Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 31994 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Đánh giá hiện trạng hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của địa phương (16/10/2024)
Thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ là một giải pháp quan trọng nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN ở các địa phương chủ yếu tập trung thông qua hoạt động của hệ thống Trung tâm có chức năng ứng dụng chuyển giao công nghệ thuộc Sở KH&CN các tỉnh/thành phố, với chức năng là đầu mối thực hiện hoạt động triển khai, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN tại địa phương. Hệ thống Trung tâm này hoạt động khá hiệu quả, Trung tâm có vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn, cầu nối và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương, phục vụ đời sống dân sinh, không vì mục tiêu lợi nhuận, là đầu mối cung cấp thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, Trung tâm chưa làm chủ được nhiều công nghệ để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu, đặc thù của Trung tâm dẫn đến chưa chủ động được trong quá trình ứng dụng, nhân rộng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào đời sống, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp, người dân về ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Do vậy, để làm rõ hiện trạng hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN của các địa phương; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất được giải pháp để nâng cao hiệu quả tổ chức, triển khai hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN tại các địa phương trong thời gian tới Văn phòng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ triển khai đề tài Đánh giá hiện trạng hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của địa phương do ThS Nguyễn Đức Thắng làm chủ nhiệm.
Nhóm nghiên cứu đã làm rõ nội đung về cơ sở lý luận về ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ; Vai trò của ứng dụng khoa học công nghệ trong sự phát triển kinh tế - xã hội; Kinh nghiệm quốc tế về hoạt động ứng dụng công nghệ tiến bộ KH&CN của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Qua phân tích kinh nghiệm trong hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của nhiều nước trên thế giới, nhóm nghiên cứu thấy rằng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời điểm mà mỗi nước sẽ có những chính sách để phát triển hoạt động ứng dụng khác nhau và hướng ưu tiên khác nhau (Nhật Bản sau giai đoạn chiến tranh lại ưu tiên ứng dụng các công nghệ nhập khẩu sau đó tiến hành đồng hóa những công nghệ này thành công nghệ bản địa; Trung Quốc thì tập chung vào bảy lĩnh vực là công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin, công nghệ laser, tự động hóa, công nghệ năng lượng và công nghệ vật liệu mới.; Chính phủ Hàn Quốc lại trú trọng đến việc nhập khẩu công nghệ và ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp quan trọng). Từ kinh nghiệm kinh nghiệm trong hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của nhiều nước trên thế giới, nhóm nghiên cứu rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam đó là: Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời điểm mà mỗi nước sẽ có những chính sách để phát triển hoạt động ứng dụng khác nhau và hướng ưu tiên khác nhau nhưng Điểm chung giữa các quốc gia này là đều gắn phát triển công nghệ với các ngành công nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong đổi mới sáng tạo.
Kinh phí hoạt động sự nghiệp khoa học và công nghệ của các Trung tâm giai đoạn 2016-2020.
Từ nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã phân tích, đánh giá được hiện trạng hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN tại các địa phương giai đoạn 2016-2020 như sau:
Thứ nhất, về cơ chế, chính sách: (1) Hành lang pháp lý phục vụ cho hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN ở địa phương cơ bản đã đầy đủ. Ngoài ra Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế xã hội, với một trong các giải pháp quan trọng là đầu tư, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN ở các địa phương, vùng; (2) Hiện nay có 35/63 địa phương (tỉnh/thành phố) đã ban hành các chính sách (Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND, Quyết định của Chủ tịch UBND) để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trên địa bàn của mình quản lý với hình thức hỗ trợ thông qua nhiệm vụ KH&CN và mức kinh phí hỗ trợ từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng.
Về hệ thống bộ máy: (1) Tại địa phương hoạt động quản lý và triển khai hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN địa phương được UBND tỉnh, thành phố giao cho Sở KH&CN là đầu mối, ngoài ra còn có Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (2) Đơn vị thực hiện nhiệm vụ tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN ở địa phương là hệ thống các Trung tâm Ứng dụng, ngoài ra có có hệ thống Trung tâm khuyến công và Trung tâm khuyến nông; (3) Hệ thống các Trung tâm Ứng dụng, Khuyến Công và Khuyến Nông đã thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng tiến bộ KH&CN ở địa phương khá hiệu quả và dần đi vào ổn định, tuy nhiên hiện nay hệ thống các Trung tâm này đang trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết 19 của Trung ương, điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN ở các địa phương do Trung tâm thực hiện.
Thứ hai về nguồn lực: Nguồn nhân lực: (1) Trung tâm Ứng dụng thuộc Sở KH&CN (cấp tỉnh có khoảng 1.600 nhân lực); (2) Trung tâm Khuyến công ở cấp tỉnh có khoảng 1.300 nhân lực, cấp huyện, xã có khoảng 6.000 nhân lực; (3) Trung tâm khuyến nông ở cấp tỉnh có hơn 3.000 nhân lực, cấp huyện hơn 4.000 nhân lực. Nhìn chung đội ngũ cán bộ, viên chức của hệ thống các Trung tâm Ứng dụng địa phương còn thiếu về số lượng và một số nơi còn yếu về chất lượng; Nguồn kinh phí: (1) Giai 2016-2020 các địa phương đã bổ chí khoảng 13.000 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng; (2) Kinh đầu tư phát triển (chủ yếu để xây dựng trụ sở và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị sự nghiệp) giai đoạn 2016-2020 tại các địa phương khoảng 11.400 tỷ đồng; (3) Tổng kinh phí hoạt động sự nghiệp KH&CN của các Trung tâm Ứng dụng có rất hạn chế, chỉ chiếm 5,4% so với kinh phí sự nghiệp KH&CN ở các địa phương; Cơ sở vật chất, trang thiết bị: Việc đầu tư nâng cao tiềm lực cho Trung tâm Ứng dụng tại các địa phương vẫn còn đang chú trọng nhiều vào phần xây dựng cơ bản (trụ sở làm việc, nhà xưởng, trại thực nghiệm…), phần này chiếm khoảng 40% kinh phí, trong khi việc đầu tư sâu nâng cấp các hạng mục máy móc, trang thiết bị kỹ thuật cho các trung tâm Ứng dụng mới chiếm khoảng 60%. Đây cũng là nguyên nhân làm hoạt động của Trung tâm Ứng dụng chưa thực sự đạt hiệu quả tối ưu so với kỳ vọng.
Thứ ba về kết quả triển khai hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN tại các địa phương: (1) Về thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia: Giai đoạn 2016- 2020, Bộ KH&CN đã hỗ trợ các địa phương triển khai được trên 700 nhiệm vụ thuộc các chương trình KH&CN quốc gia, trong đó chủ yếu (hơn 90%) từ chương trình Đổi mới công nghệ, Nông thôn miền núi và KC; 2.732 nhiệm vụ KH&CN các cấp (cấp tỉnh, cấp cơ sở). Các nhiệm vụ tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương; (2) Giai đoạn 2016-2020, đã có 35/63 địa phương thành lập Quỹ Phát triển KH&CN. Tuy nhiên hoạt động Quỹ Phát triển KH&CN còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế còn nhiều bất cập, nguồn kinh phí thấp, hoạt động chủ yếu vẫn chỉ là hỗ trợ, tài trợ cho các nhiệm vụ KH&CN ở dạng nhỏ, lẻ; hoạt động cho vay còn hạn chế, khả năng thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn; Về xây dựng Cơ sở dữ liệu về công nghệ: Giai đoạn 2016-2020, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã tìm kiếm và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cung công nghệ với 2.480 nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước phù hợp theo nhu cầu doanh nghiệp; các Điểm kết nối cung cầu công nghệ đã tìm kiếm và cung cấp thông tin khoảng 2311 nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước; Hiện trạng hoạt động nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ của các Trung tâm Ứng dụng địa phương: Giai đoạn 2016 – 2020, các Trung tâm đã làm chủ được 357 công nghệ, xây dựng và chuyển giao được gần 400 mô hình công nghệ với tổng kinh phí xây dựng là 100 tỷ đồng; Thực hiện 840 nhiệm vụ KH&CN với kinh phí gần 800 tỷ đồng; doanh thu các trung tâm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt 10.042 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.921 tỷ đồng tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân khoảng 7-10%/năm, tỷ lệ tăng lợi nhuận từ 5-7%/năm; Hoạt động kết nối cung- cầu công nghệ: (1) Hỗ trợ kết nối 130 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp với giá trị ký kết hơn 1.757,7 tỷ đồng, tỷ lệ các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác triển khai thực hiện sau ký kết đạt 45,3%; (2) Điểm kết nối cung cầu công nghệ đã tổ chức hơn 4.000 cuộc kết nối bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến, hơn 200 đoàn tham quan, tiếp đón hơn 10.000 lượt khách, hơn 20 ký kết hợp tác được ký, 40 hợp đồng chuyển giao công nghệ với giá trị hơn 40 tỷ đồng; Nắm bắt nhu cầu công nghệ: (1) Giai đoạn 2018-2019 các Sở KH&CN địa phương có nhu cầu hợp tác chuyển giao công nghệ từ Hoa Kỳ với: 73 công nghệ; 62 nhu cầu đào tạo; (2) các Trung tâm Ứng dụng hằng năm có khoảng hơn 100 nhu cầu về công nghệ.
Bên cạnh kết quả đánh giá thực trạng hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN tại các địa phương, nhóm nghiên cứu chỉ ra một số hạn chế như: (1) Về cơ chế, chính sách: Thiếu các cơ chế, chính sách đồng bộ ở tầm vĩ mô để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh; Các chính sách hỗ trợ hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN ở các địa phương còn chưa đồng bộ, còn nặng về thủ tục hành chính; (2) Hệ thống bộ máy và cơ cấu tổ chức: Các Phòng chuyên môn tham mưu Sở KH&CN thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng tiến bộ KH&CN địa phương có số lượng nhất lực khoảng 300 công chức khá khiêm tốn; Trung tâm thực hiện chức năng tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN ở địa phương đang trong quá trình sáp nhập, sắp xếp lại, vì vậy đã phần nào làm xáo trộn, ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống này; không có các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tổ chức triển khai các tiến bộ KH&CN thuộc cấp huyện, cấp xã giống như mô hình của các Trung tâm Khuyến công và Trung tâm Khuyến nông; (3) Nguồn lực triển khai: Nguồn lực kinh phí cho hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN ở địa phương còn rất hạn chế, nguồn kinh phí chi cho ứng dụng tiến bộ KH&CN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước song đang rất thiếu so với nhu cầu, các nguồn xã hội hóa khác còn rất thấp; Trình độ nguồn nhân lực của các Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng ứng dụng, chuyển giao công nghệ ở địa phương chưa đồng đều, đặc biệt nhân lực có chuyên môn sâu và kỹ năng về tư vấn, thị trường, chuyển giao công nghệ rất ít; Về đầu tư trang thiết bị máy móc vẫn còn thiếu nhiều trang thiết bị; Các trang thiết bị hiện có vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng tính chuyên môn, một số nơi bố trí trang thiết bị chưa phù hợp; (4) Hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN ở địa phương: Số lượng các nhiệm vụ KH&CN được ứng dụng còn thấp (khoảng 3,5%); Nguồn lực dành cho xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ, phần mềm quản lý dữ liệu công nghệ, tìm kiếm nguồn cung công nghệ nước ngoài còn hạn chế; Hiện tại chưa có phần mềm chuyên dụng kết nối, các điểm tổ chức kết nối với nhau thông qua các phần mềm miễn phí nên chất lượng các buổi kết nối không ổn định; Đối với đơn vị sự nghiệp thực hiện chức năng ứng dụng, chuyển giao công nghệ ở địa phương: Số lượng, giá trị các hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ đã có sự tăng trưởng hằng năm, tuy nhiên chất lượng dịch vụ, số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới công nghệ.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ KH&CN tại các địa phương giai đoạn đến năm 2025, gồm 4 giải pháp chính: (1) Giải pháp về thể chế, chính sách; (2) Giải pháp về tổ chức bộ máy và nguồn lực (gồm: Mô hình tổ chức quản lý, phương thức hoạt động; Phát triển nhân lực khoa học và công nghệ; Tăng cường cơ sở vật chất); (3) Giải pháp thúc đẩy đẩy, hỗ trợ hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN tại địa phương thông qua thể chế trung gian; (4) Giải pháp về khoa học và công nghệ (gồm: Xác định định hướng các lĩnh vực công nghệ ưu tiên ứng dụng tại địa phương giai đoạn đến năm 2025; Liên kết nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN tại địa phương; Nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn tại các địa phương thông qua Trung tâm Ứng dụng, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm Khuyến nông).
Kết quả của nhiệm vụ đã làm rõ được hiện trạng hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN các địa phương giai đoạn 2016-2020 và đề xuất giải pháp tổ chức, triển khai hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN các địa phương đến năm 2025, là tài liệu có ý nghĩa để các cơ quan quản lý tham khảo trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách về lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm bảo đảm phù hợp thực tiễn tại địa phương và tính thực thi của văn bản khi được ban hành. Đồng thời, các tổ chức khoa học và công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học có thể tham khảo để xác định rõ, chính xác, phù hợp hướng nghiên cứu, ứng dụng của mình. Các doanh nghiệp có thêm thông tin cần thiết trong quá trình đổi mới, chuyển giao công nghệ, hợp tác, liên kết với Trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
.Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)