Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5534
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Cùng trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng (13/03/2018)

           Ngày 2/4 hàng năm là ngày thế giới nhận biết về tự kỷ. Hiện nay vẫn tồn tại nhiều quan niệm không đồng nhất, những cách hiểu không chính xác về tự kỷ cũng như những ứng xử không phù hợp với những người mắc hội chứng này. Chưa có loại thuốc nào có thể chữa dứt hẳn bệnh tự kỷ. Liều thuốc hữu hiệu nhất là sự chung tay của toàn xã hội, giúp trẻ tự kỷ có thể phát triển chức năng tốt hơn và hoà nhập với cuộc sống.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Chuyên khoa tâm lý lâm sàng Nhi cho biết về dấu hiệu đầu tiên của chứng tự kỷ: Dấu hiệu đầu tiên là khi kêu tên, trẻ không quay mặt lại, hoặc không nhìn thẳng mặt. Một trẻ 1 tuổi bình thường, biết chỉ bằng ngón trỏ, người tự kỷ thì không biết chỉ mà chỉ nắm tay mẹ rồi kéo. Một dấu hiệu nữa là trẻ hay la hét, chậm nói hoặc không biết nói.

Như vậy, dấu hiệu đầu tiên mà các bậc cha mẹ có thể nhận biết con mình có khả năng mắc chứng tự kỷ là sự giao tiếp khó khăn của trẻ. Đó là trẻ không cười, không nhìn vào mắt người đối diện, không có tương tác với người chăm sóc. Bên cạnh đó, trẻ thường nói những từ ngữ không có nghĩa, hay gầm gừ, la hét. Trẻ tự kỷ thường có những hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại như lắc lư người, đập đầu, chuyển đồ chơi từ tay này qua tay khác liên tục… Nếu chúng ta thay đổi những thói quen đó của trẻ, lập tức trẻ phản ứng mạnh mẽ như cào cấu, la khóc để chống lại.

Hầu hết các bậc cha mẹ khi phát hiện con mình mắc bệnh tự kỷ đều có tâm trạng rất hoảng loạn và mong muốn tìm biện pháp để chữa trị bệnh cho con nhanh chóng. Tuy nhiên khác với các chứng bệnh khác, để điều trị bệnh tự kỷ cho con, bạn cần phải kiên nhẫn tìm hiểu, từ đó có kết hợp với cách biện pháp chữa trị hợp lý.

Hiện chưa có thuốc để chữa tự kỷ. Nhưng chúng ta có những phương pháp giáo dục, phương pháp tâm lý giúp đứa trẻ phát triển theo năng lực của mình. Trẻ em bây giờ tiếp xúc với tivi, điện thoại di động còn nhiều hơn tiếp xúc với cha mẹ. Vì vậy trẻ không có dịp để giao tiếp. Cha mẹ nên phát hiện sớm và dành thời gian chơi với con. Đối với xã hội thì đừng kỳ thị với người tự kỷ… Liều thuốc hữu hiệu nhất là sự chung tay của toàn xã hội, giúp trẻ tự kỷ có thể phát triển chức năng tốt hơn và hoà nhập với cuộc sống. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian và kiên nhẫn nói chuyện với con. Khi cha mẹ gần gũi, trò chuyện, trẻ sẽ mất dần suy nghĩ ngại ngùng sợ sệt trong giao tiếp. Đó chính là liệu pháp về giao tiếp.

Hoà nhập xã hội là một điều vô cùng cần thiết đối với trẻ tự kỷ. Mỗi người chúng ta nên suy nghĩ rằng, trẻ tự kỷ là một đứa trẻ bình thường, chúng hoàn toàn có thể thay đổi được bằng cách giáo dục về giao tiếp và hành vi. Đưa trẻ đến trường giáo dục chuyên biệt là một cách giúp trẻ hoà nhập với môi trường xã hội.

Điều trị bệnh cho trẻ tự kỷ là một giai đoạn rất khó khăn, cần sự kiên nhẫn của phụ huynh và sự chung tay của nhà trường, xã hội. Nếu được phát hiện, chẩn đoán và can thiệp sớm một cách bài bản, hợp lý và kiên trì thì trẻ có thể tiến bộ tốt, hòa nhập một cách tương đối trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.

 

Nguồn: Báo Lao động