Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5390
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Chợ quê còn lại chút gì! (24/02/2020)

Dường như chẳng ai có thể nhớ chợ quê mình sinh ra từ lúc nào, nhưng có điều chẳng thể quên, chợ quê là trung tâm văn hóa của cộng đồng. Chợ là hồn của quê.

Miết mải với vòng xoay cuộc sống nơi thành thị, cuốn mình vào những con đường đông chặt như nêm; những siêu thị, trung tâm thương mại sạch bong, mát lạnh khiến không ít người quên đi khái niệm thời gian, cứ để nó thoáng qua và biến mất, cuốn theo bao kỷ niệm. Nhưng một ngày, trong tâm khảm, những ký ức êm đềm, khắc sâu về một làng quê thanh bình với những phiên chợ quê mỗi sớm mai lại làm tâm hồn xao xuyến.

Chợ Cau làng Lý Nhân, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Nhiều, còn nhiều những phiên chợ quê mộc mạc chỉ có vài mái tre, mái lá. Người địa phương vẫn chờ được đi chợ như đi lễ hội, họ đến chợ không chỉ để bán, mua mà hơn thế là bởi nhu cầu gặp gỡ, giao lưu văn hoá và cố kết nghĩa tình, trao gửi tình cảm nồng thắm và có cả những nuối tiếc của những chàng trai, cô gái… với những nét rất riêng mang yếu tố vùng, miền, mang dấu ấn đặc sắc gắn với lịch sử và đời sống tâm linh của đồng bào.

Dù còn mang tính tự cấp, tự túc nhưng chợ quê không vì thế mà đơn điệu, lạc lõng với cuộc sống thường ngày. Hàng hoá nơi chợ quê đơn giản nhưng phong phú lắm, từ mớ rau, củ khoai trong vườn nhà hay con gà, con vịt nhà nuôi, con cá, lọ tương, mắm muối, vải vóc, áo quần, những nông cụ gắn bó với cuộc sống sản xuất hàng ngày. Chợ quê còn đặc biệt bởi không thể thiếu những món quà vặt giản dị như xôi, chè, ngô nướng, bánh đa quê vừa túi tiền, ai ưng thì mua về làm quà hay cứ ngồi xuống ăn thoải mái. Buổi chợ toát lên cái giản dị, dân dã, mộc mạc, thân quen và tự nhiên như tâm hồn, bản tính người Việt.

Nhưng, cùng với sự phát triển kinh tế, chợ quê giờ không còn nhiều như trước, đâu đó, nó đang dần mai một và có dấu hiệu lu mờ. Những trung tâm thương mại, những chợ huyện, chợ trung tâm xã được đầu tư xây dựng mới khang trang với bê tông sắt thép. Hàng quán ngang bằng, xổ thẳng khô khan cùng loa đài, ánh sáng trang hoàng hơn đám cưới mọc lên khắp nơi. Công bằng mà nói, đó cũng là mong đợi của mọi người. Hình như cũng vì thế mà người đi chợ, dù là chợ quê, ngày nay cũng khác, họ như vội vã hơn, lạnh nhạt hơn khi "tiền trao, cháo múc", dù cạnh họ vẫn là người làng, vẫn bà bác, ông chú trong họ...

Ngày nay, tìm về không gian của những phiên chợ quê không còn là thói quen của nhiều người. Nhưng có lẽ, đối với những người dân quê, phiên chợ quê vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa với những hình ảnh mộc mạc, gần gũi, thân quen và là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa của vùng miền cần được bảo tồn và phát huy.

Nguồn:congthuong.vn