Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 31643
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN

Xây dựng mô hình sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen (Mylopharyngodon piceus) tại Hải Phòng (01/08/2024)

Cá trắm đen là loài có giá trị dinh dưỡng cao hơn các loài cá khác như cá chép, cá quả. Trong y học, thịt cá trắm đen được người Trung Quốc sử dụng như một loại thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Thịt cá là thức ăn tốt cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai và người bị bệnh tim mạch. Vì vậy, thịt cá trắm đen rất được ưa chuộng trên thị trường nên hiện nay cá trắm đen thương phẩm đang được người nuôi cá quan tâm.

Ngoài tự nhiên cá trắm đen sinh sản ở các vùng trung lưu và thượng lưu của các con sông lớn có điều kiện sinh thái phù hợp với đặc điểm sinh sản của loài. Sự suy giảm về nguồn lợi do nhiều nguyên nhân trong đó người dân khai thác cá vào mùa sinh sản, hình thức khai thác như đánh kích điện, dùng kích thước mắt lưới nhỏ tận thu cả cá con, các tác động khác đến môi trường như xây dựng các nhà máy thủy điện làm biến đổi môi trường sống của sinh vật, các bãi đẻ bị thu hẹp ảnh hưởng nguồn lợi cá giống trong tự nhiên. Ngoài ra, cá trắm đen không có khả năng tự sinh sản trong ao tù và các con sông nhỏ nên nguồn giống trở lên khan hiếm.

Dự án “Xây dựng mô hình sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen (Mylopharyngodon piceus) tại Hải Phòng” do ThS. Nguyễn Hữu Xuân cùng cộng sự thuộc Trung tâm Giống và Phát triển nông nghiệp công nghiệp cao thực hiện với mục tiêu ứng dụng thành công công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen chủ động cung cấp con giống cho sản xuất, đáp ứng đúng mùa vụ nuôi và con giống cho nuôi thương phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng và một số địa phương lân cận, góp phần phát triển loài cá có giá trị kinh tế cao.

Kiểm tra cá bố mẹ trong thời gian nuôi vỗ.

Dự án tiếp nhận 5 quy trình công nghệ từ Trung tâm nghiên cứu Đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản thuộc Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, gồm: Quy trình kỹ thuật lựa chọn và nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ; Quy trình kỹ thuật sử dụng kích dục tố, cho đẻ và ấp trứng; Quy trình kỹ thuật ương cá bột thành cá hương cỡ 3-3,5cm; Quy trình kỹ thuật ương từ cá hương cỡ 3-3,5cm thành cá giống cỡ 12-15cm; Quy trình quản lý môi trường ao nuôi cá bố mẹ, ao ương cá hương và cá giống và quy trình phòng trừ dịch bệnh trên cá bố mẹ, cá hương và cá giống. Dự án cũng cử 03 cán bộ có đủ trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực sinh sản nhân tạo các đối tượng cá truyền thống để trực tiếp tham gia tiếp nhận các công nghệ chuyển giao. Sau khi được đào tạo, các cán bộ kỹ thuật đã cơ bản nắm vững được các kiến thức về quy trình sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen, có thể chủ động triển khai các thao tác kỹ thuật và vận dụng thành thạo quy trình công nghệ phục vụ triển khai dự án.

Việc xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen được thực hiện tại Trại sản xuất giống thủy sản nước ngọt Hoa Động thuộc Trung tâm giống và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ban chủ nhiệm dự án chuẩn bị cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ cần thiết theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi tiến hành triển khai thực nghiệm. Quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen gồm: nuôi vỗ cá bố mẹ; chuẩn bị ao nuôi; tuyển chọn cá bố mẹ nuôi vỗ; chăm sóc và quản lý. Trong đó, việc lựa chọn và nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ cho tỷ lệ thành thục của cá cái đạt 80%, cá đực đạt 73,33%. Cá đẻ đạt tỷ lệ trung bình 82,23%, tỷ lệ thụ tinh đạt trung bình 62,66% và tỷ lệ nở đạt trung bình 67,22%, vượt yêu cầu đề ra.

Quy trình ương cá bột thành cá hương cỡ 3 - 3,5cm gồm các công đoạn: chuẩn bị 3 ao ương có diện tích 450 - 600m2, ao không bị cớm rợp, không rò rỉ, dễ gây màu nước, độ sâu nước dao động trong khoảng 0,8 - 1,0m, độ sâu bùn đáy 15 - 20cm; thả cá với mật độ 150 con/m2, tổng số cá bột thả là 232.500 con; chăm sóc và quản lý. Tại quy trình này, ao ương có diện tích từ 450 - 600m2, độ sâu ao từ 0,8 - 1,0m sử dụng để ương cá trắm đen từ giai đoạn cá bột lên cá hương. Kết quả ương tại 02 ao cho thấy, ao số 1 khi thu hoạch cho chiều dài cá trung bình đạt 3,26 ± 0,040cm, trọng lượng trung bình đạt 0,5 ± 0,016 gam, đạt tỷ lệ sống 52%, số cá hương thu được là 39.000 con. Tại ao ương số 2 và số 3, chiều dài cá trung bình là 3,31 ± 0,037cm và 3,16 ± 0,032cm, trọng lượng đạt 0,51 ± 0,015 gam và 0,45±0,0713 gam, tỷ lệ sống đạt 51% và 54%, tổng số cá thu được của ao số 2 là 45.900 con và ao số 3 thu được 36.450 con. Trung bình của 3 ao ương đạt tỷ lệ sống 52,33%. Kết quả này cho tỷ lệ sống cao hơn so với mục tiêu đơn vị chuyển giao yêu cầu. Kết quả ương cá bột thành cá hương cỡ 3 - 3,5cm của dự án đã đáp ứng được yêu cầu so với TCVN 9586:2014 Tiêu chuẩn quốc gia Cá nước ngọt. Cá trắm đen hương thu hoạch có ngoại hình mang hình dạng và những nét đặc trưng của loài, màu sắc tươi sáng, cơ thể cân đối, không sây sát, không mất nhớt, bơi lội nhanh nhẹn thành đàn, có phản ứng mạnh với tiếng động, không có dấu hiệu bệnh lý.

Quy trình ương cá hương cỡ 3 - 3,5cm thành cá giống cỡ 12 - 15cm gồm: chuẩn bị 3 ao ương có diện tích từ 500 - 1.000m2, độ sâu ao từ 1,2 - 1,5m , trong đó ao 1 ương 3.000 con, ao 2 ương 1.800 con, ao 3 ương 1.500 con; thả cá với mật độ ương 30 con/m2; chăm sóc và quản lý; đảm bảo một số yếu tố môi trường trong ao ương (nhiệt độ, hàm lượng ô-xy hòa tan, giá trị pH, độ trong); thu hoạch. Kết quả ương tại ao số 1 khi thu hoạch, cá có chiều dài trung bình đạt 14,08 ± 0,315cm, trọng lượng trung bình đạt 38,37 ± 0,539 gam, đạt tỷ lệ sống 70,6%; số cá giống thu được là 2.118 con, trong đó có 700 con (khoảng 30%) đạt kích cỡ từ 10 - 12cm và có 1.418 con (khoảng 70%) đạt kích cỡ 13 - 16cm. Tại ao ương số 2 và số 3, chiều dài trung bình của cá đạt 13,31 ± 0,293cm và 13,55 ± 0,325cm, trọng lượng đạt 37,08 ± 0,459 gam và 37,57 ± 0,491 gam, tỷ lệ sống 71,5% và 71%; tổng số cá thu được của ao số 2 là 1.287 con và ao số 3 là 1.065 con, trong đó khoảng 20% đạt kích cỡ 10 - 12cm và khoảng 80% đạt kích cỡ 13 - 16cm. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy, khi tiến hành ương cá hương lên cá giống ở ao có diện tích 500 - 600m2 cho tỷ lệ cá đạt kích cỡ từ 13 - 16cm, cao hơn so với ao ương có diện tích 1.000m2 là do ương ở ao nhỏ khi cho cá ăn sẽ không bị phân tán thức ăn, đàn cá ăn tập trung hơn, tìm kiếm thức ăn nhanh hơn và khả năng sử dụng thức ăn triệt để hơn. Kết quả ương cá hương cỡ 3 - 3,5cm thành cá giống cỡ 10 - 15cm của dự án đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật so với TCVN 9586:2014 Tiêu chuẩn quốc gia Cá nước ngọt Cá trắm đen giống thu hoạch có ngoại hình cân đối, vây vảy hoàn chỉnh, không sây sát, không mất nhớt, màu sắc tươi sáng, hoạt động nhanh nhẹn, phản ứng nhanh với tiếng động, ánh sáng, không có dấu hiệu bệnh lý.

Với việc áp dụng tốt 02 quy trình: quản lý môi trường ao nuôi cá bố mẹ, ao ương cá hương và cá giống; phòng trừ dịch bệnh trên cá bố mẹ, cá hương và cá giống, đã cho đàn cá khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, màu sắc tươi sáng.

Việc xây dựng thành công mô hình sinh sản nhân tạo cá trắm đen góp phần cung cấp con giống thủy sản chất lượng, có giá trị về kinh tế và giá trị dinh dưỡng cho người nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố, giúp người nuôi nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích nuôi. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ./.