Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 982 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Cấy ghép nội tạng... in 3D (04/01/2018)
Nội tạng nhân tạo được tạo ra bằng công nghệ in 3D sinh học sẽ giải quyết bài toán thiếu hụt người hiến tạng.
Ngày 3/12 vừa qua đánh dấu 50 năm diễn ra ca phẫu thuật ghép tim đầu tiên trên thế giới. Ca phẫu thuật do bác sĩ Christian Barnard thực hiện ở Nam Phi năm 1967 đã mở ra một cuộc cách mạng cho ngành y học.
Kéo dài sự sống
Kể từ đó, bệnh nhân được ghép tim thường sống lâu hơn bình quân 17-20 năm. Trường hợp sống lâu nhất của bệnh nhân ghép tim là 36 năm. Ông Dimutna Albert, bác sĩ tim mạch khoa nhi và điều phối viên ghép tạng tại Bệnh viện Mẹ - Trẻ em Val-d›Obron ở TP Barcelona - Tây Ban Nha, cho đài Sputnik biết những con số này đã chứng minh cho sự tiến bộ đáng kể từ sau ca ghép tim người đầu tiên thành công.
Theo ông Albert, sự xuất hiện của các loại thuốc mới chống lại những căn bệnh truyền nhiễm và cấy ghép nội tạng đã giúp tăng đáng kể tỉ lệ sống cho bệnh nhân. Ngày nay, ghép tim cho những người dưới 65 tuổi bị bệnh cơ tim hay đau tim là cơ hội để họ được sống lâu hơn.
"Y học tiến bộ không ngừng. Tôi từng nói với bệnh nhân rằng khả năng sống cách đây 20 năm rất thấp. Bây giờ, họ có thể sống thêm 20 năm và sau 20 năm nữa, con số này có thể tăng lên 40 năm" - ông Albert dự báo.
Dù vậy, ông Roberto Canessa, bác sĩ tim mạch ở Uruguay, chỉ ra một trong những vấn đề đáng lo ngại là danh sách bệnh nhân chờ ghép nội tạng ngày càng nhiều do thiếu người hiến tặng. Nhìn chung, danh sách bệnh nhân cần cấy ghép nội tạng dài hơn danh sách những người sẵn sàng và có thể hiến tặng. Bởi lẽ, một số cơ quan chỉ có thể được hiến tặng sau khi người tình nguyện qua đời. Đơn cử, theo thống kê của Quỹ tim Anh (BHF), số bệnh nhân chờ được ghép tim ở nước này tăng 162% trong 10 năm qua. Theo báo Financial Times, chỉ có khoảng 200 ca ghép tim được thực hiện mỗi năm tại Anh, một con số hạn chế bởi nguồn cung thấp.
Nỗi lo trên có thể được giải tỏa phần nào nếu những dự báo của ông Stephen Westaby, chuyên gia tại Bệnh viện John Radcliffe ở TP Oxford - Anh, là đúng. "Tôi nghĩ rằng trong vòng 10 năm nữa, chúng ta sẽ không thấy thêm bất kỳ ca ghép tim nào, trừ những người mắc bệnh tim bẩm sinh cần được thay tim mới" - ông nói với tờ Telegraph.
Lý do để ông Westaby tin vào viễn cảnh này là sự tiến bộ không ngừng của công nghệ trong y học - có thể cung cấp những giải pháp thay thế giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc và cứu nhiều người hơn. "Sự kết hợp của máy tạo nhịp tim và các tế bào gốc có tiềm năng trở thành giải pháp có thể giúp nhiều người hơn" - ông Westaby kỳ vọng.
Công ty BIOLIFE4D (Mỹ) đang phát triển máy in sinh học cho phép tạo ra tim người dùng trong cấy ghép (Ảnh: BIOLIFE4D).
Bước tiến đáng kể
Tế bào gốc là một trong những tiến bộ y học nổi bật và đầy tiềm năng, dù gây không ít tranh cãi. Việc ứng dụng tế bào gốc lúc này có phần hạn chế do vấn đề đạo đức hơn là khoa học.
Những nghiên cứu về tế bào gốc đã chứng minh rằng có thể phát triển các cơ quan nội tạng trong phòng thí nghiệm, sau đó cấy ghép chúng vào cơ thể người. Bên cạnh đó, khoa học hiện đại cũng giúp tạo ra nội tạng nhân tạo bằng cách sử dụng một kiệt tác công nghệ khác: in 3D sinh học.
Những thành tựu đạt được cho đến giờ khá ấn tượng. Các nhà khoa học đã thành công trong việc in 3D sinh học một số cơ quan nội tạng... Những thành tựu này đạt được nhờ sự hoàn thiện không ngừng của mực sinh học và máy in 3D sinh học. Dù vậy, nhiều chuyên gia tin rằng vẫn còn quá sớm để nói về việc in tim bằng máy 3D.
"Các cơ quan khác, như gan, có thể tái tạo. Gan có thể tăng trưởng, do đó để cấy ghép, những phần gan nhỏ sẽ được cắt từ người mẹ hay cha, sau đó ghép vào cơ thể đứa trẻ. Công nghệ in 3D cũng có thể được sử dụng để tạo ra những bộ phận như thế. Tuy nhiên, với tim thì chưa thể" - bác sĩ Albert giải thích. Hiện nay, chỉ có những thiết bị cơ học gọi là "tim nhân tạo" có thể được sử dụng trong thời gian ngắn khi bệnh nhân chờ đợi được cấy ghép. Dù vậy, những thiết bị này cần được hoàn thiện nhiều nếu muốn giúp bệnh nhân sống lâu hơn.
Trong khi đó, triển vọng tạo ra một trái tim bằng công nghệ in 3D sinh học đang tăng dần theo thời gian. Công ty BIOLIFE4D (Mỹ) đang phát triển loại máy in sinh học cho phép các chuyên gia y tế và nhà khoa học in 3D tim người có thể được cấy ghép cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, BIOLIFE4D thừa nhận hiện chưa rõ về thời điểm thương mại hóa công nghệ này mà chỉ hy vọng mang tin vui đến lĩnh vực y tế trong vài năm tới. Họ cũng muốn bảo đảm công nghệ không chỉ dành cho người giàu mà bất kỳ ai cần cấy ghép tim.
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)