Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 32940
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Bào chế thành công thuốc mỡ sinh cơ cho bệnh nhân bỏng (22/01/2014)

Từ các cây thuốc nam có sẵn tại địa phương như nghệ, nhựa đu đủ, cây lạc tiên,… ông Đào Viết Thoàn, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình đã nghiên cứu, bào chế thuốc chữa bỏng “thuốc mỡ sinh cơ” và phương pháp sử dụng thuốc trong quá trình điều trị vết thương cho bệnh nhân bỏng. Giải pháp này vừa được trao giải nhất Hội thi Sáng tạo Khoa học, Công nghệ và Kỹ thuật Thái Bình năm 2012 – 2013.

 Tận dụng nguồn nguyên liệu cây thuốc sẵn có

Bỏng là tai nạn thường gặp nếu không được cấp cứu chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong hoặc bị tàn tật suốt đời. Trong quá trình điều trị vết thương, mỗi khi thay băng, mặc dù đã dùng nước muối sinh lý sau đó tháo băng nhưng vết bỏng vẫn thường bị dính làm cơ thể bệnh nhân đau đớn, đôi khi còn bị choáng. 

Là thương binh hạng nặng, đã từng phải điều trị vết thương bỏng tại Bệnh viện Quân đội 103, ông Đào Viết Thoàn đã tìm tòi, chắt lọc những tinh hoa của các bài thuốc cổ truyền dân tộc, đặc biệt là dược tính của các loại cây thuốc nam và nghiên cứu, sáng tạo ra một bài thuốc gọi là mỡ sinh cơ. Thuốc có tác dụng hút dịch mủ nuôi thịt tạo da mới để điều trị bệnh nhân bỏng. 

26 năm qua, bài thuốc chữa bỏng của tác giả đã và đang sử dụng cho hiệu quả cao. Không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, mới đây, tác giả đã đưa ra giải pháp mới trong việc điều trị cho người bệnh bằng phương pháp bôi thuốc trên gạc đã tẩm nước muối sinh lý vắt khô thay thế cho phương pháp bôi thuốc trên gạc khô. Vì thế, khi thay băng, tháo băng vết thương trên người bệnh không bị dính. Khi băng vết bỏng, vết thương người bệnh có cảm giác êm dịu, mát, hạn chế cơn đau đớn. Vết bỏng, vết thương không bị nhiễm trùng, nhanh tái tạo tổ chức hạt, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm kinh phí cho người bệnh. 

Theo ông Đào Viết Thoàn, phương pháp bào chế được chia thành các công đoạn: chuẩn bị nguyên liệu, rửa sạch và phơi khô, phối chế nguyên liệu theo tỷ lệ, nấu cao và đóng lọ. Đầu tiên, ông nghiên cứu tính năng, tác dụng của các loại thảo dược, từ đó xây dựng quy trình thu hái, bảo quản và lựa chọn thảo dược phù hợp, xây dựng công thức phối chế. Sau đó, thử nghiệm sản xuất bằng phương pháp thủ công và thử nghiệm tác dụng điều trị của thuốc mỡ sinh cơ. 

Xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Việc chữa bỏng bằng thuốc mỡ sinh cơ do tác giả tự nghiên cứu, bào chế, sáng tạo đã được Sở Y tế Thái Bình công nhận là bài thuốc chữa bỏng gia truyền có hiệu quả cao trong điều trị bỏng cho bệnh nhân. Phương pháp mới bôi thuốc trên gạc đã tẩm nước muối sinh lý vắt khô thay thế cho phương pháp bôi thuốc trên gạc khô đã tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian điều trị. Đây là phương pháp đầu tiên do tác giả sáng tạo và điều trị cho các bệnh nhân bỏng trong cả nước. 

Bài thuốc chữa bỏng bằng thuốc mỡ sinh cơ đã được ứng dụng điều trị cho trên 22.000 bệnh nhân bỏng ở các mức độ khác nhau trong cả nước. Bằng phương pháp cải tiến trong sử dụng thuốc để điều trị vết thương bỏng cho bệnh nhân, 5 năm qua (2008 – 2012) tác giả đã điều trị khỏi cho 5.784 bệnh nhân trong cả nước và không để lại di chứng sẹo sau khi điều trị. 

Không chỉ tận dụng được nguồn thuốc nam sẵn có tại Thái Bình, bài thuốc cũng như giải pháp mới trong điều trị cho bệnh nhân bỏng này còn tiết kiệm được nhiều chi phí dùng thuốc cho người bệnh. Theo tính toán, trung bình mỗi ca bỏng tiết kiệm được 29,92% chi phí thuốc và rút ngắn 1,56 ngày điều trị. Tỉ lệ điều trị khỏi đạt 100%, không có ca tử vong. Đồng thời giảm tải số lượng người bệnh phải chuyển tới các bệnh viện tuyến trên; không để lại di chứng sẹo, vẫn giữ được thẩm mỹ cho người bệnh; giảm công người phục vụ;... 

Bài thuốc mỡ sinh cơ và sử dụng phương pháp cải tiến trong quá trình điều trị vết thương cho bệnh nhân bị bỏng đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời khẳng định giá trị của y học cổ truyền và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân trong việc kế thừa, bảo tồn, phát triển y học cổ truyền. Các cơ sở y tế hoàn toàn có thể ứng dụng bài thuốc và phương pháp này để sử dụng thuốc và thay băng cho bệnh nhân bị bỏng, đặc biệt có thể sử dụng đạt hiệu quả cao với những trường hợp bệnh nhân có vết thương, vết loét lâu liền.

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn