Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 39221
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Cúng Tết “ông Công, ông Táo”- nét đẹp văn hóa và những vấn đề đặt ra (25/01/2016)

Đã thành thông lệ, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, không khí mua sắm đồ cúng tiễn ông Táo về trời rất nhộn nhịp, trong đó một số sản phẩm rất hút hàng và giá tăng cao. Bên cạnh những mặt hàng mã, thì cá chép, cá vàng là một trong những đồ lễ không thể thiếu của mỗi gia đình vào ngày này.

Theo quan niệm truyền thống của người Việt, ngày Tết ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp là một trong những ngày Tết quan trọng nhất trong năm. Theo tín ngưỡng cổ truyền, ngày này hàng năm, Táo quân cưỡi cá chép vàng về trời báo cáo với Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn của gia đình dưới hạ giới trong năm qua. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều làm lễ, làm cơm để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đốt vàng mã gồm quần áo, mũ hài cũng trở thành truyền thống trong dịp này. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước. Ngày ông Táo về chầu trời được xem là ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Thả cá phóng sinh đã thành nét văn hóa tâm linh của người Việt.

Kinh tế phát triển, “phú quí sinh lễ nghĩa”, những năm gần đây ở một số nơi, một số gia đình, lễ tiễn “ông Công, ông Táo” về trời cũng biến thái nhuốm màu mê tín dị đoan. Người ta không chỉ cúng lễ cá chép mà đi kèm theo là các sản phẩm vàng mã với nhà lầu, xe hơi... đủ chủng loại. Để mua những mặt hàng đó, khách hàng phải bỏ ra từ vài trăm cho đến hàng triệu đồng, thậm chí có gia đình còn bỏ ra hơn chục thậm chí là trăm triệu đồng để sắm vàng mã cúng theo ông Táo!

Vàng mã, cá chép, cá vàng là một phần lễ quan trọng của mỗi gia đình Việt, nhưng thiết nghĩ việc bỏ ra một khoản tiền lớn để sắm các vật dụng cho “cõi âm” cúng, lễ xong rồi đem đốt, gây lãng phí rất lớn tiền của, bên cạnh đó nó còn ẩn chứa nhiều hiểm họa cháy nổ do việc hóa vàng gây ra.

Thực tế cho thấy, sau ngày phóng sinh cá “ông Công, ông Táo”, các ao hồ, sông ngòi đã trở thành những bãi rác bởi những người dân thiếu ý thức. Sau khi thả cá, nhiều người để lại rác, túi nilon, tro bụi từ đốt vàng mã gây phản cảm và ô nhiễm môi trường. Nên chăng, bên cạnh một tập quán đẹp mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân cần ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường quanh ta xanh tươi và sạch đẹp, vừa thực hành tiết kiệm, vừa tạo nét văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, góp phần hạn chế lãng phí, thái quá trong việc mua sắm cúng “ông Công, ông Táo” mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Nguồn: PV tổng hợp