Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1458
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Chạp tổ đầu năm: Nét đẹp truyền thống (03/03/2014)

Tại xã Hùng Tiến (huyện Vĩnh Bảo), Nguyễn Đình là một trong những dòng họ lớn. Cuộc sống của con cháu trong họ giờ đã khấm khá, nhưng mọi người vẫn giữ nguyên ngôi nhà thờ cổ, giữ chứng tích nhằm giáo dục, răn dạy con, cháu thêm tự hào về truyền thống dòng họ.

Trở về từ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Đình Trường, thành viên trong dòng họ phấn khởi cho biết: “Đến ngày giỗ tổ họ, dù bận đến đâu, chúng tôi cũng cố gắng thu xếp về dự bởi đây là dịp gặp mặt đông đủ anh, em, con, cháu trong họ, được chuyện trò, ôn lại những năm tháng vất vả và thấy mình phải phấn đấu hơn nữa để làm vẻ vang dòng tộc. Năm nay, cùng với lễ cáo yết tổ tiên, chúng tôi tổ chức các cuộc thi pháo đất, chọi gà và hát chèo từ hôm trước. Con cháu sum họp có đến cả nghìn người rất vui vẻ và ấm cúng”.

Nguồn kinh phí tổ chức ngày giỗ tổ họ được lấy từ số tiền đóng góp của con cháu trong dòng họ (được gọi là quỹ họ), không phân biệt con trai hay con gái, những người đã lấy vợ, lấy chồng đều có trách nhiệm đóng góp. Con cháu đi làm ăn, công tác ở xa thì không quy định số tiền đóng, mà cho phép tùy tâm nhưng những người này thường đóng góp nhiều hơn với quan niệm tỏ lòng biết ơn tổ tiên, dòng họ đã “phù hộ” cho mình làm ăn phát đạt, thuận lợi. Cũng nhân những ngày lễ này, dòng họ thường có chương trình họp, tại đây 2 vấn đề lớn được quan tâm là tìm cách hỗ trợ suất đinh, gia đình trong họ còn khó khăn và bổ sung, xét tặng quỹ khuyến học cho con cháu đạt thành tích cao trong học tập.

Trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” luôn luôn được đề cao. Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tín ngưỡng thể hiện rõ truyền thống ấy. Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với công ơn các bậc sinh thành. Đối với người Việt, mối quan hệ huyết thống, thân tộc vô cùng quan trọng. Dù ở đâu, mỗi người đều luôn ý thức hướng về cội nguồn, tổ tiên, dòng họ. Lễ giỗ tổ tùy theo từng dòng họ nhưng ở đa số dòng họ lễ giỗ tổ diễn ra nhân dịp đầu xuân, ngày rộng, tháng dài, con cháu được nghỉ Tết, về quê thăm họ hàng, tham gia lễ chạp tổ, tưởng nhớ nguồn cội. Trong ngày lễ chạp tổ, con cháu các chi, ngành tập trung tại nhà từ đường. Tại đây diễn ra nhiều hoạt động, nghi lễ, như: dâng hương, hát chèo, tổ chức các trò chơi dân gian, họp mặt và liên hoan thân mật…

Theo Giáo sư Vũ Ngọc Khánh (Viện Văn hóa dân gian Việt Nam), những năm gần đây, các phong tục, nghi lễ văn hóa truyền thống ngày càng được toàn thể xã hội quan tâm, chú trọng. Nghi lễ gia đình, dòng họ cũng chính là di sản văn hóa phi vật thể, được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ cá nhân này đến cá nhân khác. Rất cần có phương án gìn giữ, lưu truyền để các thế hệ người Việt sau này có được cái nhìn đầy đủ về cội nguồn dân tộc.

Vấn đề đặt ra là cần có cách thức tổ chức nghi lễ vừa bảo tồn nét truyền thống, vừa phù hợp với xã hội hiện đại. Cách thức tổ chức cần bảo đảm đầy đủ ý nghĩa, mà không quá xa hoa lãng phí và phô trương, tạo ra sự đoàn kết giữa các dòng họ trong cộng đồng dân cư.

Nguồn: báo Hải Phòng