Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 33092
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Đại học Harvard phát triển vaccine di động không cần bảo quản lạnh (28/09/2016)

Thay vì phải bảo quản lạnh vaccine vốn tốn điện, phức tạp và đòi hỏi yêu cầu khắt khe, bây giờ người ta chỉ bảo quản nguyên liệu thô trực tiếp tạo ra thuốc hoặc vaccine, sau đó khi cần sử dụng thì đơn giản là cho nước vào là đã có thể tiêm cho bệnh nhân. Với tên gọi "kỹ thuật sản xuất sinh học phân tử di động", kỹ thuật thuật bào chế và bảo quản thuốc nói trên được phát triển bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard, hứa hẹn sẽ giúp đưa các loại thuốc về tới những khu vực xa xôi hẻo lánh, cho các vùng nghèo một cách đơn giản và an toàn hơn.

Bộ sản phẩm vaccine hoặc thuốc di động của Harvard bao gồm 2 thành phần chính: một chiếc hộp chứa những loại hóa chất thành phần để tổng hợp ra sản phẩm cuối cùng và một chiếc hộp khác chứa "DNA hướng dẫn" với nhiệm vụ cho biết cần phải sử dụng những loại hợp chất nào để tạo ra loại thuốc mong muốn. Khi trộn 2 thành phần này lại với nhau và thêm nước vào là người ta đã có loại thuốc để sẵn sàng tiêm cho bệnh nhân. Nhóm nghiên cứu cho biết tất cả các dạng thuốc đều có thể được tạo ra bằng cách này, bao gồm cả thuốc chích ngừa uống ván, cảm cúm, vaccine chống lại các bệnh dịch bùng phát và cả những peptide kháng sinh để điều trị vết thương hở,...

Bộ sản phẩm bào chế vaccine hoặc thuốc tại chỗ của Đại học Harvard​.

Trong nghiên cứu, nhóm đã thử áp dụng cách làm trên để bào chế vaccine chống bệnh bạch hầu. Mặc dù đây là một loại vaccine khá cơ bản nhưng thử tưởng tượng ở những khu vực xa xôi hẻo lánh, không có trung tâm y tế, không có phương tiện làm lạnh hoặc thậm chí là không có nguồn điện thì hóa ra mỗi liều vaccine lại vô cùng đáng giá. Thường thì các loại thuốc như thế này cần phải được bảo quản lạnh liên tục trong suốt chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên lần này thì biện pháp bảo quản nguyên liệu, bào chế khi dùng lại có thể giải quyết được vấn đề.

Nhà nghiên cứu Keith Pardee tại Đại học Toronto, cũng là một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: "Cách tiếp cận này có thể được áp dụng không đòi hỏi quá nhiều kiến thức đào tạo, góp phần hỗ trợ cho các bác sĩ ở vùng sâu vùng xa hoặc nơi không có điện". Được biết trước đây nhóm này cũng từng phát triển một hệ thống tổng hợp tế bào di động và kết quả là các hệ thống cực kỳ ổn định, có thể tồn tại ít nhất là một năm tại nhiệt độ phòng, lại rất rẻ để sản xuất.

Thống kê từ tổ chức y tế thế giới WHO cho biết có hơn 1 nửa người trên thế giới đang sống tại những khu vực nông thôn và mặt khác riêng trong năm ngoái, có hơn 20 triệu đứa trẻ sơ sinh không được tiêm chủng ngừa bệnh sởi. Do đó, nghiên cứu lần này nếu được hoàn thiện và cấp phép sẽ có thể giúp ích được cho rất nhiều khu vực xa xôi hẻo lánh, các nước nghèo hoặc đang phát triển. Đồng thời, nó còn có thể được trang bị cho cả các phi hành gia trên không gian hay thậm chí là cả những người lên sao Hỏa định cư trong tương lai.

Nguồn: khoahoc.tv (Theo Tinh tế)