. Với mục tiêu xây dựng được vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển những sản phẩm chủ lực có lợi thế canh tranh cao và phát triển bền vững, Ủy ban nhân dân xã Vinh Quang đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGap liên kết bao tiêu sản phẩm tại xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng” do CN. Đỗ Văn Khải làm chủ nhiệm. Dự án đã được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu vào ngày 16/12/2020 tại Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo.

Dự án tiếp nhận chuyển giao 02 quy trình công nghệ Trường Đại học Hải Phòng, lựa chọn 5 cán bộ kỹ thuật có năng lực và kinh nghiệm tiếp nhận quy trình và tổ chức 2 lớp tập huấn cho 200 người để hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho hộ nông dân trong vùng triển khai nhiệm vụ và đào tạo cho cán bộ kỹ thuật cơ sở với quy trình cụ thể: Quy trình ngâm ủ, gieo mạ, cấy, chăm sóc, phòng trừ dịch hại và thu hoạch lúa nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP trong vụ mùa năm 2020 tại xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng; Quy trình quản lý, truy suất nguồn gốc sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP trong vụ mùa năm 2020 tại xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình tại thôn Nhân Mễ xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo kết quả thu được như sau:

Mô hình 1: Mô hình ngâm ủ, gieo mạ, cấy, chăm sóc, phòng trừ dịch hại và thu hoạch lúa nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP trong vụ mùa năm 2020 qui mô 30 hộ nông dân, diện tích 50.000 m2 với sản phẩm lúa nếp thu được là 26,64 tấn/5ha; ở sản lượng này cao hơn so với thuyết minh, hợp đồng được phê duyệt là 4,64 tấn tương đương 21,1%.

Mô hình 2: mô hình quản lý, truy suất nguồn gốc sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP trong vụ mùa năm 2020 qui mô 30 hộ nông dân, diện tích 50.000m2 với sản phẩm lúa nếp thu được là 26,64 tấn/5ha; được cấp chứng nhận VietGAP trên diện tích 5 ha, với 30 hộ nông dân theo quyết định số 527/QĐ-TTCL1 với mã số Chứng nhận VietGAP: VietGAP-NAFI1-31-008 do Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 1 cấp ngày 30/11/2020.

Năng suất thực thu tăng hơn so với sản xuất đại trà 12,3%, giá bán thóc trong mô hình sản xuất được Hợp tác xã sản xuất kinh doanh - dịch vụ Nông nghiệp Vinh Quang và Công ty cổ phần Hải Âu Việt thu mua cao hơn của người dân là 500 đ/kg. Lợi nhuận mô hình sản xuất cao hơn sản xuất đại trà là 11.454 nghìn đồng/ha, tương đương 16,1 %. Hạ giá thành sản xuất 1 kg sản phẩm với chi phí sản xuất mô hình sản xuất thấp hơn sản xuất đại trà là 1000 đồng/kg tương đương 7,6%.

Đồng thời, nhóm nghiên cứu dự án đề xuất được nhóm giải pháp quản lý, vận hành và nhân rộng mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGap phù hợp với điều kiện địa phương. Nhóm giải pháp này có khả năng duy trì và nhân rộng mô hình tại địa phương và các địa phương khác có điều kiện tương đồng.

Kết quả dự án là mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp để người nông dân tại huyện và các địa phương tham quan, học tập, từng bước thúc đẩy các huyện của thành phố nghiên cứu, mô hình có khả năng nhân rộng tại địa phương trên 20 - 30ha vào năm 2022; 100 ha vào năm 2025. Đồng thời, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Hải Phòng theo hướng an toàn thực phẩm, ứng dụng tốt khoa học công nghệ theo quy hoạch chung của thành phố. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Dự án tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.