Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 40602
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Đừng làm mất nét đẹp lễ hội đầu năm (22/02/2016)

Đi lễ hội đầu năm để cầu an, xin lộc đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam từ ngàn đời nay. Sự gia tăng về số lượng lễ hội cũng như thực trạng hoạt động lễ hội trong những năm gần đây đã khiến nét đẹp đó dần bị mai một, nhiều lễ hội bị biến tướng.

Hiện nay, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó phần lớn là lễ hội dân gian. Từ bao đời nay, lễ hội như sợi dây gắn kết cộng đồng, là không gian văn hóa linh thiêng đưa nhân dân tìm về với cội nguồn dân tộc; vừa tưởng nhớ công ơn của người đi trước, cầu mong những điều tốt lành trong năm mới, vừa là nơi để người dân được thưởng thức, hoà mình vào các trò chơi dân gian. Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa thiêng liêng của lễ hội, những hình ảnh không đẹp, “chướng tai, gai mắt” đã xuất hiện tràn lan. Những hình ảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh nhau để “cướp” lễ xuất hiện ở không ít các lễ hội. Cùng với đó là tình trạng bát nháo của dịch vụ hàng quán, đổi tiền lẻ, ăn xin... đã làm mất đi sự linh thiêng vốn có nơi cửa chùa. Hình ảnh dòng người chen chúc trên các con đường ở các địa điểm diễn ra lễ hội khiến du khách thập phương và người dân “ngao ngán”.

Không những thế, người ta còn tìm mọi cách để chứng minh “lòng thành kính” của mình, dùng tiền lẻ cọ xát, dắt vào tượng Phật, “hối lộ” thần linh, đốt vàng mã nghi ngút, chưa kể đến việc ăn uống, hưởng lộc nhồm nhoàm, xả rác bừa bãi...

Thiết nghĩ, đi lễ hội đầu năm phải xuất phát từ sự thành tâm trong mỗi con người. Diện mạo của văn hóa lễ hội chỉ có thể được xây dựng khi người tổ chức, quản lý lễ hội và người tham gia lễ hội thật sự am hiểu giá trị, ý nghĩa của lễ hội, từ đó có ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội.

Nguồn: Báo Công an Nghệ An