Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 10552
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Đánh giá thực trạng tật khúc xạ và đề xuất các giải pháp can thiệp ở học sinh trung học cơ sở tại thành phố Hải Phòng (13/01/2025)

Sở Y tế Hải Phòng chủ trì thực hiện đề tài Đánh giá thực trạng tật khúc xạ và đề xuất các giải pháp can thiệp ở học sinh trung học cơ sở tại thành phố Hải Phòng, TS. Phan Huy Thục làm chủ nhiệm, hoàn thành báo cáo kết quả vào tháng 3/2024.

Nghiên cứu tiến hành trên 5.766 học sinh ở 11 trường Trung học cơ sở (THCS), trong đó 4 trường THCS nội thành có 2.414 học sinh (41,9%), 6 trường THCS ngoại thành có 3.229 học sinh (56,0%), 1 trường THCS hải đảo có 123 học sinh (2,1%). Khối 6 chiếm 31,4%, khối 7 chiếm 25,8%, khối 8 chiếm 22,5%, khối 9 là 20,3%. Về tỷ lệ giới tính, học sinh nam chiếm 53,1%, nữ chiếm 46,9%. Ở nhóm học sinh THCS nội thành, tỷ lệ nam - nữ là 54,8% - 45,2%; nhóm học sinh THCS ngoại thành, tỷ lệ nam - nữ là 52% - 48%.

Kết quả khám mắt theo khối lớp.

Về mô hình tật khúc xạ chung, tỷ lệ học sinh chưa có tật khúc xạ là 53,1%; số học sinh có tật khúc xạ là 46,9%. Số học sinh mắc cận thị chiếm 86,3%; số học sinh mắc loạn thị chiếm 8,5%; số học sinh mắc viễn thị chiếm 5,2%. Ở các trường THCS nội thành, tỷ lệ cận thị chiếm 87,5%; tỷ lệ loạn thị chiếm 7,4%, tỷ lệ viễn thị chiếm 5,1%. Ở các trường THCS ngoại thành, tỷ lệ cận thị chiếm 84,9%; tỷ lệ loạn thị chiếm 9,8%, tỷ lệ viễn thị chiếm 5,3%. Ở hải đảo, tỷ lệ cận thị chiếm 84,2%; tỷ lệ loạn thị chiếm 7,9%, tỷ lệ viễn thị chiếm 7,9%. Mô hình tật khúc xạ chi tiết, tỷ lệ cận, loạn thị chiếm 64,4%; cận thị đơn thuần chiếm 21,9%, loạn thị đơn thuần chiếm 8,5%, viễn, loạn thị chiếm 4,1%; viễn thị đơn thuần chiếm 1,1%.

Về phân loại cận thị, cận thị nhẹ chiếm 58,3%, cận thị trung bình là 35,5%, cận thị nặng chiếm 6,2%. Trong số học sinh mắc loạn thị, tỷ lệ loạn thị nhẹ là 21,1%; loạn thị trung bình là 52,5%, loạn thị nặng chiếm 16,8%, loạn thị rất nặng chiếm 9,6%. Về phân loại viễn thị, tỷ lệ viễn thị nhẹ là 71,1%; viễn thị trung bình là 17,6%, viễn thị nặng chiếm 11,3%. Kết quả chỉnh kính, đeo kính đúng số là 28,9%; đeo kính sai số là 37,5%, chưa được chỉnh kính là 33,6%.

Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới tật khúc xạ, nhóm tác giả nhận thấy, 100% trường học đạt tiêu chuẩn diện tích trung bình và hệ số chiếu sáng lớp học; 3/11 trường chưa đạt chuẩn về cường độ chiếu sáng lớp học; 5/11 trường chưa đạt tiêu chuẩn về hệ số bàn ghế. Học sinh học thêm ngoài trường có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao hơn 2,25 lần so với các học sinh học không học thêm ngoài trường, OR = 2,25, 95%CI: 1,89 - 2,68. Học sinh có thời gian học thêm ngoài trường ≥8h/tuần có nguy cơ mắc tật khúc xạ lớn hơn gấp 1,42 lần so với nhóm học sinh có thời gian học thêm <8h/tuần OR= 1,42, 95%CI = 0,94 – 1,87. Học sinh thiếu ánh sáng chỗ ngồi học trên lớp có nguy cơ mắc tật khúc xạ gấp 1,85 lần so với học sinh đủ ánh sáng  (OR= 1,85, 95%CI: 1,12 - 2,58). Học sinh bị lóa bảng có nguy cơ bị mắc tật khúc xạ cao hơn 1,54 lần so với những học sinh không bị lóa bảng (OR = 1,54, 95%CI: 1,07 - 2,11). Học sinh ngồi sai tư thế trong lớp học có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao gấp 2,85 lần nhóm học sinh không ngồi sai tư thế, (OR=2,85, 95%CI: 2,24 - 3,68). Học sinh có mỏi mắt sau giờ học có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao gấp 1,9 lần nhóm học sinh không mỏi mắt sau giờ học (95%CI: 1,15 - 2,69). Về nhóm các yếu tố nguy cơ từ gia đình, học sinh có tư thế ngồi học sai tại nhà có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao gấp 3,04 lần so với nhóm có tư thế ngồi học đúng (OR=3,04, 95%CI: 2,28 - 3,89. Học sinh không có đèn chiếu sáng riêng góc học tập tại nhà có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao gấp 3,5 lần so với nhóm có đèn chiếu sáng riêng góc học tập, (OR=3,5, 95%CI: 2,84 - 4,14). Học sinh xem ti vi thường xuyên tại nhà có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao gấp 2,09 lần so với không xem ti vi thường xuyên (OR=2,09, 95%CI: 1,48 - 2,75). Học sinh thường xuyên chơi điện tử và dùng máy tính có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao hơn 3,79 lần so với nhóm không hoặc ít chơi điện tử, dùng máy vi tính (OR=3,79, 95%CI: 3,06 - 4,53). Học sinh không thường xuyên hoạt động thể chất ngoài trời có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao hơn 3,83 lần so với nhóm học sinh thường xuyên vui chơi hoạt động thể chất ngoài trời (OR=3,83, 95%CI: 3,12 - 4,61). Học sinh đọc truyện tranh thường xuyên trong ngày có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao hơn 2,53 lần so với nhóm học sinh không đọc truyện tranh, (OR=2,53, 95%CI: 1,95 - 3,11). Học sinh dùng smartphone có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao hơn 3,16 lần so với nhóm học sinh không sử dụng smartphone (OR=3,16, 95%CI: 2,45 - 4,04). Học sinh không ăn các loại rau củ quả giàu vitamin A có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao hơn 52% so với nhóm học sinh có sử dụng các loại hoa quả giàu vitamin A (OR=1,52, 95%CI: 1,18 - 2,01). Học sinh có tiền sử gia đình bố hoặc mẹ bị tật khúc xạ có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao hơn 63% so với nhóm học sinh không có tiền sử gia đình (OR=1,63, 95%CI: 1,21 - 2,02). Các yếu tố nguy cơ từ xã hội cho thấy, học sinh không tiếp cận truyền thông có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao hơn 2,55 lần so với nhóm học sinh có tiếp cận với truyền thông tật khúc xạ (OR= 2,55, 95%CI: 1,98 - 3,07). Học sinh khám mắt định kì có phát hiện được 68,3% có mắc tật khúc xạ; số học sinh không khám mắt định kì có 31,7% số học sinh mắc tật khúc xạ (p<0,01). Học sinh chỉnh kính, khám tại bệnh viện tỉ lệ đeo kính đúng số là 56,9%, sai số là 43,1%, học sinh chỉnh kính tại các phòng kính tư nhân, tỉ lệ đeo kính đúng số là 39,1%, sai số là 60,9% (p<0,001).

Trên cở những nghiên cứu trên, đề tài đã đề xuất một số giải pháp giảm thiểu nguy cơ mắc tật khúc xạ ở học sinh THCS dựa trên các giải pháp giảm thiểu từ yếu tố gia đình, nhà trường, xã hội và can thiệp hiệu quả. Nghiên cứu can thiệp được thực hiện trên 393 học sinh của trường THCS Trần Văn Ơn, trong đó nam chiếm  50,1%, nữ chiếm 49,9%; nhóm đối chứng của trường có 571 học sinh với tỷ lệ nam chiếm  54,9%, nữ chiếm 45,1%. Kết quả cho thấy, hiệu quả can thiệp là 14,8%.

Kết quả can thiệp các giải pháp giảm thiểu từ yếu tố gia đình với  giải pháp dinh dưỡng cho hiệu quả can thiệp đạt 24,1%; giải pháp về điều kiện học tập, chế độ nghỉ ngơi với biện pháp ngồi học tại nhà đúng có hiệu quả can thiệp là 56,2%, trong đó góc học tập có đèn chiếu sáng riêng cho hiệu quả can thiệp là 6,3%, biện pháp giảm tỷ lệ xem ti vi trong ngày có hiệu quả can thiệp là 18,6%, biện pháp giảm tỷ lệ chơi điện tử, sử dụng máy vi tính có hiệu quả can thiệp là 23,8%.

Can thiệp các giải pháp giảm thiểu từ yếu tố nhà trường cho thấy, giải pháp về hệ thống cơ sở vật chất phòng học với biện pháp đảm bảo cường độ chiếu sáng phòng học, biện pháp bảo đảm hệ số chiều cao bàn ghế, biện pháp đảm bảo hệ số chiếu sáng phòng học đạt tiêu chuẩn; giải pháp về xây dựng chương trình học tập gắn với nghỉ ngơi, điều chỉnh thị lực mắt với biện pháp tăng vui chơi, hoạt động ngoài trời có hiệu quả can thiệp là 10,5%, biện pháp giảm độ lóa bảng có hiệu quả can thiệp là 58,4%, biện pháp giảm ngồi sai tư thế trong lớp học có hiệu quả can thiệp là 60%.

Kết quả can thiệp các giải pháp giảm thiểu từ xã hội với giải pháp về truyền thông, tuyên truyền với biện pháp tăng hiểu biết về tật khúc xạ có hiệu quả can thiệp là 70,9%, biện pháp tăng tỷ lệ hiểu biết về chăm sóc mắt và phòng tránh tật khúc xạ có hiệu quả can thiệp là 70%; giải pháp về chăm sóc y tế cộng đồng đối với các tật khúc xạ với biện pháp chỉnh kính đúng số có hiệu quả can thiệp là 48,3%.

Các giải pháp can thiệp hiệu quả với giải pháp can thiệp không xâm lấn, hiệu quả biện pháp đeo kính gọng, nhóm can thiệp có đeo kính có tỷ lệ tăng độ là 3,3%, không đeo kính bị tăng độ là 18,7%; nhóm can thiệp có đeo kính gọng có tỷ lệ tăng độ là 15,5%, không đeo kính bị tăng độ là 83,3%. Giải pháp can thiệp có xâm lấn với biện pháp làm giảm mỏi mắt sau giờ học có hiệu quả can thiệp là 59%. Kết hợp giải pháp can thiệp không xâm lấn và có xâm lấn, tỷ lệ tăng độ khúc xạ ở nhóm can thiệp là 33,1%, ở nhóm đối chứng là 58,9% (p<0,05).

Kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp các bằng chứng khoa học giá trị, hỗ trợ thành phố xây dựng các chính sách và biện pháp can thiệp sớm, hiệu quả, nhằm cải thiện tình trạng tật khúc xạ đáng báo động trong học sinh trung học cơ sở hiện nay. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.