Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 9676
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Cảnh giác với hiểm họa xâm hại tình dục trẻ em (29/03/2017)

      Xâm hại tình dục trẻ em là người lớn tuổi hơn sử dụng quyền lực và sức mạnh, có thể là tiền bạc, vật chất, lợi dụng sự ngây thơ, lòng tin và sự tôn trọng của trẻ để ép buộc các em tham gia vào hành vi tình dục.

Những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng và báo động. Nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là dưới 14 tuổi. Nhiều em còn chưa đến tuổi đi học, thậm chí có em mới mấy tháng tuổi đã trở thành nạn nhân của những con thú đội lốt người. Nguy hiểm hơn, phần lớn thủ phạm có quan hệ quen biết với nạn nhân và gia đình các em: hàng xóm láng giềng, những người thân quen. Nhiều trường hợp còn là họ hàng và làm quen qua mạng Internet. Hầu hết các vụ xâm hại tình dục đều do gia đình thiếu quan tâm và buông lỏng quản lý con cái. Ngay cả các bé trai cũng là nạn nhân của những kẻ bệnh hoạn. Khi bị xâm hại tình dục, trẻ thường có những dấu hiệu như: Rối loạn giấc ngủ, sợ người lạ, ít nói, bỏ ăn, lầm lì … Cá biệt, có trẻ trốn nhà đi vì bị đe dọa hoặc lo sợ bị bố, mẹ đánh mắng. Về thể chất, trẻ bị xâm hại thường bị suy sụp sức khỏe, viêm nhiễm đường sinh sản, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV/AIDS, có thai… Không chỉ thế, tâm lý trẻ có thể khủng hoảng trầm trọng trong một thời gian dài.

Khi chẳng may trẻ bị xâm hại, phụ huynh cần báo ngay với cơ quan công an gần nhất. Đưa bé đến bệnh viện, thực hiện những xét nghiệm cần thiết để tố cáo thủ phạm. Trấn an và vỗ về để trẻ không lo sợ. Sau đó, chữa trị những vết thương về thể chất và giúp trẻ hồi phục tinh thần bằng những cách sau: Tuyệt đối không nhắc chuyện cũ. Luôn gần gũi, quan tâm, động viên và hướng trẻ đến với những hoạt động vui chơi lành mạnh. Sắp xếp để trẻ lúc nào cũng có người thân bên cạnh chăm sóc. Giải thích cho trẻ hiểu rằng đó là một tai nạn ngoài ý muốn và trẻ hoàn toàn không có lỗi. Đồng thời, hướng dẫn trẻ một số kỹ năng phòng vệ cần thiết. Nếu trẻ có biểu hiện bất ổn kéo dài, hãy đưa trẻ đến gặp chuyên viên tâm lý. Hãy bảo vệ con mình bằng những cách đơn giản sau: Tạo mối quan hệ thân thiết, gần gũi giữa cha và con trai, mẹ và con gái. Thường xuyên hỏi han, tâm sự cùng nhau, tạo cho con có thói quen kể hết mọi chuyện cho bố mẹ nghe. Nắm rõ lịch sinh hoạt của bé: Bé đi học mấy giờ về? Đi chơi ở đâu? Sang nhà ai chơi? Thời gian bao lâu? Nhà đó có những ai? …

Trang bị cho bé những kiến thức cơ bản. Phòng tránh xâm hại tình dục, phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức của bé, như: Khi không có cha, mẹ bên cạnh, không để ai vuốt ve, sờ soạng, ôm hôn… dù đó là người lạ hay người bé quen thân, quý mến. Sang nhà hàng xóm chỉ chơi ở phòng khách, không vào phòng riêng. Không tự ý nhận kẹo, bánh, tiền, quà vặt từ người khác. Khi được cho, phải hỏi xin ý kiến bố mẹ rồi mới nhận. Khi bị ai đe dọa, đánh, mắng, phải kể cho bố mẹ nghe…

Luôn quan sát và chăm sóc bé. Khi nhận thấy bé có biểu hiện khác thường, hãy khéo léo dò hỏi. Tránh làm bé hoảng sợ.

Đối với các cháu gái còn nhỏ không nên để các cháu đi chơi một mình, tiếp xúc với những người lạ, gia đình phải có biện pháp quản lý, trông coi các cháu như: canh giữ tại nhà hoặc gửi tại nhà trẻ, trường mẫu giáo …Cảnh giác với hiểm họa xâm hại tình dục trẻ em.  Cha mẹ không nên chủ quan với môi trường xung quanh, kẻo hối hận về sau.

 

Nguồn: Báo điện tử Hóc Môn