Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 31123 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Văn hóa - Xã hội Nông thôn
Gần 20 năm tận tụy với công tác hòa giải (05/09/2016)
Bác Phạm Thị Hằng, 58 tuổi ở thôn Nam Phong 2 (xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng) nhiều năm làm công tác hòa giải và được coi như người thân của nhiều gia đình trong thôn. Theo Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Tiên Lãng - Vũ Thị Hồng, trong 1156 hòa giải viên ở huyện, bác là một trong những tấm gương tiêu biểu được Phòng Tư pháp huyện Tiên Lãng đề xuất cấp trên khen thưởng.
Với bác Hằng, nghề “hòa giải” là cái duyên trời định. Trước khi trở thành hòa giải viên, từ năm 1978, khi còn là giáo viên mầm non của xã, bác được nhà trường tín nhiệm giao nhiệm vụ hòa giải những mâu thuẫn nhỏ trong công việc, gia đình của các đồng nghiệp. Thời đó, nhiều người tìm đến bác, trước là để tâm sự, sau là nhận những lời khuyên, hướng giải quyết thuận hòa vụ việc. Cũng bởi thế, ngay từ những ngày đầu khi cán bộ tư pháp xã chọn người làm hòa giải viên ở thôn, bác được dân làng tín nhiệm đề cử.
Không quản ngày nắng, ngày mưa, mỗi khi trong thôn xảy ra chuyện tranh chấp là bác Hằng có mặt kiên trì hòa giải mâu thuẫn. Đến nay, sau gần 20 năm làm công tác hòa giải ở thôn, dù không có chế độ nào cho hòa giải viên, nhưng bác luôn tận tụy, hòa giải thành hàng trăm vụ việc, góp phần mang đến niềm vui cho nhiều gia đình, dòng họ, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Bác Hằng tâm sự, làm công tác hoà giải phải tế nhị, hài hoà, hợp tình hợp lý sẽ xoa dịu không khí căng thẳng giữa các bên. “Công việc nghe đơn giản vậy thôi nhưng khi vào cuộc không hề đơn giản chút nào vì tâm lý “hơn thua” và tâm lý “dòng họ” còn nặng nề trong văn hóa làng xã”- bác bộc bạch.
Bác Hằng còn nhớ năm 2015, bác hòa giải mâu thuẫn giữa vợ chồng anh Vũ Văn N (sinh năm 1963) và chị Vũ Thị M (sinh năm 1966). Trước khi lấy chị M, anh N từng có một đời vợ. Khi lấy chị M, 2 vợ chồng chịu khó làm ăn, xây dựng gia đình và có 2 người con trai khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Tuy nhiên, đến năm 2015, vợ chồng anh N, chị M xảy ra mâu thuẫn. Anh N dọn về ở với người vợ cũ ở xã bên cạnh và có ý định ly hôn với chị M. Tại thời điểm đó, chị M bị bệnh u xương khớp và nhiều căn bệnh khác, lại thêm mâu thuẫn vợ chồng dẫn đến sức khỏe yếu, thường xuyên phải nằm viện. Khi được chị M nhờ hòa giải, bác dành nhiều thời gian trò chuyện với anh N về cái nghĩa, cái tình trong cuộc sống vợ chồng, khuyên bảo anh N quay trở về với gia đình. Sáng, cũng như chiều, thậm chí tối muộn, có cơ hội là bác “tỉ tê” khuyên bảo anh N, hòa giải sự hiểu lầm giữa hai vợ chồng. “Mưa dầm thấm lâu”, sau hơn một tháng vận động, anh N trở về với gia đình, chăm sóc sức khỏe cho chị M. Nụ cười hạnh phúc trở lại với gia đình anh N, chị M chính là động lực để bác gắn bó thêm với nghề.
Kể chuyện hoà giải, mắt bác Hằng rạng ngời niềm vui. Để gắn bó được gần 20 năm với nghề “hòa giải viên”, bác Hằng thầm cảm ơn gia đình, chồng, con ủng hộ, tin tưởng và giúp đỡ bác thực hiện tốt việc mà bác tâm huyết và đam mê này.
Nguồn: Báo Hải Phòng
- Phân loại rác thải từ nguồn: ý thức người dân là quan trọng nhất (08/12/2021)
- Người dân hạn chế di chuyển khi F0 tăng nhanh (08/12/2021)
- “Tín dụng đen online” và nỗi ám ảnh trò “khủng bố” đòi nợ (29/11/2021)
- Làng nghề bánh đa Kinh Giao - nét văn hóa đặc trưng của thành phố biển Hải Phòng (27/10/2021)
- Cần có thêm “ranh giới” để nâng cao ý thức phòng, chống dịch (06/10/2021)
- Vui mừng nhưng không chủ quan (30/09/2021)