Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 34896 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Văn hóa - Xã hội Nông thôn
Các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tại huyện Kiến Thụy (26/03/2021)
Trong thời kỳ xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình dân vận khéo được triển khai, đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần không nhỏ thay đổi diện mạo nông thôn, đồng thời cải thiện đáng kể đời sống nhân dân.
Đầu tiên phải kể đến mô hình dân vận khéo của Ban Công tác mặt trận thôn Xuân Chiếng, xã Ngũ Phúc. Năm 2019, thôn Xuân Chiếng vinh dự được Ban điều phối nông thôn mới thành phố, huyện Kiến Thụy chọn làm điểm thôn kiểu mẫu cấp thành phố. Với sự quyết tâm, đoàn kết nhất trí một lòng, Ban công tác mặt trận cơ sở thôn Xuân Chiếng đã từng bước vận động người dân chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới, hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa và làm các tuyến đường nội đồng với chiều dài trên 1.000m. Vận động thành công các hộ dân chung tay hỗ trợ mở rộng, nâng cấp tuyến đường làng trải nhựa và mắc điện chiếu sáng với số tiền khoảng trên 1 tỷ đồng. Kết quả, với sự vào cuộc của nhân dân và những người con quê hương, thôn đã hoàn thiện hệ thống kè mương dài 1.200m, từ một dòng kênh ô nhiễm trầm trọng nay đã hồi sinh với số tiền trên 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, thôn đã vận động xây mới hơn 20 ngôi nhà, trị giá từ 500 đến 1,5 tỷ đồng. Từ đó, số hộ có nhà xây kiên cố trong thôn đạt 90%, 100% gia đình có nước dùng hợp vệ sinh… Đời sống nhân dân ngày một nâng cao, công tác vệ sinh môi trường được quan tâm, an ninh - quốc phòng được giữ vững.
Tiếp đến là mô hình Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương, xã Thụy Hương, do chị Nguyễn Thị Hà làm Giám đốc, thành lập năm 2017. Với số vốn điều lệ 800 triệu đồng, đơn vị là lá cờ đầu, trong thực hiện tích tụ ruộng đất bằng cách vận động người dân địa phương cho thuê lại ruộng bỏ hoang, để áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, góp phần mang lại hiệu quả trong sản xuất. Ban đầu việc vận động người dân cho thuê lại ruộng gặp vô vàn khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm và sự chung tay của chính quyền địa phương, từ 5 sào ruộng ban đầu, đến nay chị Hà đã nâng diện tích cấy lúa áp dụng cơ giới hóa lên 700ha trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận. Việc đưa mạ khay và cấy máy vào sản xuất đã góp phần làm giảm đáng kể chi phí trong việc sản xuất lúa, hạn chế tình trạng bỏ ruộng do thiếu lao động, đồng thời giúp giảm chi phí và tăng năng suất từ 10-12% so với sản xuất đại trà.
Bên cạnh đó, HTX còn kết hợp với các chủ đầm rươi tại các xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc tổ chức sản xuất một số giống lúa chất lượng cao như: Tím Thảo Dược, Tiến Vua, Nếp cái hoa vàng… theo hướng hữu cơ, với diện tích 52ha, sản lượng năm 2018 đạt 350 tấn, năm 2019, diện tích canh tác được mở rộng lên 120 ha với sản lượng đạt 600 tấn. Đồng thời, đơn vị còn cho ra mắt thương hiệu “Gạo ruộng rươi” và các sản phẩm chế biến từ Gạo ruộng rươi. Hiện sản phẩm đã có mặt tại hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2019, sản phẩm Gạo ruộng rươi của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương vinh dự được công nhận sản phẩm OCOP. Mặc dù mới thành lập, còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, song HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương đã tập trung nghiên cứu thực tế, đưa ra phương án sản xuất, ngành nghề kinh doanh phù hợp, bước đầu đã đạt kết quả khả quan, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con xã viên/.
PV Tổng hợp
- Phân loại rác thải từ nguồn: ý thức người dân là quan trọng nhất (08/12/2021)
- Người dân hạn chế di chuyển khi F0 tăng nhanh (08/12/2021)
- “Tín dụng đen online” và nỗi ám ảnh trò “khủng bố” đòi nợ (29/11/2021)
- Làng nghề bánh đa Kinh Giao - nét văn hóa đặc trưng của thành phố biển Hải Phòng (27/10/2021)
- Cần có thêm “ranh giới” để nâng cao ý thức phòng, chống dịch (06/10/2021)
- Vui mừng nhưng không chủ quan (30/09/2021)