Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7513
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Các hoạt động vui chơi ở lễ hội làng: Chưa mang tính giáo dục (28/02/2017)

         Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, trẻ em ngoại thành lại vui mừng hớn hở tham gia các hoạt động vui chơi ở hội làng. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động vui chơi ở các lễ hội làng còn lộn xộn, mang tính thương mại, thiếu các hoạt động mang tính giáo dục.

Tết đến, người lớn, trẻ em trong làng, ngoài xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên) háo hức mong chờ đến hội Đình Tây để được vui chơi. Xen lẫn các trò chơi dành cho trẻ em là những trò chơi mang tính cờ bạc như tung rổ trúng thưởng các sản phẩm bia, nước ngọt, bánh hay ném phi tiêu trúng quả bóng bay để nhận các phần quà như gấu, cá sấu bông, móc treo chìa khóa, bắn súng nhận quà… được bố trí dày đặc trong sân làng. Trò nào cũng thu hút đông người lớn, trẻ em tham gia. Nhiều em bậc tiểu học, THCS dành phần lớn tiền mừng tuổi của mình để chơi. Tuy nhiên, phần đông  người chơi không trúng thưởng, chỉ số ít người nhận được phần quà móc chìa khóa. Chưa kể, cũng gần chục quầy bán đồ chơi, bao gồm cả súng, kiếm… quanh khu vực đình. Lễ hội Đình Tây chủ yếu các trò chơi thương mại, vắng bóng các trò chơi dân gian. Các trò chơi này ảnh hưởng đến sự phát triển của các cháu nhỏ khi tham gia lễ hội.

Nhiều người tham quan các lễ hội làng thực sự chưa hài lòng vì việc tổ chức các trò chơi không theo quy củ, các hàng quán, trò chơi bày bán kiểu mạnh ai nấy làm. Vì vậy, tình trạng lộn xộn, phản cảm vẫn diễn ra ở một số lễ hội. Đơn cử, tại lễ hội Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngay khoảng sân trước tượng đài Trạng Trình linh thiêng là trò đua ô-tô rất nhốn nháo. Chưa kể, hàng chục trò chơi phi tiêu ăn tiền, trúng quà hoạt động công khai và rầm rộ ngay trong khuôn viên di tích.

Năm nay, Ban quản lý lễ hội Núi Voi tổ chức nền nếp hơn nhưng, từ dưới chân núi, nhiều người dựng lều bạt bán hàng và mở các dịch vụ trò chơi cho trẻ em vẫn kiểu “mạnh ai nấy làm”. Vào thời điểm đông du khách, một số trò chơi còn tăng giá, từ 15 nghìn đồng lên 20 hoặc 25 nghìn đồng/trò.

Để trẻ được tham gia các trò chơi lành mạnh tại các hội làng, trước hết, ban tổ chức các lễ hội cần lựa chọn những trò chơi mang tính giáo dục, nhất là khôi phục, phát triển các trò chơi dân gian vốn có của địa phương. Kiên quyết dẹp bỏ những trò chơi mang tính cờ bạc. Từ nay đến hết tháng 3 âm lịch, trên địa bàn thành phố còn nhiều lễ hội làng. Các lễ hội sau nên rút kinh nghiệm từ lễ hội trước để lễ hội đầu năm có ý nghĩa.

 

Nguồn: Báo Hải Phòng