Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 44286 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Văn hóa - Xã hội Nông thôn
Của cho không bằng cách cho (27/07/2021)
Tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn là truyền thống quý báu, tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Vì thế, mỗi khi có đồng bào lâm vào hoàn cảnh khó khăn hay gặp hoạn nạn, nhiều nhà hảo tâm chung tay động viên, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Thế nhưng, từ thực tế hoạt động nhân đạo, cứu trợ diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước cho thấy, do một số nhà hảo tâm chưa nhận được thông tin kịp thời, đầy đủ, chưa thật sự tin tưởng chính quyền, đoàn thể sẽ hỗ trợ làm tốt việc này, nên tự kêu gọi, tự tổ chức trao tặng. Vì thế, có trường hợp hàng hoá, lương thực, thực phẩm… hỗ trợ chưa thực sự thiết yếu với bà con, chưa đúng người, cách trao tặng có phần chưa thật sự “tế nhị”. Trong khi, địa phương vì lực lượng mỏng, chưa có kinh nghiệm trong tổ chức tiếp nhận cũng như trao tặng tấm lòng của các “Mạnh Thường Quân” tới tân tay người dân, nên còn khiếm khuyết. Người nhận “tủi thân” trong khi người tặng không thật sự hài lòng.
Từ thực tế trên, ngay sau khi địa phương xuất hiện ca nhiễm Covid-19, UBND huyện Vĩnh Bảo chủ động thành lập Tổ tiếp nhận ủng hộ, phòng chống dịch bệnh Covid-19 do một đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng. Tổ có nhiệm vụ tiếp nhận, tham mưu với UBND huyện quản lý, sử dụng các khoản ủng hộ công khai, minh bạch, kịp thời, đúng người. Để đảm bảo an toàn trong hoàn cảnh dịch bệnh lây lan, toàn huyện thực hiện giãn cách xã hội, đối với các khoản ủng hộ trong huyện, Tổ tiếp nhận tại trụ sở UBND huyện. Ủng hộ từ các đơn vị, nhà hảo tâm, ngoài huyện, tiếp nhận tại khu vực chân cầu Quý Cao. Với những khoản ủng hộ ghị rõ trường hợp người nhận, UBND huyện Vĩnh Bảo nhanh chóng chuyển tới trường hợp đó. Còn lại, phân bổ theo thực tế và đề xuất của các địa phương, lực lượng chức năng. Hàng ngày, tổ tiếp nhận công khai các khoản ủng hộ cũng như phân bổ các khoản này trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội zalo, facebook. Nên đến nay, chưa có bất cứ “phàn nàn” nào của người tặng và người nhận.
"Của cho không bằng cách cho" và cả cách nhận, cách phân phối nữa. Cách làm của huyện Vĩnh Bảo cho thấy, nếu trên địa bàn xảy ra thiên tai, dịch bệnh…, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội địa phương cần sớm thông tin tình hình thực tế, những khó khăn, nhu cầu của người dân tới các “Mạnh Thường Quân”. Đồng thời, chủ động lên phương án, tổ chức tiếp nhận, phân bổ tiền, hiện vật ủng hộ đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng người. Có như vậy, hoạt động cứu trợ mới phát huy đầy đủ ý nghĩa, hiệu quả cao, cả người tặng và người nhận đều hài lòng./.
Nguồn: Báo Hải Phòng
- Phân loại rác thải từ nguồn: ý thức người dân là quan trọng nhất (08/12/2021)
- Người dân hạn chế di chuyển khi F0 tăng nhanh (08/12/2021)
- “Tín dụng đen online” và nỗi ám ảnh trò “khủng bố” đòi nợ (29/11/2021)
- Làng nghề bánh đa Kinh Giao - nét văn hóa đặc trưng của thành phố biển Hải Phòng (27/10/2021)
- Cần có thêm “ranh giới” để nâng cao ý thức phòng, chống dịch (06/10/2021)
- Vui mừng nhưng không chủ quan (30/09/2021)