Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5641
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Chính sách tài chính xanh: Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị cho Việt Nam (20/09/2024)

Chính sách tài chính xanh là các chính sách, phương tiện, công cụ mà Nhà nước định hướng xây dựng, ban hành và ưu tiên để huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính từ nhiều thành phần kinh tế (Nhà nước, doanh nghiệp, người dân…) cho phát triển nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững.

Chính sách tài chính xanh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp một quốc gia đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc về KT-XH-MT. Việc phân loại các thành phần của chính sách tài chính xanh cho thấy, chính sách tài chính xanh bao gồm một phạm vi rất rộng về chính sách tài khóa xanh và chính sách phát triển thị trường tài chính xanh, chính sách phát triển thị trường bảo hiểm xanh. Mỗi công cụ chính sách đều có những ưu điểm nổi trội để xây dựng và thực hiện, theo đó đem lại hiệu quả hướng tới phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh trên nhiều phương diện.

Với mục tiêu nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chính sách tài chính xanh. Dựa vào đó rút ra bài học cho Việt Nam cũng như định hướng hoàn thiện và xây dựng các chính sách tài chính xanh trong thời gian tới. Năm 2022, Bộ Tài chính - Vụ hợp tác Quốc tế đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: Chính sách tài chính xanh: Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị cho Việt Nam do Thạc sĩ Mai Thị Lê Mai làm chủ nhiệm.

Triển khai đề tài nhóm nghiên cứu đã khái quát được cơ sở lý luận về chính sách tài chính xanh, trong đó nhấn mạnh chính sách tài khóa xanh, chính sách phát triển thị trường trái phiếu xanh, bảo hiểm xanh được thể hiện như sau:

Chính sách tài khóa xanh (CSTKX) là hệ thống chính sách, công cụ nhằm huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước cho mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh. Chính sách tài khóa xanh bao gồm: chính sách thuế, phí xanh và chính sách chi tiêu công xanh.

Mặc dù chưa có khái niệm cụ thể về chính sách phát triển thị trường trái phiếu xanh, nhưng theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, chính sách phát triển thị trường trái phiếu xanh là các chính sách, phương tiện, công cụ mà Nhà nước định hướng xây dựng, ban hành để thúc đẩy nhiều thành phần kinh tế (Nhà nước, doanh nghiệp, người dân…) tham gia thị trường trái phiếu xanh.

Bảo hiểm xanh theo nhóm nghiên cứu đưa ra là các chương trình, hoạt động, tiến trình, giải pháp bảo hiểm nhằm quản lý rủi ro, bảo vệ ngân sách hỗ trợ các hoạt động kinh tế xã hội phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Từ đó đóng góp tích cực vào phòng chống BĐKH, nâng cao khả năng phục hồi rủi ro sau thiên tai. Các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách tài chính xanh bao gồm: Vấn đề hội nhập, hợp tác quốc tế và các cam kết toàn cầu hướng tới bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; Yếu tố kinh tế - chính trị - xã hội - môi trường toàn cầu và từng quốc gia; Yếu tố thuộc về quá trình hoạch định và hiệu quả thực thi chính sách tài chính xanh.

Trong quá trình thực hiện đề tài nhóm nghiên cứu đã phân tích kinh nghiệm của nhiều quốc gia (gồm phát triển và đang phát triển) về Chính sách Tài chính xanh rút ra bài học cho Việt Nam cũng như định hướng hoàn thiện và xây dựng các chính sách tài chính xanh trong thời gian tới. Các quốc gia được nhóm đề tài lựa chọn để nghiên cứu gồm: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN.

Đối với chính sách tài khóa xanh: Có thể thấy rằng chính sách thuế nhằm thúc đẩy phát triển xanh ở các quốc gia khá đa dạng nhưng thường áp dụng đối với các đối tượng có tác động xấu đến môi trường (nguồn năng lượng/sản phẩm năng lượng, PTGT, hàm lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường, TNTN) thông qua việc đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “người sử dụng phải trả tiền”. Chi tiêu công xanh của các quốc gia chủ yếu ở khoản chi thường xuyên cho BVMT, trong đó phân loại các hạng mục chi “quản lý chất thải”, “quản lý nước thải”, “giảm ô nhiễm”, “bảo vệ đang dạng sinh học và cảnh quan”...

Đối với chính sách phát triển thị trường trái phiếu xanh: Các quốc gia thường thành lập các tổ tư vấn/ kỹ thuật về tài chính xanh/ trái phiếu xanh, hoàn thiện khung pháp lý để tạo thuận lợi cho tài chính xanh/ trái phiếu xanh. Các quốc gia cũng đưa ra các chính sách khuyến khích dành cho nhà phát hành trái phiếu xanh và nhà đầu tư trái phiếu xanh, thực hiện các đợt phát hành trái phiếu chính phủ xanh để tài trợ cho danh mục các dự án xanh đủ điều kiện, đồng thời tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế nhằm xây dựng các tiêu chuẩn chung và chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực và nhận thức của các thành viên thị trường.

Đối với chính sách bảo hiểm xanh: Các quốc gia phát triển và đang phát triển cho thấy có khoảng cách về năng lực,trong đó các quốc gia phát triển áp dụng các tiêu chuẩn cao về báo cáo ESG trong khi các quốc gia đang phát triển chưa có hoặc áp dụng trên cơ sở khuyến khích và tự nguyện. Các quốc gia cũng có chính sách tài chính và ưu đãi nhằm thúc đẩy bảo hiểm xanh. Một số quốc gia áp dụng cơ chế thử nghiệm với các sản phẩm bảo hiểm xanh sáng tạo. Ở cấp độ hợp tác khu vực ASEAN và EU, nhiều sáng kiến đã được các khu vực triển khai cho trái phiếu xanh và bảo hiểm xanh nhằm xây dựng các tiêu chuẩn chung, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực và hỗ trợ kỹ thuật.

Từ kết quả nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới nhóm đã tập trung phân tích thực trạng về chính sách tài chính xanh của Việt Nam trên các phương diện đã được đề cập phía trên.

Chính sách tài khóa xanh: Chính sách thuế, phí xanh đã được xây dựng, ban hành và triển khai trong thực tiễn nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và nhằm thúc đẩy sản xuất xanh, đầu tư xanh và tiêu dùng xanh; Phạm vi chi cho sự nghiệp BVMT được quy định khá rõ ràng, quy định về mua sắm công xanh được ban hành tạo nền tảng pháp lý quan trọng để lồng ghép các tiêu chí về môi trường trong quá trình thực hiện.

Ngoài những mặt đã đạt được nhóm nghiên cứu đã đưa ra những hạn chế còn tồn tại như: Mức thuế suất đối với nhiều loại sản phẩm, hàng hóa có hại cho môi trường vẫn còn khá thấp; hàng hóa gây ô nhiễm môi trường vẫn được tiêu dùng với khối lượng lớn; Chính sách phí BVMT đối với khí thải đã được quy định từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được áp dụng; chưa có quy định về việc sử dụng nguồn thu từ BVMT cho các mục đích chi cụ thể; Việc sử dụng kinh phí thường xuyên sự nghiệp BVMT còn dàn trải, chưa thật hiệu quả; Quy định pháp lý về mua sắm công xanh vẫn còn thiếu tính liên kết.

Chính sách trái phiếu xanh: Chính phủ Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu xanh. Cụ thể: Khung pháp lý phát triển thị trường trái phiếu xanh Việt Nam từng bước được hoàn thiện Việt Nam đã ban hành Các nội dung liên quan tới phát hành trái phiếu xanh như tính pháp lý của trái phiếu xanh, sử dụng nguồn tiền thu được từ trái phiếu xanh, công bố thông tin, v.v… đã được quy định cụ thể trong Điều 150 của Luật Bảo vệ môi trường 2022, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường; Một số chính sách ưu đãi cho thúc đẩy trái phiếu xanh đã được ban hành như Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 Thông tư số 101/2021/TT-BTC. Song song với đó, các tổ chức tài chính quốc tế cũng đang tích cực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Những hạn chế còn tồn tại: Thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam còn sơ khai do tín dụng ngân hàng và việc phát hành trái phiếu thông thường vẫn là kênh tài trợ chính cho nền kinh tế. Cho đến nay, Việt Nam chưa có đợt phát hành trái phiếu chính phủ xanh nào. Việt Nam vẫn còn thiếu quy định cụ thể về tiêu chí, nguyên tắc, tiêu chuẩn trái phiếu xanh và một số quy định khác mà nguyên nhân cơ bản của việc vẫn còn thiếu các quy định cụ thể liên quan đến trái phiếu xanh do đây là một nội dung còn khá mới mẻ, đòi hỏi các số liệu định lượng để đánh giá trước khi chính thức đưa vào các quy định pháp lý, cơ sở hạ tầng và cơ sở dữ liệu tại Việt Nam chưa hoàn thiện, gây khó khăn đáng kể cho việc ban hành các chính sách và quy định liên quan đến đo lường, đánh giá tác động. Các chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh để thúc đẩy các chủ thể tham gia vào thị trường trái phiếu xanh; Thị trường trái phiếu xanh còn thiếu mối liên kết cung cầu.

Chính sách Bảo hiểm xanh: Chính phủ đã quy định ở một số văn bản quy phạm pháp luật như: Theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg Ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.  Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 05/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp thực hiện đến năm 2030; Thị trường bảo hiểm đã ghi nhận một số sản phẩm bảo hiểm xanh như: Bảo hiểm nông nghiệp, Bảo hiểm rủi ro thiên tai, Bảo hiểm thuỷ sản…

Tuy vậy vẫn tồn tại những hạn chế như: Còn thiếu văn bản pháp lý qui định rõ, chi tiết về bảo hiểm xanh, phân loại bảo hiểm xanh để làm cơ sở pháp lý thúc đẩy sự phát triển bảo hiểm xanh tại Việt Nam; Thực thi bảo hiểm xanh như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản còn gặp khó khăn…

Trước bối cảnh và xu thế toàn cầu về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, các chính sách tài chính xanh càng cần phải được nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi bắt kịp tiến trình hướng đến phát triển bền vững. Do đó, nhóm nghiên cứu đưa ra các định hướng và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tài chính xanh cho Việt Nam trong thời gian tới, đó là:

Đối với chính sách tài khóa xanh: hoàn thiện chính sách thuế có định hướng hạn chế hành vi khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, hành vi sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường (bằng cách bổ sung thêm các loại tài nguyên vào đối tượng chịu thuế tài nguyên, các mặt hàng gây ô nhiễm môi trường vào danh mục đối tượng chịu thuế BVMT, thuế TTĐB và tăng thuế suất đối với số loại tài nguyên; điều chỉnh khung thuế suất thuế BVMT; mở rộng chế độ ưu đãi thuế TNDN đối với các doanh nghiệp có sử dụng các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sạch trong sản xuất sản phẩm…); hoàn thiện chính sách chi tiêu công xanh cho Việt Nam đến năm 2030 (chú trọng dành nguồn lực ngân sách khá lớn cho các hoạt động bảo vệ môi trường; đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước (huy động nguồn lực tài chính thông qua hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; huy động nguồn lực tài chính thông qua các định chế tài chính, hệ thống ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán như hình thành và lưu thông thị trường các bon và trái phiếu xanh,...;) trong đó tập trung rà soát và tạo lập thị trường tốt hơn cho khuyến khích tài chính đầu tư vào tăng trưởng xanh, hình thành thị trường vốn tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh để tăng nhanh nguồn lực đầu tư của xã hội, phát huy tiềm lực tài chính doanh nghiệp, trong dân và nước ngoài cho bảo vệ môi trường).

Đối với Chính sách phát triển thị trường trái phiếu xanh: Ban hành Bộ phân loại xanh của Việt Nam; miễn thuế liên quan đến lợi nhuận thu được từ đầu tư trái phiếu xanh, nhà đầu tư sẽ có xu hướng lựa chọn mua trái phiếu xanh thay vì trái phiếu thông thường; Việc phát hành trái phiếu xanh nên được thực hiện theo từng giai đoạn từ thí điểm đến chính thức. Trong thời gian thí điểm, cơ quan quản lý có thể kêu gọi tài trợ từ các tổ chức quốc tế và các nước tiên tiến.Tạo điều kiện hợp tác quốc tế về tài chính xanh/Trái phiếu xanh (duy trì sự tham gia tích cực vào tất cả các sáng kiến “xanh” trong các cơ chế hợp tác mà Việt Nam là thành viên bởi bối cảnh toàn cầu hiện nay đòi hỏi các quốc gia phải giữ đà đạt “mục tiêu xanh”với tốc độ nhanh hơn và chủ đề tài chính xanh sẽ tiếp tục được đưa vào chương trình nghị sự của kênh tài chính ASEAN, ASEAN+3, APEC, V20).

Đối với Chính sách phát triển thị trường bảo hiểm xanh: Nhóm đề tài đã đề ra lộ trình, kế hoạch hành động phát triển bảo hiểm xanh/bảo hiểm bền vững tại Việt Nam Lộ trình mô tả các quan hệ đối tác và khuyến nghị phát triển các khái niệm. Lộ trình đưa ra các mục tiêu xanh, kết quả đầu ra, và các mốc thời gian thực hiện; Có các hướng dẫn, nguyên tắc, quy tắc và chuẩn mực cho thị trường để thúc đẩy bảo hiểm xanh, bảo hiểm bền vững Đưa ra các yêu cầu từ mức độ khuyến khích, tự nguyện đến mức độ bắt buộc (“comply or explain” basis to compulsory basis) trong các hoạt động của các công ty bảo hiểm; các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo hiểm trong phát triển sản phẩm bảo hiểm mới, sáng tạo, tạo điều kiện cho các dự án thí điểm hợp tác nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển chính sách bảo hiểm để phù hợp với sự gia tăng tác động của rủi ro khí hậu; Tham gia vào các tổ chức quốc tế, trao đổi kinh nghiệm.

Kết quả của đề tài sẽ rút ra bài học cho Việt Nam cũng như định hướng hoàn thiện và xây dựng các chính sách tài chính xanh trong thời gian tới  gắn với việc xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030 cũng như các cam kết quốc tế về phát triển bền vững. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ./.