Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1991
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Đừng so sánh con mình với con nhà người ta (02/07/2018)

      Theo thống kê gần đây của Viện Sức Khỏe Tâm Thần thuộc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 ca tự sát vì trầm cảm, đáng lo ngại hơn là căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa.

 

Phần nhiều các ca tự tử nằm trong độ tuổi học sinh, sinh viên và nguyên nhân chủ yếu đến từ áp lực học đường - áp lực từ phía nhà trường khi mải mê chạy theo thành tích chung, áp lực điểm số, áp lực từ phía phụ huynh khi so sánh con em mình với các bạn đồng trang lứa, đặt kỳ vọng quá cao lên các em...

 

Tại các buổi họp phụ huynh định kỳ ở trường, câu hỏi giáo viên thường hay gặp phải nhất là “kết quả của cháu so với các bạn trong lớp như thế nào? đứng thứ mấy trong lớp? bạn nào đứng nhất, nhì, ba trong lớp?”. Các bậc phụ huynh không thể lường trước được rằng những câu hỏi mang tính so sánh như vậy vô tình đã tạo nên một áp lực vô cùng lớn cho chính con em của mình. Sau các buổi họp, hầu hết các bậc cha mẹ bắt đầu yêu cầu con mình phải cố gắng và chịu khó nhiều hơn nữa để bằng được bạn A, bạn B trong lớp, phải đứng thứ nhất hoặc ít nhất là trong top 3-5 của lớp. Bản thân các em học sinh sau khi bị so sánh cũng bắt đầu phát sinh lòng đố kỵ so với bạn bè, giữa các em sẽ có nảy sinh mâu thuẫn làm cho mối quan hệ ở trường trở nên không tốt, nếu không khéo léo xử lý các em sẽ bị cô lập cộng thêm việc phải chịu áp lực học tập nói trên và đó chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm, bạo lực học đường.

 

Nếu con liên tục bị đem ra so sánh với người khác, trẻ sẽ cảm thấy tủi thân và chạm đến lòng tự trọng của con. Lâu dần trẻ sẽ hình thành tâm lý tự ti, mặc cảm và cảm thấy bản thân bất tài, vô dụng, trẻ sẽ sống thu mình lại với cha mẹ và những người xung quanh. Do vậy, nếu muốn khuyến khích con phát triển, cha mẹ cũng cần có chừng mực, đủ để con thấu hiểu và cố gắng, đừng tạo sức ép cho con quá nhiều vì nó sẽ có tác dụng ngược lại. Thường xuyên so sánh con với người khác, lâu dần trẻ sẽ hình thành suy nghĩ là bản thân kém cỏi, dù có cố gắng cũng không thể thành công. Vì thế, trẻ sẽ sống buông xuôi, không nỗ lực để vươn lên. Lâu dần sẽ trở thành người nhút nhát, khi trưởng thành con sẽ khó để có thể trở thành người thành đạt trong xã hội.

 

Như vậy, lời khuyên cho các bậc phụ huynh là nên dừng lại việc so sánh con mình với con nhà người ta, đừng quá chú trọng vào điểm số mà nên chú trọng nhiều hơn tới việc phát triển kĩ năng làm việc hiệu quả và khả năng tư duy sáng tạo của con em mình.

 

Nguồn: Báo Dân trí