Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1911
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Các giải pháp để gà đẻ nhiều trứng (24/08/2021)

Ðể đàn gà có năng suất trứng tốt, kích thước lớn và chất lượng ổn định, người nuôi cần nắm bắt được các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến môi trường sống, sức khỏe, dinh dưỡng của gà cũng như có những giải pháp thích hợp, chính xác và tiết kiệm được chi phí chăm sóc:

1.   Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất

- Tuổi của đàn gà: Khi gà đạt khoảng 18 - 22 tuần tuổi việc sản xuất trứng bắt đầu. Tỷ lệ đẻ đạt đến đỉnh cao khoảng 90% ở 6 - 8 tuần sau đó. Sau 12 tháng đẻ, sản lượng trứng sẽ giảm xuống còn khoảng 65%.

 - Thay lông: Giai đoạn thay lông gia cầm mái chuyển protein và năng lượng vào sự tăng trưởng lông nên sẽ giảm đẻ.

- Thời gian chiếu sáng: Gà đẻ cần thời gian chiếu sáng từ 14 - 16 giờ, để duy trì sản xuất trứng. Nếu thời gian chiếu sáng giảm, gia cầm không ăn, dẫn đến sản lượng trứng thấp.

 - Thiếu thức ăn: Gà đẻ không ăn trong vài giờ, sự suy giảm sản lượng trứng sẽ xảy ra ngay (nhất là trường hợp bị mất điện đột ngột vào ban đêm).

 Thiếu nước: Nước chiếm khoảng 70% tổng trọng lượng cơ thể và chiếm gần 75% khối lượng của quả trứng. Việc thiếu nước trong vài giờ có thể sẽ làm giảm sản lượng trứng.

- Thiếu hụt Canxi (Ca): Lượng canxi không được cung cấp đầy đủ, lượng caxi dự trữ bị cạn kiệt sẽ giảm sản lượng trứng, vỏ trứng mỏng hoặc không có vỏ vôi.

- Thiếu hụt phốt pho (P): Sự mất cân bằng của canxi vàphốt pho sẽ cản trở sự hấp thụ và làm giảm sản lượng trứng, vỏ trứng mỏng và tỷ lệ ấp nở thấp. Ðối với gà đẻ giai đoạn sản xuất trứng tỷ lệ Ca/P là 12Ca/1P.

- Thiếu Vitamin D: Nếu thiếu Vitamin D3 thì sẽ giảm hấp thu Canxi dẫn đến hậu quả là giảm sản lượng trứng.

- Thừa hoặc thiếu muối: Dư thừa muối sẽ dễ dẫn đến tiêu chảy phân lỏng và ướt. Thiếu muối sẽ dẫn đến hiện tượng gà cắn mổ nhau và giảm sản lượng trứng.

 - Protein và Axit Amin: Gà không thể tổng hợp được một số axit amin thiết yếu để đáp ứng yêu cầu trao đổi chất.

- Nhiệt độ chuồng nuôi cao: Gia cầm thở nhiều, uống nhiều nước, giảm ăn, chậm lớn, năng suất thấp. Suy giảm hệ thống miễn dịch gà dễ bị chết đột ngột, giảm đẻ, chất lượng vỏ trứng kém.

2. Giải pháp

- Kích thích hormone: cho gà phơi nắng từ 12 - 14 giờ và thực hiện liên tục trong 3 tuần sẽ giúp cho gà đẻ nhiều trứng hơn.

- Chiếu sáng: Bổ sung thời gian chiếu sáng bằng ánh sáng nhân tạo (sử dụng bóng đèn sợi đốt). Ðèn nên được kiểm tra thường xuyên và làm sạch để không bị mờ.

- Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý: bổ sung dinh dưỡng qua các loại thức ăn sẽ giúp cho gà phát triển tốt và đẻ nhiều hơn. Nếu gà quá gầy, chúng sẽ không có sức để đẻ, còn đối với những gà quá béo thì lớp mỡ sẽ lấn át buồng trứng, cũng khiến gà không thể đẻ nhiều được. Phải đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch cho gia cầm mọi lúc. Ðể ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất, cần bổ sung dưỡng chất phù hợp để kéo dài thời gian đẻ, đẻ nhiều, trứng to. Trong bột cá, bột thịt và bột hướng dương chứa hàm lượng natri cao. Khi các thành phần này được sử dụng, lượng muối bổ sung vào thức ăn phải giảm xuống (tỷ lệ muối trong thức ăn khoảng 0,3 - 0,5%).

- Ðối với gà đẻ giai đoạn hơn 20 tuần tuổi nên bổ sung chế độ ăn nhiều protein hơn trong thời gian thay lông, để có thể đáp ứng nhu cầu về tăng trưởng lông và tăng sản xuất trứng. Với gà đẻ trứng công nghiệp (gà đẻ trứng đỏ), bắt đầu cho gà ăn theo tiêu chuẩn khi chúng đẻ lên 5%. Ở giai đoạn 36 tuần tuổi, gà nên được cho ăn 2 bữa/ngày. Thức ăn nên chia làm 2 bữa sáng 40% và chiều 60% là hợp lý.

- Thời gian cho gà ăn hợp lý: Sáng từ 7h - 7h30phút nên cho gà ăn khoảng 40% tổng lượng cám, đến 10h30phút, nên đi đảo cám và kiểm tra cũng như san cám cho gà ăn đều. Chiều 13h30phút nên kiểm tra máng ăn cho gà để ăn hết thức ăn còn lại. Sau đó khoảng 14h30phút chiều nên cho gà ăn khoảng 40% cám, cứ sau khoảng 30 phút nên cho ăn 20% cám. Người nuôi cũng cần bổ sung canxi và phốt pho cho gà là việc làm cần thiết./.

                                                         Nguồn: Khuyến nông Hà Nội