Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 27172 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Cảnh báo nguy cơ phụ thuộc lâu dài vào loại thuốc giảm cân chứa tirzepatide (12/12/2023)
Theo một trưởng nhóm nghiên cứu, bệnh nhân cần duy trì điều trị bằng thuốc Zepbound chứa hoạt chất tirzepatide để ngăn ngừa cân nặng tăng trở lại và đảm bảo giảm cân hiệu quả.
Các loại thuốc chống béo phì thế hệ mới được cho là hỗ trợ giảm cân hiệu quả, song nhiều bệnh nhân băn khoăn liệu họ có tăng cân trở lại nếu dừng loại thuốc này.
Một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí American Medical Association ngày 11/12 đã đưa ra câu trả lời cho nghi vấn này, trong đó cảnh báo nguy cơ phụ thuộc lâu dài vào loại thuốc này khi việc giảm cân không hiệu quả.
Nghiên cứu do Nhà khoa học Louis Aronne thuộc Đại học Y Weill Cornell ở New York thực hiện đối với 670 tình nguyện viên với độ tuổi trung bình là 48 tuổi. Đa phần trong số này là nữ giới. Cân năng trung bình ban đầu của nhóm này là 107,3kg.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng thuốc giảm cân chứa hoạt chất tirzepatide và đây cũng là thành phần trong thuốc giảm cân Zepbound của Hãng Dược phẩm Eli Lilly vốn được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt hồi tháng trước. Thuốc giảm cân tirzepatide là loại thuốc tiêm hằng tuần.
Theo nghiên cứu này, sau 36 tuần, cân nặng của nhóm 670 người trên đã giảm trung bình 20,9%. Sau đó, nhóm này được chia thành hai nhóm nhỏ với nhóm đầu tiên tiếp tục sử dụng thuốc Zepbound trong khi nhóm còn lại sử dụng giả dược.
Đến tuần thứ 88, những người dùng giả dược đã tăng cân trở lại với mức tăng bằng 50% số cân đã giảm trước đó và trọng lượng cơ thể vào thời điểm đó thấp hơn 9,9% so với mức ban đầu. Trong khi đó, cân nặng sau 88 tuần của nhóm còn lại thấp hơn 25,3% so với mức ban đầu.
Tất cả những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu được khuyến khích tiêu thụ ít hơn 500 calo/ngày và tập thể dục trong ít nhất 150 phút/tuần.
Theo nghiên cứu này, các tác dụng phụ mà nhóm gặp phải bao gồm các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón và nôn mửa.
Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Louis Aronne, kết quả đã cho thấy bệnh nhân cần duy trì điều trị bằng thuốc để ngăn ngừa cân nặng tăng trở lại và đảm bảo giảm cân hiệu quả.
Nghiên cứu này cùng với 4 cuộc thử nghiệm trước đó cho thấy các loại thuốc, bao gồm cả thuốc chống béo phì mạnh như semaglutide, đã chứng minh tình trạng tăng cân trở lại sau khi người bệnh dừng điều trị.
Semaglutide là hoạt chất trong thành phần thuốc giảm cân Ozempic và Wegovy của Hãng Dược phẩm Novo Nordisk.
Tương tự như thuốc Zepbound, semaglutide là chất tương tự chất chủ vận thụ thể GLP-1, hoạt động bằng cách bắt chước chức năng của một loại hormone tiết ra insulin, làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, và ngăn chặn sự thèm ăn. Zepbound còn chứa một phân tử khác hoạt động giống như hormone đường ruột GIP.
Phản ứng mới nhất trước nghiên cứu trên, Hãng Dược phẩm Eli Lilly nhấn mạnh rằng bệnh béo phì là căn bệnh mãn tính, đòi hỏi việc điều trị liên tục và việc điều trị sẽ dừng lại cho đến khi người bệnh đạt được mục tiêu về cân nặng.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy chất chủ vận thụ thể GLP-1 có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch liên quan đến béo phì, song chúng cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về đường tiêu hóa.
Mặc dù tỷ lệ mắc các vấn đề nghiêm trọng như liệt dạ dày thấp, nhưng một số chuyên gia lo ngại rằng việc sử dụng thuốc giảm cân trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ có thể gây ra nhiều rủi ro hơn là lợi ích đối với bệnh nhân./.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+
Ngày cập nhật: 12/12/2023
https://www.vietnamplus.vn/canh-bao-nguy-co-phu-thuoc-lau-dai-vao-loai-thuoc-giam-can-chua-tirzepatide-post915177.vnp
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)