Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 4 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Văn hóa - Xã hội Nông thôn
Cha mẹ đừng bao bọc con quá mức (02/08/2018)
Lo sợ con không an toàn ngoài vòng tay mình là một trong những nguyên nhân khiến cho cha mẹ bao bọc con quá mức. Việc làm này không những không bảo vệ được con mà càng khiến chúng trở nên dựa dẫm và yếu ớt hơn.
Lý do chung của rất nhiều bậc cha mẹ khi làm mọi cách bao bọc hay làm thay trẻ mọi việc thường xuất phát từ nỗi sợ, khi họ nhìn đâu cũng thấy những nguy hiểm có thể đến với con. Từ việc sợ hãi đó, đã thúc đẩy họ cố gắng “úm” con mức cao nhất mong con được an toàn trong vòng tay mình.
Phụ huynh tưởng rằng khi “bao trọn” con trong vòng tay con có thể được an toàn, nhưng thật ra lại đang tước mất sức đề kháng để phòng ngừa, chống chọi với những khó khăn trong cuộc sống. Dựng lên bức tường thành vững chắc nhất để bao bọc con, cha mẹ đã cướp mất cơ hội để đứa trẻ biết ứng phó, nhận diện tốt xấu, xử lý các tình huống kể cả đơn giản nhất trong cuộc sống.
Và hiện nay, giáo dục gia đình đang rơi vào vòng luẩn quẩn: cha mẹ sợ hãi nên ra sức bảo vệ con. Khi được “ẵm”quá mức, trẻ lại càng yếu đuối, càng thiếu kỹ năng nên bố mẹ lại càng “siết”. Tình thương của bố mẹ đã vô tình đẩy con vào vùng nguy hiểm ngay trong vòng tay của mình. Đó là một trong những lý do trẻ em ở nước ta, đặc biệt ở các thành phố lớn cực kỳ thiếu các kỹ năng sống cơ bản, kỹ năng tự bảo vệ bản thân mà lỗi từ chính người lớn.
Vòng tay của phụ huynh càng siết chặt hơn khi lúc nào cũng có suy nghĩ con mình còn nhỏ, chờ con lớn hơn thì mới có thể cho con “bước vào đời”. Nhưng đứa trẻ chẳng thể nào lớn khi bị tách khỏi môi trường sống của chính nó, không được trải nghiệm, đối diện với cuộc sống. Thực ra, trang bị cho con các kỹ năng sống, bảo vệ mình là việc cha mẹ phải bắt tay khi con còn nhỏ, càng sớm càng tốt, chứ không phải khi mọi việc xảy ra rồi mới lo lắng, cuồng cuồng đi tìm cách “chữa cháy”.
Tuy nhiên, bên cạnh việc lo sợ con phải đối mặt với những hiểm nguy trong cuộc sống, theo các chuyên gia tâm lý, còn có nhiều lý do của việc phụ huynh bao bọc, cưng chiều con quá mức. Nhiều thế hệ cha mẹ Việt trải qua những khó khăn vì đời sống kinh tế trước đây, nên có tâm lý muốn con cái được bù đắp thật nhiều, không phải động tay động chân vào việc gì hết. Còn một nhận thức lệch lạc là, phụ huynh muốn làm hết thay con mọi việc để con dồn sức hết cho việc học, đáp ứng kỳ vọng của mình. Chưa kể, cha mẹ làm thay con những việc nhỏ nhất còn do bố mẹ thiếu kiên nhẫn, phương pháp khi chơi và giáo dục trẻ. Họ không tin tưởng ở con nên muốn tự mình làm mọi việc cho nhanh.
Ngoài các lý do trên thì trong vô thức, phụ huynh chúng ta mong rằng với sự chăm sóc, hy sinh tận tình của mình, con cái sẽ phải nhớ và đền ơn mình khi về già. Cách thể hiện “úm” con, hy sinh quá mức vì con là một tình thương vô cùng tai hại mà thường chỉ khi đã quá muộn, cha mẹ mới nhận ra.
Khi con trẻ vào đời, đi thi, lập gia đình, nghĩa là trẻ cần cuộc sống độc lập. Chúng ta không thể sống giùm trẻ, càng không thể lo mọi thứ cho trẻ để con cái ỷ lại và mất dần sự tự lập cũng như việc chịu trách nhiệm trước cuộc sống. Chính con trẻ biết mình cần gì, muốn gì, thích gì và chung sống với ai là phù hợp. Điều đó sẽ giúp con cái sống đúng nghĩa với hạnh phúc của mình. Con cái cần được tôn trọng. Sự tôn trọng này cũng là thương yêu.
Nguồn: Báo Dân trí
- Phân loại rác thải từ nguồn: ý thức người dân là quan trọng nhất (08/12/2021)
- Người dân hạn chế di chuyển khi F0 tăng nhanh (08/12/2021)
- “Tín dụng đen online” và nỗi ám ảnh trò “khủng bố” đòi nợ (29/11/2021)
- Làng nghề bánh đa Kinh Giao - nét văn hóa đặc trưng của thành phố biển Hải Phòng (27/10/2021)
- Cần có thêm “ranh giới” để nâng cao ý thức phòng, chống dịch (06/10/2021)
- Vui mừng nhưng không chủ quan (30/09/2021)