Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3251
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Điều trị ung thư: Vi khuẩn có thể giúp thu nhỏ khối u (17/10/2018)

Để tìm ra phương pháp tốt hơn để điều trị các khối u ung thư không đáp ứng với các liệu pháp điều trị truyền thống. Nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Trường Đại học Texas, Houston, Mỹ hiện đang tiến hành thử nghiệm một chủng vi khuẩn đã được biến đổi có thể nhắm mục tiêu vào các tế bào ung thư mà không gây hại các tế bào khỏe mạnh. Cuộc thử nghiệm trên lâm sàng giai đoạn I cho thấy liệu pháp điều trị bằng vi khuẩn này có kết quả đầy hứa hẹn.

 

 

Liệu pháp vi khuẩn mới có thể ngăn chặn sự phát triển của khối u ung thư và tăng cường miễn dịch.

 

Nhóm nghiên cứu hiện đang đánh giá sự an toàn và tính hữu dụng của liệu pháp vi khuẩn dùng trong điều trị các khối u ung thư không đáp ứng với các loại điều trị khác này.

 

Các phát hiện cho đến nay - được trình bày gần đây tại Hội nghị miễn dịch ung thư quốc tế CRI-CIMT-EATI-AACR, được tổ chức tại thành phố New York, NY - cho thấy liệu pháp này có mức độ độc hại trong tầm quản lý và có thể giúp co rút một số khối u ung thư rất rắn, khó loại bỏ. 

 

Đồng tác giả nghiên cứu, Filip Janku, giải thích rằng: Ngay sau khi tiêm một mũi duy nhất liệu pháp vi khuẩn này, chúng tôi quan sát thấy các vi sinh vật hoạt động, ở một vài bệnh nhân, sự hoạt tính này rất có ý nghĩa lâm sàng. Phương pháp này cho thấy tính khả thi. Những tác dụng phụ đều ở ngưỡng có thể quản lý, và có ý nghĩa lâm sàng ở những bệnh nhân có ít lựa chọn phương pháp điều trị. 

 

Điều gì làm cho vi khuẩn trở thành một công cụ đầy hứa hẹn

 

Ý tưởng sử dụng vi khuẩn để điều trị ung thư không phải là mới, nhưng cho đến nay, thực tế thực hiện điều trị bằng liệu pháp vi khuẩn không có khả thi do gặp nhiều trở ngại như nhiễm trùng và có các tác dụng phụ bất lợi khác.

 

Trong thử nghiệm lâm sàng mới, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các bào tử của một chủng vi khuẩn gọi là Clostridium novyi-NT. Vi khuẩn này được biến đổi từ Clostridium novyi đặc biệt dùng trong điều trị ung thư.

 

C. novyi-NT có tiềm năng đối với điều trị ung thư vì nó phát triển mạnh trong môi trường thiếu oxy (nghèo oxy), chính xác là kiểu môi trường được tìm thấy trong các tổn thương ung thư. Vì vậy, C. novyi-NT có thể tương tác với các tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến những tế bào khỏe mạnh.

 

Bằng cách khai thác các tình trạng khác nhau vốn tự nhiên giữa các mô khỏe mạnh và mô ung thư. C. novyi-NT thể hiện là một liệu pháp chống ung thư rất chính xác, có thể tấn công ung thư của bệnh nhân một cách hiệu quả”, Tiến sĩ Janku nói. 

 

Thử nghiệm được tiến hành theo kiểu nhãn mở, có nghĩa là tất cả những người tham gia đều biết họ trải qua phương pháp điều trị. Có tổng cộng 24 người được thử nghiệm. Những người này được các nhà nghiên cứu tuyển dụng trong giai đoạn 2013-2017. Tất cả những người tham gia có khối u ung thư khá rắn chắc, khó phá huỷ, có khả năng kháng trị liệu. Cụ thể, 15 trường hợp bị sarcoma (là dạng ung phát sinh từ một phân nhóm phụ của mô nguyên sinh gọi là trung bì), 17 người mắc ung thư biểu mô, và 2 người bị u melanin ác tính.

 

Các nhà nghiên cứu đã tiêm trực tiếp các bào tử C. novyi-NT vào các khối u ung thư. Các mũi tiêm là những liều đơn có chứa từ 10.000 đến 3 triệu bào tử của vi khuẩn. Có hai trong số những bệnh nhân này nhận được liều tối đa 3 triệu bào tử đã bị hoại tử nặng và hoại thư sinh hơi, do đó các nhà nghiên cứu xác định liều dung nạp tối đa là 1 triệu bào tử C. novyi-NT.

 

Sau đó, Tiến sĩ Janku và nhóm nghiên cứu của ông đã sử dụng RECIST - phương pháp kiểm tra, đo lường xem xét khối u ung thư có bị co rút đáp ứng với liệu pháp điều trị hay khôn - để đánh giá hiệu quả của liệu pháp điều trị bằng vi khuẩn này. 

 

Trong số 22 người đáp ứng các tiêu chí đánh giá, có 21 người được ghi nhận là có sự "ổn định" theo như thang đánh giá của RECIST, có nghĩa là bệnh không tăng năng lên mà cũng không thuyêngiảm mức độ nghiêm trọng.

 

Ở những người này, khối u co rút nhỏ hơn 10% sau khi họ thực hiện tiêm thử nghiệm. Khi xem xét khối u ở những người tham gia được tiêm C. novyi-NT so với khối u những người đối chứng, không tiêm, tỷ lệ bệnh ổn định, theo RECIST, là 86%.

 

Tuy nhiên, Tiến sĩ Janku lưu ý rằng các đánh giá kiểm tra của RECIST có thể không cung cấp hoàn toàn chính xác về hiệu quả của liệu pháp vi khuẩn được thử nghiệm. Bởi vì khi nhóm nghiên cứu tiêm C. novyi-NT vào khối u ung thư của bệnh nhân, các tế bào trong khối u bị chết và bị hoại tử trong khi đó các mô còn lại bị viêm, làm cho tổn thương có kích thước lớn hơn so với khối u ban đầu. Do đó ông cho rằng đánh giá qua RECIST không phản ánh chính xác sự giảm gánh nặng khối u ở những bệnh nhân này. 

 

Hơn nữa, khi họ nhìn vào tỷ lệ phát triển gia tăng của bào tử C. novyi-NT, các nhà nghiên cứu thấy rằng, trong tổng số người tham gia, có 46% cho thấy có sự sản sinh gia tăng bào tử này và có biểu hiện các dấu hiệu cho thấy tế bào khối u bị phân huỷ.

 

Nhóm nghiên cứu cũng báo cáo một phát hiện thú vị khác đó là: liệu pháp vi khuẩn dường như cũng đã thúc đẩy phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các khối u ung thư.

 

Mặc dù ở một số bệnh nhân không thấy có sự sản sinh lan rộng của bào tử, nhưng chúng tôi nhận thấy các đáp ứng miễn dịch đặc hiệu đối với khối u nhờ dấu hiệu tăng tiết cytokine tế bào T (một loại tế bào miễn dịch) và sự gia tăng hoạt động của khối u tế bào lympho (một loại tế bào miễn dịch khác) trong các khối u được tiêm”, Janku nói. 

 

Từ những kết quả sơ bộ này, Janku tuyên bố rằng, ngoài việc phân hủy khối u, dường như C. novyi-NT cũng có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch. 

 

Theo các tác giả, điều này cho thấy, liệu pháp vi khuẩn trong tương lai có thể được sử dụng để tăng cường hiệu quả của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư. Nhóm nghiên cứu khuyến khích thử nghiệm điều trị bằng phương pháp này cho những bệnh nhân sarcoma tiến triển để xem xét tính hiệu quả của liệu pháp miễn dịch. 

 

Nguồn: P.T.T (NASATI)/www.vista.gov.vn

Cập nhật: 11/10/2018