Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3746
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Các nhà khoa học phát triển hệ thống vi kim ít gây xâm lấn và ít tốn kém giúp xác định nồng độ thuốc trong máu (05/08/2016)

Các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia và Viện Paul Scherrer (PSI) ở Thụy Sĩ đã chế tạo thành công một hệ thống vi kim có khả năng xác định nồng độ thuốc trong máu bệnh nhân. Thiết bị mới được xem như một phương pháp thay thế cho những phương pháp khác gây xâm lấn và tốn kém, đồng thời, đem lại cảm giác thoải mái cho bệnh nhân.

Công nghệ mới gồm miếng dán nhỏ và mỏng, tiếp xúc trực tiếp với cánh tay của bệnh nhân, giúp xác định lượng dung dịch thuốc trong máu, nhờ đó, hạn chế số lần bệnh nhân phải lấy máu để xét nghiệm. Những chiếc kim siêu nhỏ được thiết kế với dạng hình nón, rỗng bên trong, chiều dài chưa đến 1mm. Thiết kế này giúp kim không đâm xuyên qua da như những chiếc kim tiêm dưới da thông thường vì vậy, ít gây xâm lấn hay đau đớn cho bệnh nhân.

Trong một chương trình trao đổi nghiên cứu tại PSI, nhà nghiên cứu Sahan Ranamukhaarachchi - nghiên cứu sinh khoa Khoa học và Dược phẩm ứng dụng, thuộc UBC, đồng thời là người đã phát triển công nghệ này cho biết: “Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu về công nghệ vi kim giúp hạn chế đau đớn cho người bệnh trong quá trình tiêm vắc xin hay đưa dung dịch thuốc vào bên trong cơ thể. Do đó, thiết bị vừa giúp giám sát lượng thuốc lại ít gây xâm lấn của chúng tôi được đánh giá là một ý tưởng hết sức mới mẻ”.

Hệ thống vi kim được thiết kế để chỉ có thể đâm xuyên qua lớp biểu bì (thượng bì) - lớp da bên ngoài có tác dụng bảo vệ da tránh khỏi các độc tố, vi khuẩn mà không đâm qua lớp nội biểu bì và hạ bì - được cấu tạo gồm những sợi dây thần kinh, mạch máu và các tế bào miễn dịch hoạt động.

Mục đích của Ranamukhaarachchi cùng các đồng nghiệp khi phát triển công nghệ mới là nhằm theo dõi nồng độ kháng sinh vancomycin - một loại kháng sinh phổ biến thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và được tiêm truyền qua đường tĩnh mạch. Khi sử dụng kháng sinh này, bệnh nhân thường được yêu cầu phải lấy máu từ 3-4 lần mỗi ngày và đặc biệt là cần được theo dõi chặt chẽ vì vancomycin có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm cho bệnh nhân.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng thông qua việc phân tích lượng dung dịch thuốc ở lớp da ngoài cùng, họ có thể xác định nồng độ kháng sinh vancomycin trong máu bệnh nhân sau khi tiêm. Sau khi rút ra một lượng nhỏ dung dịch thuốc (chưa đến 1/ triệu ml), các chuyên gia sẽ sử dụng một bộ cảm biến quang học để quan sát phản ứng xảy ra bên trong chiếc kim rỗng. Kỹ thuật này cho phép các nhà nghiên cứu xác định nồng độ vancomycin một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Urs Hafeli - giáo sư khoa Khoa học - Dược phẩm, UBC khẳng định: "Công nghệ mới giúp xác định một khối lượng thăm dò được đánh giá là nhỏ nhất từng được ghi nhận cho một phân tích có liên quan y tế".

"Sự hợp tác giữa UBC và PSI đã giúp kết hợp thành công công nghệ vi kim, kênh dẫn vi lưu, công nghệ quang học và công nghệ sinh học, giúp tạo ra như một thiết bị mới có khả năng vừa thu thập vừa phân tích nồng độ thuốc trong máu bệnh nhân”. nhà khoa học Victor Cadarso tại PSI nhấn mạnh.

Nguồn: www.vista.gov.vn