Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 9147
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Dạy con trẻ lòng tự trọng (26/03/2019)

 

              Gia đình là cái nôi đầu tiên để định hình và góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển nhân cách và năng lực của mỗi con người. Nhưng rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, giáo dục gia đình đang có những vấn đề cần phải suy nghĩ nghiêm túc. Nhất là trong việc tôi rèn, hình thành và phát triển các năng lực quan trọng, cơ bản của trẻ nhỏ. Gia đình cần làm gì để con trẻ hình thành và phát triển được những phẩm chất, năng lực cốt lõi của mình và vững vàng hơn khi bước chân ra khỏi gia đình? Thiết nghĩ, hãy dạy con trẻ những thứ đơn giản, nhỏ nhẹ nhưng cần thiết cho cả cuộc đời. Đó là dạy con phải có lòng tự trọng, dạy con phải biết xấu hổ với người khác, với bản thân khi mình sai trái, hèn nhát. Liệu có bao gia đình, bao nhiêu người làm cha làm mẹ quan tâm đến điều đó?

Trước hết, để hình thành lòng tự trọng thì phải dạy con trẻ biết xấu hổ. Phải biết xấu hổ khi mình thua kém bạn bè, khi mình hèn nhát, khi mình sai trái. Nếu không biết xấu hổ thì là vô liêm sỉ và sẽ không hiểu, không có lòng tự trọng. Người lớn trong gia đình phải chịu trách nhiệm với việc trẻ con không biết xấu hổ. Và giáo dục lòng tự trọng, lòng tự ái cần thiết, lòng tự tôn chừng mức cho thế hệ trẻ là để ổn định và phát triển xã hội, xây dựng tương lai đất nước.

Cuộc sống hiện đại, con người phải quay cuồng với chuyện cơm áo gạo tiền nên ít quan tâm đến việc dạy con trẻ qua những hành xử để hình thành lòng tự trọng. Chẳng có gì khó hơn khi dạy cho người khác sự tự trọng bởi người dạy trước hết phải có lòng tự trọng. Cha mẹ mải mê làm việc, thậm chí chính cha mẹ đã làm ảnh hưởng đến nhân cách của con cái qua những ứng xử hàng ngày.

Thay vì nghĩ đến chuyện đao to búa lớn, mỗi người chúng ta nên nghĩ về việc dạy trẻ những điều nhỏ trong cuộc sống hàng ngày để góp phần hình thành nên nhân cách một con người có hiểu biết và đạo đức trong tương lai.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An