Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3384
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và đời sống

Cách sơ cứu bệnh nhân bị bỏng hiệu quả (07/05/2015)

Sơ cứu khi bị bỏng không khó, tuy nhiên nếu sơ cứu không đúng cách sẽ làm cho vết bỏng trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của nạn nhân. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bỏng, có thể do tác động của nhiệt, của điện, của hóa chất và các tác nhân khác tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp lên vùng da, gây ra các mức độ tổn thương khác nhau. Bỏng có thể làm thay đổi cấu trúc, làm rối loạn chức năng vùng bị tổn thương, nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời cho nạn nhân.

 

Khi bị bỏng, nạn nhân thường thấy dấu hiệu đau rát vùng bị tổn thương sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bỏng (dầu ăn, lửa, điện, hóa chất). Vùng da bị bỏng chuyển sang màu đỏ, sẫm màu hoặc đen, biến dạng. Có thể xuất hiện những mọng nước hoặc sưng phồng vùng da bị bỏng.

3 cấp độ bỏng

- Cấp độ 1: Bỏng bề mặt

Đây là cấp độ nhẹ nhất, khi bị bỏng thường có dấu hiệu da bỏng rát, đỏ giống như bị cháy nắng sau một vài hôm vết thương sẽ lành và không để lại sẹo.

- Cấp độ 2: Bỏng một phần da.

Ở cấp độ này, lớp biểu bì và một phần lớp chân bì bị tổn thương, các túi nước phỏng được hình thành. Nếu túi nước này bị vỡ, nó sẽ gây ra đau rát cho vùng da bị tổn thương. Vết bỏng sẽ lành lại và không để lại sẹo nếu không bị nhiễm trùng. Trường hợp vết bỏng bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, lớp da dưới bị phá hủy sẽ làm cho vết bỏng nặng hơn, chuyển thành bỏng ở cấp độ 3.

- Cấp độ 3: Bỏng độ 3

Vết bỏng ở cấp độ này ở mức cực kì nghiêm trọng. Toàn bộ lớp da dưới biểu bì đều bị tổn thương. Vết bỏng thay vì có màu đỏ nó đã chuyển sang tái nhợt hoặc xám lại, khô cứng. Ở mức độ bỏng này cần đưa ngay nạn nhân tới bệnh viện để các bác sĩ kịp thời cấp cứu để tránh những tổn thương nghiêm trọng hơn.

Cách sơ cứu bệnh nhân khi bị bỏng

- Cần nhanh chóng ngăn chặn tác nhân gây bỏng (lửa, điện, dầu hỏa, xăng…) sau đó ngâm ngay vết bỏng vào nước lạnh sạch. Nước lạnh có tác dụng làm mát vết bỏng, giảm đau và giảm nguy cơ gây sốc cho bệnh nhân.

- Đối với những trường hợp bỏng nặng: bỏng do hóa chất, do vôi… cần nhanh chóng làm thoáng vết bỏng bằng cách cởi bỏ quần áo, các đồ trang sức. Tiếp đó ngâm vết bỏng vào nước mát, rồi dùng vải sạch băng vết bỏng lại và đưa đi cấp cứu.

- Điện là một trong số những nguyên nhân gây ra bỏng. Bỏng điện có thể gây ra những biến chứng cực kì nguy hiểm cho nạn nhân, nếu chúng ta không sơ cứu đúng cách và kịp thời sẽ làm cho vết thương nghiêm trọng hơn. Trước hết, cần ngắt nguồn điện và đưa nạn nhân ra khu vực an toàn. Sau đó ngâm vết bỏng vào nước như đối với các trường hợp bỏng trên và nhanh chóng đưa đi bệnh viện.

Lưu ý:

- Không được dùng nước đá để làm mát vết bỏng.

- Không được sờ mó vào vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn làm cho vết bỏng nặng hơn.

Nguồn: dieutri9.com