Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3367
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Đừng giáo dục bằng nỗi sợ hãi (26/09/2018)

          Ai cũng chỉ biết rằng, nếu nuông chiều một đứa trẻ có thể khiến nó “hư”, mà không biết rằng, nếu quá khắt khe cũng có thể khiến một đứa trẻ “hỏng”. Chúng ta thường lựa chọn cách giáo dục bằng nỗi sợ hãi để trẻ “đòn đau nhớ đời”. Nhiều người không đánh đòn thì cũng khiến trẻ hoảng sợ với các hình phạt, với sự chửi mắng hoặc khiến trẻ ngập trong cảm giác tội lỗi.

Ngay khi còn bé, vì muốn đứa trẻ nghe lời hay cố nuốt thêm miếng cơm, người lớn dọa nạt bằng đủ thứ như ông ba bị, con ma, kẻ bắt cóc, chú công an, bác sĩ tiêm. Lợi ích ngắn hạn thì thấy rõ ngay lập tức, nhưng cái hại lâu dài thì không phải ai cũng lường được. Những lời dọa nạt “ngấm” vào đầu đứa trẻ khiến nó trở nên nhút nhát, sợ hãi khi có bóng tối, không dám ở một mình, khi gặp nguy hiểm, đáng lẽ nên chạy về phía công an để được bảo vệ thì lại chạy đi, khi bị bệnh, đáng lẽ sẽ yên tâm khi thấy bác sĩ, đằng này lại rơi vào cảm giác hoảng loạn khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn nhiều.

Để tránh con bị tổn thương, chúng ta chọn cách cấm đoán con thay vì hướng dẫn con. Chúng ta cấm đoán con yêu đương, thậm chí đánh đập, trừng phạt, ép con phải từ bỏ nếu con lỡ có tình cảm với một ai đó. Chúng ta luôn nói rằng, muốn tốt cho con, nhưng hóa ra lại khiến con tổn thương quá nhiều mà không thực sự hiểu mình nên làm gì và đã sai ở đâu.

Nhiều người trong thế hệ của chúng ta cũng từng lớn lên với đòn roi, chửi mắng và hình phạt, cấm đoán dù ít hay nhiều. Chúng ta bước vào đời với tâm thế của những kẻ sợ bị thua cuộc. Chúng ta không dám nói lên chính kiến, không dám đấu tranh cho sự thật vì sợ bị trù dập hay bị phạt. Chúng ta dạy con y như cách mình được học ngày xưa mà tin rằng, như thế là đã nên người. Bằng cách gieo cho con nỗi sợ hãi, chúng ta đã tước hết ở trẻ sự chính trực và can đảm cần có ở một người.

Gần đây có nhiều sự kiện của ngành giáo dục như cô giáo phạt học sinh quỳ, ép học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng, cô giáo im lặng suốt ba tháng đứng lớp, cô giáo bắt chép phạt 200 lần... Chúng ta phẫn nộ với cô giáo này mà lại đồng tình với cô giáo kia mà không nhận ra tất cả những hành động ấy đều là bạo hành, dẫn đến sự tổn thương của những đứa trẻ.

Dạy dỗ con trẻ là một quá trình dài, dài tới nỗi gần như mất hết nửa đời người, chúng ta không thể trông đợi vào những lợi ích ngắn hạn. Thay vì làm trẻ sợ hãi, chúng ta cần dạy cho trẻ hiểu. Giống như thay vì khiến trẻ sợ chảy máu, sợ bị bỏng thì nên dạy trẻ biết cầm dao, nhóm lửa.

Nguồn: Báo Gia đình