Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 3430 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Giải mã bí ẩn của virus SARS-CoV-2 (28/05/2020)
Theo Reuters, các nhà nghiên cứu trên khắp Vương quốc Anh sắp tham gia vào một dự án lớn nhằm nghiên cứu và giải mã những bí ẩn của virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang khiến cả nhân loại lo ngại.
Virus SARS-CoV-2 ẩn chứa nhiều bí ẩn khiến các nhà khoa học đang phải đau đầu tìm lời giải - Ảnh minh họa
Một trong những băn khoăn lớn nhất của các nhà khoa học Anh là vì sao virus này lại khiến một số người tử vong nhưng lại không gây ra bất cứ một triệu chứng nào cho một số người khác.
Để làm được điều này, họ sẽ phải giải mã gene của hàng ngàn người mắc COVID-19 nặng và so sánh bộ gene của những bệnh nhân này với những người bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Kenneth Baillie, người đứng đầu nghiên cứu này, thừa nhận việc so sánh các bộ gene sẽ rất khó khăn. Có đến 4-5 triệu khác biệt giữa bộ gene 2 người nên để so sánh, các nhà khoa học cần lấy mẫu lớn.
Ông Baillie cho biết ông sẽ làm việc với các đơn vị chăm sóc đặc biệt trên khắp Vương quốc Anh, Công ty Genomics England và Tổ chức GenOMICC - một cộng đồng bác sĩ và nhà khoa học toàn cầu nghiên cứu các bệnh hiểm nghèo để hoàn thành nghiên cứu nói trên.
Ông Mark Caulfield, nhà khoa học tại Công ty Genomics England, cho biết: “Bằng cách đọc toàn bộ bộ gene, chúng tôi có thể xác định biến thể ảnh hưởng đến cách cơ thể phản ứng với COVID-19 và khám phá ra liệu pháp mới có thể giảm thiểu các tác hại, cứu sống và thậm chí là ngăn chặn các ổ dịch trong tương lai”.
Phát hiện virus SARS-CoV-2 trong tinh dịch bệnh nhân
Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây thông báo đã phát hiện virus SARS-CoV-2 trong tinh dịch của các bệnh nhân nam và kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về khả năng virus lây lan qua đường tình dục.
Đây là kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học JAMA Network Open. Nếu giả thuyết này được khẳng định, lây nhiễm qua đường tình dục có thể là một phần quan trọng trong công tác ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Xuất hiện thêm nhiều triệu chứng bệnh
Mỗi tuần trôi qua, danh sách các triệu chứng của dịch bệnh lại nối dài thêm. Từ những triệu chứng ban đầu giống bệnh cúm thông thường như ớn lạnh, đau đầu và sốt, sau 3 tháng xuất hiện và hoành hành, các triệu chứng của COVID-19 cũng mở rộng nhanh chóng với hàng loạt tác động tới hầu hết các bộ phận trong cơ thể từ não bộ cho tới thận.
Dịch bệnh nguy hiểm này còn có thể khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị quá tải, dẫn tới hội chứng giải phóng ra một lượng lớn cytokine- hay còn gọi là bão cytokine- trong chính mầm bệnh cũng như trên cơ thể vật chủ, một dạng tác dụng phụ của hệ miễn dịch.
Giảng viên cao cấp khoa virus học của Đại học Kent Jeremy Rossman lý giải hầu hết virus đều gây bệnh theo 2 cách.
Virus có phá hủy các mô mà chúng xâm nhập và sao chép tại đó hoặc là gây những những tổn hại theo kiểu kích thích tác dụng phụ của hệ miễn dịch khi cơ thể phản ứng để chiến đấu với bệnh tật.
Hiện các bác sỹ đang nghi ngờ COVID-19 là thủ phạm dẫn tới hàng chục ca trẻ nhỏ phải nhập viện tại New York, London và Paris, được chẩn đoán mắc một rối loạn phản ứng viêm hiếm gặp tương tự như hội chứng trên. Rối loạn này chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ, tấn công các thành mạch và dẫn tới suy nội tạng.
Hàng chục nghiên cứu y học trong những tuần gần đây cũng nêu những tác động nguy hiểm tiềm tàng của COVID-19 như đột quỵ và tổn thương tim.
Các nhà nghiên cứu từ khoa tiết niệu của Trường đại học Y Nam Kinh, Trung Quốc, trong tuần qua công bố báo cáo trên Nature Review, mô tả các bệnh nhân COVID-19 cũng có những biến chứng tiết niệu và tổn thương thận cấp tính. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy những thay đổi đáng kể hormone sinh dục ở bệnh nhân nam.
Theo một bác sỹ gia đình đã làm việc tại khu trung tâm thủ đô Paris (Pháp) gần 3 thập kỷ qua, ban đầu các bác sỹ được hướng dẫn chú ý những trường hợp có triệu chứng như đau đầu, sốt và ho nhẹ. Sau đó, danh sách này được bổ sung thêm sổ mũi và đau rát họng trước khi thêm các vấn đề về tiêu hóa như đau dạ dày hay tiêu chảy nặng. Tới nay, danh sách tiếp tục được nối dài với những triệu chứng như nhiễm trùng da, vấn đề tiết niệu, đau ngực dữ dội hay mất vị giác và khứu giác.
Nhiều nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra các triệu chứng hiếm gặp ở các bệnh nhân cúm thông thường xuất hiện ở những ca bệnh COVID-19 và thường là do rối loạn đông máu. Các vấn đề về tim, gan, phổi và tổn thương não ở bệnh nhân COVID-19 chủ yếu liên quan tới rối loạn đông máu.
WHO: SARS-CoV-2 có thể không bao giờ biến mất
Quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng SARS-CoV-2 có thể sẽ không tự biến mất và cần một nỗ lực lớn để kiểm soát dịch bệnh.
“Điều quan trọng là phải nghĩ tới khả năng này: Virus này có thể sẽ trở thành một loại virus đặc hữu khác trong cộng đồng và nó có thể sẽ không bao giờ biến mất”, ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, nhận định trong cuộc họp báo diễn ra tại trụ sở của tổ chức này tại Geneva, theo Reuters.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải thực tế và tôi không nghĩ là ai đó có thể dự đoán khi nào dịch bệnh sẽ biến mất. Không có lời hứa nào trong việc này và không có thời hạn nào cả”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng thế giới có thể kiểm soát phần nào khi đối phó với bệnh dịch, mặc dù điều đó sẽ cần một nỗ lực rất lớn, ngay cả khi bào chế thành công vaccine.
Hơn 100 loại vaccine có tiềm năng đang được phát triển và một số đã được thử nghiệm lâm sàng trên người, mặc dù các chuyên gia lưu ý rằng việc bào chế vaccine đối với virus này là rất khó khăn.
Ông Ryan cũng lưu ý rằng có nhiều bệnh đã có vaccine nhưng vẫn chưa bị loại bỏ, tiêu biểu như bệnh sởi.
Nguồn: H.Phương/baochinhphu.vn
Ngày cập nhật: 14/5/2020
http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Giai-ma-bi-an-cua-virus-SARSCoV2/395532.vgp
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)