Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1327
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi (06/11/2019)

Cùng với việc chăm sóc sức khỏe vật chất, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần người cao tuổi rất cần thiết để người cao tuổi sống vui - khỏe - có ích cho gia đình và xã hội.

 

Hình ảnh minh họa.

Thực tế cho thấy, khi về già, người ta có xu hướng ít giao tiếp, ít nói chuyện với người xung quanh và cả những người thân bên cạnh mình. Trong đầu họ thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực về bệnh tật, cái chết, sự xa lánh của con cháu và người trong gia đình; về chuyện kinh tế hay những vấn đề hàng ngày của cuộc sống khiến sức khỏe tinh thần của người già không tốt, thường xuyên mệt mỏi, chán ăn.

Về già, con người thườngcó cảm giác cô đơn khi con cháu đi làm và đi học thường xuyên. Nếu không còn người bạn đời bên cạnh thì sự cô đơn càng rõ rệt và người già rất dễ bị trầm cảm, sống thu mình lại. Bên cạnh đó, tâm lý hoài niệm về quá khứ xuất hiện khi người già thường xuyên kể chuyện “ngày xưa”, thường đem so sánh với hiện tại và điều này có thể khiến con cháu không cảm thấy thoải mái, muốn tránh xa những câu chuyện đó và vô tình lại làm người già cảm thấy bị cô lập. Người già thường có cảm giác bi quan nếu có dấu hiệu của bệnh tật, bệnh càng nặng thì người già càng bi quan khi phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác và họ biết khả năng hồi phục của mình không còn được tốt như những người trẻ tuổi, lo lắng về một tương lai phải ngồi hoặc nằm một chỗ và không tự chủ được về sinh hoạt. Họ cũng thường dễ nóng nảy bởi tâm lý sợ mình đang làm phiền người khác, cảm giác tự ti hoặc bất lực khiến họ dễ cáu gắt khi được người khác chăm sóc, gây cản trở cho việc trợ giúp của người thân. Sự đa nghi cũng thường xuyên xuất hiện ở tinh thần người già do tâm lý khó tin người khác từ trước hoặc cũng có thể do lãng tai hoặc mờ mắt khiến họ dễ hiểu sai ý nói của người khác. Cùng với đó, người già thường tủi thân khi con cháu không quan tâm chăm sóc hoặc ít lại gần. Lúc này, người già dễ dẫn đến tâm lý buông xuôi, và dần thu mình lại một góc.

Theo các chuyên gia tâm lý, người cao tuổi hay nhớ quá khứ nên họ thường so sánh với hiện tại, điều này có thể khiến con cháu không thoải mái, muốn tránh xa những câu chuyện đó, vô tình làm người cao tuổi dễ bị tổn thương, tủi thân. Thậm chí có người bị trầm cảm, sống thu mình và mắc “tâm bệnh” - một trong số nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và các bệnh mạn tính như: tim mạch, tăng huyết áp...

Theo đó, nhu cầu của người người cao tuổi là nhận được sự lo lắng, chăm sóc của con cháu. Ngoài việc quan tâm, bổ sung dinh dưỡng thích hợp, người cao tuổi cần thời gian “giải độc” tinh thần. Người thân có thể dành một ít thời gian trò chuyện để người cao tuổi cảm nhận được sự quan tâm hơn, sống vui, sống khỏe trong những ngày tháng về già. Qua đó, góp phần hạn chế các dấu hiệu không tốt về sức khỏe tinh thần.

Chính tinh thần của người cao tuổi tốt, vui vẻ thì sẽ đẩy lùi được bệnh tật, cơ thể khỏe mạnh hơn. Người thân có thể khuyên người cao tuổi dành thời gian tập thể dục, vận động nhẹ nhàng, giảm bớt những suy nghĩ, âu lo về cuộc sống hay tham gia các các hội, nhóm để có thêm người tâm tình, bầu bạn. 

Nguồn: giadinh.net.vn