Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7446
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Đèn cực tím đặc biệt tiêu diệt virus cúm trong không khí (14/03/2018)

Theo một nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu X quang tại trường Đại học Columbia, chiếu đèn cực tím xa (far - UVC) cường độ thấp có thể tiêu diệt virus cúm mà không gây hại cho mô người. Kết quả nghiên cứu nêu rõ sử dụng đèn cực tím xa trong bệnh viện, phòng khám, trường học, sân bay, máy bay và các không gian công cộng khác sẽ cung cấp công cụ kiểm soát dịch cúm theo mùa, cũng như đại dịch cúm. Nghiên cứu đã được công bố trực tuyến trên Scientific Reports.

Hình ảnh minh họa

Nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học biết rằng đèn cực tím xa phổ rộng với bước sóng từ 200 - 400 nm, có hiệu quả diệt khuẩn và virus ở mức cao bằng cách phá hủy các liên kết phân tử kết nối ADN. Ánh sáng cực tím thường được sử dụng để khử trùng thiết bị phẫu thuật.

TS. David J. Brenner, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: “Thật không may, đèn cực tím khử trùng thông thường đe dọa sức khỏe con người và cũng có thể gây ung thư da và đục thủy tinh thể, cản trở việc sử dụng ánh sáng ở không gian công cộng”.

Cách đây vài năm, TS. Brenner và các cộng sự đã đưa ra giả thuyết ánh sáng cực tím quang phổ hẹp còn gọi là far - UVC có thể tiêu diệt vi khuẩn mà không gây hại cho mô. Theo TS. Brenner, “Ánh sáng far - UVC có phạm vi rất hạn chế và không thể thâm nhập qua lớp tế bào chết của da người hoặc lớp nước mắt, nên không gây nguy hiểm cho người. Nhưng do virus và vi khuẩn có kích thước nhỏ hơn nhiều so với các tế bào của người, vì thế, ánh sáng far - UVC có thể thâm nhập đến ADN và tiêu diệt chúng”.

Trong các nghiên cứu trước đây, nhóm nghiên cứu đã chứng minh đèn far - UVC có hiệu quả diệt khuẩn MRSA (S.aureus kháng methicillin), nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng vết thương, nhưng không gây hại cho da người hoặc da chuột.

Virus cúm lây lan từ người này sang người khác chủ yếu thông qua các giọt chất lỏng nhỏ hoặc sol khí lưu thông trong không khí khi mọi người ho, hắt hoặc nói. Nghiên cứu mới xem xét hiệu quả của đèn far - UVC trong việc tiêu diệt virus cúm được sol khí hóa trong môi trường tương tự như không gian công cộng. Trong nghiên cứu, virus H1N1 (chủng cúm phổ biến) sol khí hóa, được giải phỏng vào trong buồng thí nghiệm và cho tiếp xúc với đèn far - UVC cường độ thấp có bước sóng 222 nm. Nhóm đối chứng gồm virus được sol khí hóa không tiếp xúc với đèn UVC. Đèn far - UVC vô hiệu hóa virus cúm với hiệu quả tương tự như đèn cực tím diệt khuẩn thông thường.

TS. Brenner cho rằng: “Nếu kết quả nghiên cứu của chúng tôi được xác nhận trong những môi trường khác, thì có thể sử dụng đèn far - UVC tần số thấp tại các địa điểm công cộng như là giải pháp an toàn và hiệu quả để hạn chế sự lan truyền bệnh do khuẩn gây ra như cúm và bệnh lao”. 

Đèn far - UVC có giá thành tương đối thấp gần 1.000 USD/chiếc, dự kiến sẽ còn giảm nữa nếu được sản xuất với số lượng lớn. Khác với vắc xin cúm, đèn far - UVC có hiệu quả chống lại tất cả các vi khuẩn trong không khí, thậm chí cả các chủng khuẩn mới xuất hiện.

Nguồn: N.P.D (NASATI)

Cập nhật: 01/3/2018