Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 27643 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Các chất chống oxy hóa như vitamin C có thể thúc đẩy sự phát triển và di căn ung thư (21/09/2023)
Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Karolinska, Thụy Điển đã phát hiện ra rằng các chất chống oxy hóa như vitamin C và vitamin E kích hoạt cơ chế kích thích sự phát triển của các mạch máu mới trong khối u ung thư, giúp chúng phát triển và lan rộng. Kết quả nghiên cứu nêu bật nguy cơ tiềm ẩn của việc bổ sung chất chống oxy hóa khi không cần thiết.
Để phát triển và di căn, các khối u ung thư cần được cung cấp liên tục máu giàu oxy và chất dinh dưỡng. Điều đó đòi hỏi sự hình thành các mạch máu mới từ những mạch máu hiện có, một quá trình gọi là tạo mạch máu. Khi các mô bị thiếu oxy, các tế bào ung thư ở vùng bị ảnh hưởng sẽ gửi tín hiệu hóa học để thu hút các tế bào nội mô nối các mạch máu để hình thành các mạch máu mới.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra cơ chế hình thành mạch máu và phát hiện ra rằng chất chống oxy hóa đóng vai trò bất ngờ trong sự phát triển và lan rộng của khối u. Martin Bergö, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng chất chống oxy hóa kích hoạt cơ chế khiến các khối u ung thư hình thành các mạch máu mới. Điều này thật đáng ngạc nhiên vì trước đây người ta cho rằng chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ. Các mạch máu mới nuôi dưỡng các khối u và giúp chúng phát triển và lan rộng”.
Thông thường, chất chống oxy hóa sẽ loại bỏ các gốc oxy tự do khỏi tế bào của cơ thể và ngăn ngừa hoặc giảm thiểu thiệt hại do căng thẳng oxy hóa gây ra. Căng thẳng oxy hóa được biết là làm hỏng ADN và điều chỉnh sự tiến triển của nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, tuyến tiền liệt, buồng trứng và não.
Bergö cho rằng: “Không cần phải lo lắng về chất chống oxy hóa trong thực phẩm thông thường, nhưng hầu hết mọi người không cần bổ sung thêm chất này. Trên thực tế, nó có thể gây hại cho bệnh nhân ung thư và những người có nguy cơ mắc ung thư cao”.
Các nhà nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các chất chống oxy hóa như vitamin C và E đã đẩy nhanh sự phát triển và lây lan của ung thư phổi bằng cách ổn định một loại protein có tên BACH1. Protein được kích hoạt khi số lượng các gốc oxy tự do trong cơ thể giảm xuống, điều này có thể xảy ra khi bổ sung thêm chất chống oxy hóa vào chế độ ăn hoặc khi đột biến tự phát diễn ra trong các khối u, kích hoạt sản sinh chất chống oxy hóa.
Trong nghiên cứu mới, các tác giả đã tiến hành hầu hết nghiên cứu về bệnh ung thư phổi (bằng cách sử dụng các organoid, các mô 3D cực nhỏ được nuôi cấy từ bệnh nhân ung thư phổi) và còn xem xét cả các mẫu khối u vú và thận ở người. Kết quả là các khối u trong đó BACH1 được kích hoạt, bằng cách bổ sung các chất chống oxy hóa hoặc do biểu hiện quá mức gen BACH1, đã tạo ra nhiều mạch máu mới hơn và rất nhạy cảm với các chất ức chế hình thành mạch máu.
Thuốc ức chế sự hình thành mạch được sử dụng để điều trị ung thư, nhưng tác dụng rất đa dạng và có thể gây các tác dụng phụ khó chịu. Ting Wang, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã đánh giá hiệu quả của thuốc ức chế hình thành mạch máu, nhưng kết quả không thành công như mong đợi”.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng BACH1 cũng có thể dẫn đến sự hình thành mạch máu bằng cơ chế không cần đến tình trạng thiếu oxy; nghĩa là, các khối u có thể hình thành các mạch máu mới khi mức oxy bình thường. Ngoài ra, BACH1 được điều hòa tương tự như yếu tố cảm ứng thiếu oxy protein 1-alpha (HIF-1-alpha), trong đó, biểu hiện của yếu tố này có liên quan đến sự phát triển và di căn của khối u do hình thành mạch máu, cho thấy hai protein này phối hợp với nhau.
Wang cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi mở ra những phương pháp hiệu quả hơn để ngăn ngừa sự hình thành mạch máu trong khối u. Ví dụ, những bệnh nhân có khối u với biểu hiện hàm lượng BACH1 cao, có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ liệu pháp chống hình thành mạch máu so với những bệnh nhân có hàm lượng BACH1 thấp”.
N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/Medical/antioxids-stimulate-blood-vessel-growth-cancer-tumors/, 31/8/2023
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)