Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 2277 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Văn hóa - Xã hội Nông thôn
Đừng nhầm lẫn “yêu cho roi cho vọt” với bạo hành trẻ (12/09/2018)
Từ xưa tới nay, mỗi người dân Việt Nam vẫn luôn có quan niệm “yêu cho roi cho vọt - ghét cho ngọt cho bùi” và điều này thường được áp dụng trong cách dạy dỗ, bảo ban con cái, chính vì vậy xã hội thường “chấp nhận” việc người lớn dùng đòn roi với các em, coi đó là việc hết sức bình thường.
Một nguyên nhân lớn được chỉ ra là, do ngay từ sự nhận thức trong mỗi gia đình về vấn đề bảo vệ trẻ em hiện vẫn đang chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ. Từ đó, những thói quen đánh mắng trẻ diễn ra lâu nay khiến cho nhiều người xem chuyện đánh con là bình thường. Thậm chí, coi chuyện dùng hình phạt bằng roi vọt là quyền của những người làm cha, làm mẹ dưới lớp vỏ bọc ngụy biện là cần phải dạy cho con nên người.
Bởi vậy, mỗi khi thấy một đứa trẻ hàng xóm bị người lớn trong gia đình đánh đập, quát mắng thì những nhà ở gần cạnh bên đều thấy thản nhiên, cho rằng đứa trẻ đó hư, cần được dạy bảo nên mình chẳng cần phải lên tiếng hay can thiệp làm gì. Để rồi, đứa trẻ ấy một khi phải lớn lên trong môi trường bạo lực thì tất yếu cũng sẽ mang theo “máu bạo lực” trong người.
Đó chính là cái vòng luẩn quẩn của tình trạng “bạo lực sinh ra bạo lực” vẫn đang diễn ra trong các gia đình, nhà trường và xã hội mỗi ngày qua. Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra một quy luật rằng, nếu như những đứa trẻ có tuổi thơ bị ngược đãi thì khi lớn lên, đứa trẻ đó cũng sẽ xuất hiện hành vi ngược đãi đối với những người khác, kể cả đó là con cái do mình đẻ ra; sẽ trở nên vô cảm ngay cả khi đã gây ra những vụ việc đem lại hậu quả xấu, vô trách nhiệm với chính cuộc đời của mình.
Tất nhiên, mục đích dạy dỗ con của những bậc làm cha mẹ là chính đáng, nó rất khác so với mục đích của những kẻ bạo hành. Thế nhưng, đối với những đối tượng cụ thể là trẻ em- vốn được xem là không có khả năng tự vệ, còn rất non nớt về nhận thức và yếu ớt về thể lực thì ranh giới giữa việc bạo hành với việc dạy dỗ trong nhiều trường hợp lại trở nên rất mong manh. Thời gian gần đây, đã có rất nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong cả nước và điều đau lòng hơn khi những vụ việc này lại diễn ra ngay trong chính gia đình của các em.
Một số vụ việc trở nên trầm trọng, gây ra hậu quả nặng nề khiến cộng đồng phẫn nộ và buộc các cơ quan chức năng phải can thiệp thì cả xã hội mới chợt nhận ra rằng, đang có gì đó hoàn toàn không ổn trong cách dậy dỗ trẻ theo kiểu truyền thống đề cao việc sử dụng roi vọt. Tuy nhiên, đến khi sự việc được phát hiện và xử lý thì các em cũng đã phải chịu đựng sự bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần. Nạn bạo hành đối với trẻ em thậm chí đã đi quá xa, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Do đó, để hạn chế nạn bạo hành, xâm hại trẻ, nếu chỉ có sự nỗ lực từ phía Nhà nước không thôi là chưa đủ. Thực tế cho thấy, rất cần có sự thay đổi trong cách hành xử đối với trẻ em của mỗi cá nhân và cả cộng đồng, xã hội. Từ đó mới giúp dần loại bỏ những tư tưởng lạc hậu không còn phù hợp, người lớn cũng cần biết lắng nghe trẻ, cùng lên tiếng bảo vệ trẻ.
Nguồn: Hội Nông dân Việt Nam
- Phân loại rác thải từ nguồn: ý thức người dân là quan trọng nhất (08/12/2021)
- Người dân hạn chế di chuyển khi F0 tăng nhanh (08/12/2021)
- “Tín dụng đen online” và nỗi ám ảnh trò “khủng bố” đòi nợ (29/11/2021)
- Làng nghề bánh đa Kinh Giao - nét văn hóa đặc trưng của thành phố biển Hải Phòng (27/10/2021)
- Cần có thêm “ranh giới” để nâng cao ý thức phòng, chống dịch (06/10/2021)
- Vui mừng nhưng không chủ quan (30/09/2021)