Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7007
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Gây mâu thuẫn kéo dài, cha mẹ đang bạo hành tinh thần con trẻ (29/10/2019)

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc bạo hành gia đình đã dấy lên dư luận xã hội, số lượng các vụ bạo hành ngày càng gia tăng. Không ít ông chồng sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ vì những lý do hết sức nhỏ nhặt. Thậm chí, nhiều cặp vợ chồng đánh mắng nhau giữa đường, trước mặt con... mặc trẻ khóc lóc, sợ hãi.Những vụ bạo hành cho thấy, cha mẹ chỉ thoả mãn cảm xúc của chính mình, còn hoàn toàn bỏ mặc con trẻ.

Bạo hành gia đình gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý trẻ nhỏ.

Theo các chuyên gia tâm lý, về bản chất, đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha mẹ. Con cái như một bản sao của gia đình, càng bé, sự ảnh hưởng này càng lớn. Chưa kể, trẻ có xu hướng thích bắt chước, nếu thấy cha mẹ bạo lực, con ghi nhớ và đối xử với mọi thứ xung quanh bằng thái độ như vậy.

Trẻ nhỏ (thường dưới 7 tuổi) khi thấy cha mẹ đánh nhau sẽ không thể hiểu chuyện gì, chỉ nhìn hiện tượng nhưng không biết bản chất. Và điều đó khiến đứa bé vô cùng lo lắng, sợ hãi. Vì trong nhận thức của trẻ tuổi đó, cha mẹ là người bao bọc, chở che, yêu thương mình thì giờ đây họ đang hằn học, bạo hành nhau.

Lớn một chút, nhưng chưa phát triển hoàn thiện nhận thức, thấy cha mẹ đánh nhau, con trẻ luôn nghĩ nguyên nhân xuất phát từ chúng, trẻ không thể hiểu cha mẹ đánh nhau vì kinh tế, đánh nhau vì quan hệ ngoài luồng…

Những hành động đó dưới con mắt non nớt của trẻ sẽ ghi dấu ấn, có khi cả đời không thể quên và ảnh hưởng nặng nề về thế chất, tinh thần trẻ. Tùy theo tính cách, tư duy, trẻ sẽ hung hãn, thu mình, tiếp xúc, học tập khó khăn…

Theo nghiên cứu, những đứa trẻ vô cảm, thích dùng bạo lực, hay đánh vợ đánh chồng thường xuất phát nhiều từ gia đình không hạnh phúc, mâu thuẫn, đánh cãi vã nhau nhiều.

Gia đình vốn được coi là tổ ấm, là nơi “tránh bão”. Nhưng với những vụ việc bạo hành đau lòng đã xảy ra, rõ ràng nhiều người đang phải đối diện với “bão táp gia đình” trước khi tránh được “bão táp cuộc đời”.

Những mối quan hệ gia đình đang bị rạn nứt, cách ứng xử không tôn trọng nhau của người lớn đã biến gia đình thành nơi gieo mầm bạo lực, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý trẻ thơ.

Việc tranh cãi trong gia đình là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi có trẻ nhỏ, người lớn cần hạn chế tranh cãi trước mặt con, hoặc khi biết trẻ nhìn thấy, nhận thấy tranh cãi giữa cha mẹ, người lớn cần giải thích cho con hiểu.

Nếu trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên giải thích theo ngôn ngữ dễ hiểu, còn khi trẻ đã trưởng thành, cần coi trẻ như một thành viên lớn tuổi và hỏi ý kiến của trẻ.

Nguồn: giaoducthoidai.vn