Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3908
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Châu Âu ‘bật đèn xanh’ cho thuốc Remdesivir trong điều trị COVID-19 (28/05/2020)

Ngày 18/5, Giám đốc Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) Guido Rasi cho biết trong những ngày tới, cơ quan này có thể bước đầu cho phép sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir của công ty dược phẩm Mỹ Gilead trong điều trị cho bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trước đó, EMA đã đề xuất sử dụng Remdesivir cho bệnh nhân COVID-19 dưới dạng thuốc cứu trợ khẩn cấp, theo đó cho phép sử dụng thuốc điều trị cho người bệnh ngay cả khi thuốc đó chưa được chính thức cấp phép.

Trong các nghiên cứu, thuốc này đã cho thấy hiệu quả khi ức chế sự phát triển của virus Corona gây bệnh tương tự như COVID-19, bao gồm Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Thuốc này được điều chế với mục đích ban đầu để điều trị virus Ebola, song không thành công.

Ảnh minh họa

Trước đó, Nhật Bản và Mỹ là hai nước đầu tiên cấp phép cho việc sử dụng thuốc Remdesivir để chữa trị cho bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang xem xét sử dụng loại thuốc này nếu chứng minh được sự hiệu quả và an toàn sau khi thử nghiệm lâm sàng.

“Cuộc đua” vaccine vẫn gay cấn

Trong một diễn biến liên quan khác, các nước trên thế giới vẫn tăng tốc nhằm tìm ra vaccine ngừa virus SARS-CoV-2.

Ngày 18/5, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Alok Sharma cho biết chính phủ nước này đã quyết định chi thêm 84 triệu bảng (102 triệu USD) để đẩy nhanh các nỗ lực thử nghiệm và sản xuất hàng loạt vaccine COVID-19, vốn đang được các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford tiến hành.

Ông Sharma nhấn mạnh Anh là quê hương của 2 trong số “những đơn vị tiên phong phát triển vaccine” trên thế giới, đó là Đại học Oxford và Đại học Hoàng gia London.

Trước đó, Chính phủ Anh cũng đã tài trợ cho 2 trường đại học này 47 triệu bảng để triển khai nghiên cứu vaccine.

Đầu tuần trước, Đại học Oxford đã triển khai tiêm liều vaccine thử nghiệm đầu tiên cho các tình nguyện viên. Trong khi đó, Đại học Hoàng gia London cũng đã lên kế hoạch tiến hành thử nghiệm theo 2 đợt, đó là vào tháng 6 và tháng 10 tới.

Bộ trưởng Sharma cho biết Đại học Oxford đã thông qua thỏa thuận với công ty dược phẩm toàn cầu AstraZeneca để thương mại hóa và sản xuất vaccine do trường này bào chế. Ông Sharma nêu rõ: “Điều này có nghĩa là nếu vaccine được phát triển thành công, AstraZeneca sẽ sản xuất 30 triệu liều cho Vương quốc Anh ngay từ tháng 9 tới như một phần của thỏa thuận cung cấp tổng cộng 100 triệu liều. Ngoài ra, các loại vaccine trên cũng có thể được cung cấp cho các nước đang phát triển với chi phí thấp nhất có thể”.

Chính phủ Anh cũng đã quyết định "bơm" thêm 93 triệu bảng để đẩy nhanh hoàn tất một trung tâm sản xuất và phát triển vaccine chuyên biệt vào năm 2021 - sớm hơn một năm so với kế hoạch. Trung tâm này đang được xây dựng ở Oxfordshire - miền Trung Nam nước Anh với mục tiêu sản xuất đủ vaccine phục vụ người dân Anh trong vòng 6 tháng.

Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học Moderna ở Mỹ cho biết vaccine phòng COVID-19 của họ đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong các cuộc thử nghiệm ban đầu.

Moderna cho biết từ giữa tháng 3 vừa qua, các chuyên gia đã tiến hành cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên với vaccine mang tên mRNA-1273. Trong nghiên cứu giai đoạn một, người tham gia được tiêm vaccine 3 lần với liều lượng khác nhau.

Kết quả cho thấy mức độ tăng liều lượng dẫn tới việc tăng chất kháng nguyên, tức là khả năng tạo ra một phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Vaccine này cũng được xác định là an toàn và có khả năng dung nạp tốt. Công ty dự kiến đưa mRNA-1273 vào thử nghiệm giai đoạn 2 từ tháng 7 tới.

Trước đó, ngày 16/5, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo cơ quan chức năng nước này đã cấp phép thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đối với loại vaccine phòng COVID-19 có tên Ad5-nCoV. Đây là sản phẩm phối hợp với một công ty sinh học của Trung Quốc phát triển.

Nhà lãnh đạo Canada nêu rõ nếu thử nghiệm thành công, quốc gia Bắc Mỹ này có thể tự sản xuất và phân phối vaccine phòng COVID-19 trong nước.

Ông Trudeau cũng cho biết Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Canada sẽ phối hợp với các nhà sản xuất vaccine trong nước sẵn sàng sản xuất loại vaccine này một khi thử nghiệm thành công.

Cơ quan Y tế Canada đến nay đã cấp phép thử nghiệm lâm sàng đối với 33 phương pháp điều trị hoặc chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Nguồn:baochinhphu.vn

Ngày cập nhật: 19/05/2020

http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Chau-Au-bat-den-xanh-cho-thuoc-Remdesivir-trong-dieu-tri-COVID19/395924.vgp