Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1942
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Đừng để điểm số tạo thành gánh nặng cho con (05/07/2019)

              Thực tế là phần lớn cha mẹ đều coi điểm số là tiêu chuẩn đánh giá tình hình học tập của trẻ. Chỉ có một số ít người hiểu rằng, điểm số chỉ là một yếu tố tham khảo, điểm số cao hay thấp không hoàn toàn phản ánh được chính xác năng lực học tập của trẻ. Tuy nhiên, trong thời đại mà sự cạnh tranh về điểm số ngày càng khốc liệt như hiện nay, thì điểm cao hay thấp lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó có thể quyết định trẻ có được lên lớp, thăng chức hay không… Và như vậy, điểm số nghiễm nhiên trở thành mục đích, mục tiêu duy nhất để cha mẹ và con cái cùng theo đuổi.

 

Không chỉ vậy, còn có rất nhiều bậc cha mẹ lấy điểm số để làm điều kiện cho những nhu cầu sinh hoạt cơ bản của con cái, rồi bắt con phải học tập vì chính điểm số đó. Kết quả là sự phát triển tâm lý và thể trạng của trẻ bị ảnh hưởng.

 

Có những bậc cha mẹ còn xem thành tích học tập như một tiêu chuẩn chủ yếu, thậm chí là duy nhất để đánh giá trẻ. Họ vô cùng nhạy cảm với sự cao - thấp của điểm số. Nếu con được điểm 9, điểm 10 thì vui mừng phấn khởi, lập tức khen ngợi, có khi còn dùng cả tiền để làm phần thưởng. Còn nếu con bị điểm thấp không đúng theo nguyện vọng của mình thì bắt đầu giận dữ, la mắng, quát nạt, đến nỗi con trẻ phải run rẩy lên vì sợ hãi.

 

Trẻ em rất nhạy cảm, nếu cha mẹ quá quan tâm đến điểm số, chúng sẽ có phản ứng nhạy cảm hơn với điểm số. Nếu cha mẹ còn la mắng, giận dữ sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của các con, ảnh hưởng tới sự tự tin và lòng nhiệt tình đối với việc học tập của trẻ. Điều này hoàn toàn không có lợi cho việc tự học của con. Cha mẹ cần nắm rõ một nguyên tắc: Động viên trẻ học tập vì kiến thức chứ không phải vì điểm số.

 

Các bậc cha mẹ khi quản thúc con cái chuyện học hành đừng chỉ nhìn vào điểm số của con, hãy quan tâm đến năng lực thực chất của con. Đừng xem điểm số là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá trình độ của con, mà nên dùng thái độ bình thản để nhìn nhận điểm thi của con. Con thi được điểm tốt đừng ngại ngần động viên tinh thần, nếu thi cử không như ý thì cũng cần tìm ra nguyên nhân, cổ vũ con tiếp tục nỗ lực. Tinh thần của trẻ ổn định, tăng thêm sự tự tin, phát triển lành mạnh là điều quan trọng hơn cả. Trẻ không những nắm được kiến thức mà còn cần nắm được phương pháp rèn luyện các kỹ năng cơ bản, biết cách làm người tốt. Điều này cần sự phối hợp của cha mẹ và giáo viên.

 

Càng ngày, chúng ta càng nhận ra được một thực tế rằng, điểm số không còn là công cụ để đo lường giá trị của một con người trong xã hội. Vậy nên, các bậc cha mẹ đừng nên để điểm số trở thành cái kiềng trói buộc con cái mình. Mục đích của chúng ta khi cho trẻ đến trường học hoàn toàn không phải là để lấy được điểm cao mà là để có được kiến thức thực tế, học cách tạo dựng các mối quan hệ, học cách làm người. Chỉ khi điểm số không còn là áp lực nữa thì trẻ em mới vui vẻ đến trường và trưởng thành khỏe mạnh.

 

Nguồn: Báo Đại kỷ nguyên